Dự án chùa Tam Chúc: Giao 1.000 ha đất nhưng ... “chưa rõ ràng”!
(Dân trí) - Tuy giao nhận cả nghìn ha đất, nhưng vẫn chưa rõ diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất thì thật khó hiểu. Nếu không làm rõ, e rằng không sớm thì muộn, lại sẽ có những đại án.
Trong chương trình chuẩn bị cho năm du lịch Việt Nam 2015 tổ chức ở Thanh Hóa, một số nhà báo đi cùng với lãnh đạo Tổng cục Du lịch đi thăm Chùa Bãi Đính và một số di tích ở Thanh Hóa. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khi đó là ông Nguyễn Văn Tuấn đã say sưa nói về kế hoạch lập những tuyến du lịch tâm linh, trong đó có trục Bãi Đính – Chùa Hương - Yên Tử. Chúng tôi cảm nhận điều đó là cần thiết khi chúng ta đang ưu tiên phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc cấp đất cho các dự án xây dựng khu tâm linh ở Chùa Tam Chúc hay việc doanh nghiệp lập dự án với hàng nghìn ha đất ở Chùa Hương thế nào là việc hoàn toàn khác. Cấp cả nghìn ha đất cho các dự án tâm linh như thế nào cho đúng luật, minh bạch là một câu hỏi nóng được dư luận và các đại biểu QH rất quan tâm.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã ký công văn trả lời đại biểu QH về nội dung này. Trước đó, trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV diễn ra tháng 5 vừa qua, nhiều ĐB đã chất vấn về những sự nhập nhằng giữa dự án tâm linh với dự án du lịch. ĐB Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: Việc quy hoạch hàng nghìn hecta như vậy ở nước ta có nên không? Dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn, các nước khác có làm như Việt Nam không? Ông Hòa cũng cảnh báo vẫn chưa thấy rạch ròi giữa các khu đất dành cho tâm linh và đất dành cho thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng do điều chỉnh quy hoạch. Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà làm rõ căn cứ cho việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… để doanh nghiệp xây chùa Bái Đính, Tam Chúc. Câu hỏi lớn được một số ĐB đặt ra: Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không và việc giao đất được tính giá như thế nào?
Trả lời những nội dung trên của ĐB Thúy, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã ký văn bản trả lời một cách tổng quan nhưng khá cụ thể,
nên dư luận dễ nhận thấy sự không rõ ràng quanh việc cấp đất cho dự án tâm linh nêu trên.
Cụ thể, từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi diện tích gần 520 hecta đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt) giao cho 3 cơ quan: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An và UBND huyện Gia Viễn. Trong đó, riêng Sở VH- TT- DL được giao hơn 495 hecta để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính. Tuy nhiên, theo Bộ TNMT đánh giá, việc giao đất này có nhiều nội dung chưa rõ ràng, mà những vấn đề này lẽ ra rất cần sự minh bạch nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực trong việc quản lý đất đai.
Chùa Bái Đính
Thứ nhất, việc giao đất này “chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng.” Ai cũng biết, để quản lý hay để giao đất sử dụng là 2 việc hoàn toàn khác nhau mà lại chưa được làm rõ – sự nhập nhằng là không thể chấp nhận được.
Thứ hai, công văn của Bộ TNMT còn nêu rõ: “Không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.” Vậy, địa phương đã tính tiền thế nào là câu hỏi lớn cần đặt ra.
Thứ ba, những sự không rõ ràng nêu trên có mối quan hệ hữu cơ với sự thiếu minh bạch mà Bộ TNMT chỉ rõ, “không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất);” Giao đến 500 ha đất, một khối tài sản lớn mà chuyện tiền nong không rõ ràng - đây là chuyện không thể hình dung nổi. Do đó, dư luận mong các cơ quan chức năng ở trung ương làm rõ: Vậy việc giao nhận 500 ha đất nêu trên có thu tiền hay không và nếu thu thì thu theo kiểu gì? Bởi hàng nghìn ha đất ở nhiều địa phương khác đang được một số DN làm dự án để làm khu tâm linh – du lịch rất hoành tráng. Còn đất được sử dụng thế nào vẫn là ẩn số lớn với dư luận, với pháp luật. Nếu không làm rõ, không sớm thì muộn lại sẽ có những đại án liên quan đến những dự án tâm linh kiểu này.
Chính vì những điều chưa minh bạch này, dư luận mong các cơ quan chức năng làm rõ câu hỏi: Ai đang là chủ thực sự của dự án tâm linh này? Với dư luận, câu trả lời này đã rõ, nhưng với pháp luật, như nhận xét của Bộ trưởng Bộ TNMT, hiện nó vẫn rất mập mờ. Nếu các cơ quan chức năng làm rõ, chắc chắn những nhập nhèm, không rõ ràng nêu trên sẽ được giải mã.
Vương Hà