Đốt vàng mã có gửi tới người đã khuất?
Đốt vàng mã đã trở nên phổ biến, nhất là trong mùa lễ hội với tâm niệm gửi tới người đã khuất.Vậy, Phật giáo có quy định về đốt vàng mã hay không?
Đốt vàng mã và những vật dụng, đồ dùng... hàng mã (gọi chung là hóa vàng) đã thành thói quen tràn lan trong các dịp lễ hội, ma chay... Người hóa vàng thường quan niệm “trần sao âm vậy” nên đốt vàng mã, hàng mã càng nhiều càng tốt với đủ vật dụng, nào là ô tô, đô la, vàng, căn biệt thự…. Họ mong muốn gửi xuống cõi âm cho người đã khuất. Tuy nhiên, các vị chức sắc Phật giáo khẳng định, đạo Phật không khuyên chúng sinh làm vậy, theo quan niệm của Phật giáo, việc làm đó sẽ chẳng thể đến được với người đã khuất.
Thượng tọa Thích Thanh Huân- Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân (TP.Hà Nội) khẳng định, Phật pháp cũng như Đức Phật không hề có việc đốt vàng mã, hàng mã. Phật giáo chỉ khuyên người còn sống làm nhiều việc tốt, việc thiện để siêu độ cho người thân đã mất. Hành giáo bằng việc giúp đỡ người khác vừa có ích thiết thực cho đời vừa “chỉ” cho người đã khuất sớm được siêu độ vong linh.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tọa Thích Quảng Hà, trụ trì chùa Cẩm (xã Yên Dương, huyện Ý Yên, Nam Định), Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định cũng khẳng định, Phật giáo không quy định phải đốt vàng mã, hàng mã hay cúng tiền cho Đức Phật, cho vong linh người đã khuất. Tục lệ đốt vàng mã, hàng mã xuất phát từ thời nhà Đường (Trung Quốc), sau đó du nhập vào Việt Nam và đến nay đã trở thành thói quen của nhiều người với tâm niệm muốn gửi những đồ dùng, tiền bạc cho người cõi âm. Việc làm đó không giúp được người đã khuất, vì chết là giải thoát rồi, không cần đến những vật chất như nơi trần gian nữa, không giải thoát thì phải giam cầm nơi địa ngục, chẳng thể dùng đến những thứ đó. Từ phân tích này, Thượng tọa Thích Quảng Hà khẳng định: Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra Thông bạch khuyên Phật tử không đốt vàng mã là hoàn toàn đúng đắn và rất cần thiết. Thượng tọa cho biết, thực tế, từ nhiều năm nay, ngài đã khuyên bảo Phật tử, người dân đến lễ chùa hạn chế, không đốt vàng mã; thay vì dùng tiền thật mua tiền giả để đốt, người dân nên dùng tiền thật đó để làm việc bác ái giúp đỡ người khác để được cả đạo lẫn đời.
Nhân đây, Thượng tọa Thích Quảng Hà cũng lưu ý, người dân khi đi lễ chùa không nên đặt tiền lên bàn thờ hoặc lễ vật vì Phật cũng như các vị thánh không dùng đến tiền bạc. Tiền công đức chỉ để con người tu sửa đền chùa mà thôi. Hơn nữa, đồng tiền chuyền tay hết người này đến người khác ở chợ nên rất dơ bẩn, đặt lên bàn thờ sẽ mất tôn kính, nếu muốn công đức bao nhiêu tiền chỉ cần bỏ số tiền đó vào một hòm công đức là được, không cần phải đổi thành nhiều tờ tiền lẻ để đặt nhiều nơi.
Theo nhiều vị chức sắc Phật giáo khác, đốt vàng mã, hàng mã không thể gửi tới được cõi âm, bởi con người khi chết, sau 49 ngày sẽ thác vào những cảnh giới khác nhau, cảnh giới khác nhau thì vật dụng mà họ thọ dụng cũng khác nhau, vì thế không thể đem vật dụng ở cõi dương gian mà cung cấp cho chúng sinh ở cõi âm được. Lễ chùa, giỗ ông bà, tổ tiên là để tôn kính, tưởng nhớ và tìm lại cái tâm mà tỉnh thức để làm nhiều việc tốt hơn, qua đó mà “lập công” để siêu độ vong linh ông bà gia tiên, tích đức cho bản thân để khi từ giã cõi đời được đầu thai vào cảnh giới tương ứng với việc làm phúc thiện của mình khi ở trần gian.
Như vậy, đốt vàng mã không những không đúng với quan niệm Phật giáo mà còn tốn kém, lãng phí tiền của, thậm chí ở các lễ hội, đông người đốt với số lượng nhiều còn ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, do vậy, nên sớm bỏ việc đốt vàng mã như khuyến cáo trong Thông bạch của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành./
Theo An Luých
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam