Đồng xu trên mắt robot

Câu chuyện thiết bị y tế xã hội hóa tại BV Bạch Mai bị nâng khống giá lên nhiều lần để moi tiền bệnh nhân gấp nhiều lần tương ứng, chỉ là sự nối dài của sự tha hóa tương tự đã xảy ra nhiều và liên tục

Hình ảnh đẹp của những y bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, của những “chiến binh áo trắng” Bệnh viện Bạch Mai dựng thành lũy tuyến đầu Thủ đô trong trận chiến với COVID-19 cách đây mấy tháng còn chưa phai. Hình ảnh những tình nguyện quân là y bác sĩ, chuyên gia y tế đến từ Bạch Mai giúp Đà Nẵng từng bước vượt qua tình thế cam go, chết chóc để chiến thắng dịch bệnh vừa mới đây thôi, đáng để nhớ mãi.

Đời sống luôn hai mặt. Như hai mặt của chiếc huy chương. Với BV Bạch Mai, phía sau những anh hùng áo trắng, là những kẻ tội đồ ẩn nấp áo đen.

Còn nếu bàn về sự sa ngã, những vết trượt khiến anh hùng thành tội đồ, khiến mặt trái của đời sống này cứ xâm lấn dần diện tích tâm hồn con người ta, thì dài lắm.

Ít ra, ta phải lý giải được những chuyện vốn được xem là hiển nhiên và rất dễ thấy. Như việc vì sao một công trình, một dự án được tư nhân thực hiện số tiền bỏ ra bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với công trình, dự án tương tự theo “đơn giá nhà nước”? Kiểu như Nghệ An vừa bỏ ra gần 13 tỷ đồng để xây mỗi cái chuồng bò có giá 240 triệu đồng cho đồng bào Ơ Đu, hay cái nhà vệ sinh trường học 29m2 giá 600 triệu ở Quảng Ngãi từ gần chục năm trước.

Nhưng rốt cuộc, vẫn là chuyện hai mặt của đồng tiền. Trong một bài thuộc chuyên mục này, tôi từng kể về đồng tiền Hy Lạp. Mặt sau đồng tiền thời Hy Lạp cổ đại được đúc hình ảnh một con mắt. Thần thoại xứ này cũng kể người chết luôn được đắp hai đồng xu lên đôi mắt đã vĩnh viễn khép lại. Con mắt trên đồng tiền giúp người sống giữ của, còn đồng tiền trên đôi mắt để người chết làm lộ phí sang thế giới bên kia. “Lộ phí” ấy rẻ hay đắt, nhiều hay ít? Khi mỗi chúng ta từ giã cuộc đời cũng chỉ mang theo hai đồng xu, và đôi tay không còn cầm nắm được gì nữa?

Hồi tháng 6 mới đây, Robot Modus V Synaptive thực hiện ca mổ não cho bệnh nhân thứ 21 tại Việt Nam ở TP HCM. Như là minh chứng cho thành tựu mới của việc áp dụng trí tuệ nhân tạo cứu giúp con người. Cũng tháng 6, của hai năm trước (2018), Bệnh viện Bạch Mai hân hoan thông báo về robot Rosa và robot Mako vừa nhập về đã mổ thành công sọ não và khớp cho nhiều bệnh nhân. Nhưng giờ đây, mới phát hiện ra hai robot ấy đã được “thổi giá” lên gấp từ 2 đến 4 lần giá gốc! Đương nhiên, chi phí bệnh nhân phải bỏ ra để được robot cứu chữa cũng được “thổi” lên tương ứng.

Những cỗ robot kia hẳn không/chưa được dạy về tiền bạc. Cũng sẽ chẳng có đồng xu nào đắp lên mắt tiễn đưa chúng vào bãi rác khi hết hạn sử dụng.

Còn con người, có thể “thổi” vào sắt thép một đời sống, thậm chí cả tâm hồn ngày càng giống với con người. Mà sao vẫn không/chưa thể tự dạy mình bài học về mặt trái của đồng tiền?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm