Đóng giả bác sĩ bệnh viện, chiêu lừa tinh vi

Ông T- một cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh- cùng gia đình ra Hà Nội chơi, nhưng bị tai biến. Sau khi qua cơn hiểm nghèo, gia đình ngỏ ý muốn đưa về miền Nam, nhưng chưa kịp thực hiện thì… gặp vị bác sĩ rởm cầm tiền rồi biến mất.

Sau khi ông T bị tai biến mạch máu não, gia đình đã đưa vào điều trị ở khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị.

4 ngày sau điều trị- đến 17.4.2013, gia đình vào thăm, gặp bác sĩ phó trưởng khoa hỏi về tình hình bệnh tật ở hành lang. Lúc này có nhiều người mặc áo bệnh viện qua lại hoặc đứng nói chuyện. Bác sĩ phó khoa cho biết, bệnh của ông T không nặng, bị nhồi máu não nhưng cơn hiểm nghèo đã qua, gia đình có thể yên tâm được. Gia đình ngỏ ý muốn đưa ông trở lại miền Nam bằng máy bay. Bác sĩ cho biết có thể được.

Sau ít phút trao đổi trên, chúng tôi ra cửa thì có một người phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi- người nhỏ nhắn, mặc áo bệnh viện, tự nhận là bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông T mời ra ngoài sân- chỗ có các ghế đá ngồi để trao đổi cụ thể hơn về tình hình bệnh tật của ông  để người nhà biết mà chăm sóc. Đang trong tâm trạng lo lắng, thấy thế gia đình rất mừng.

Người phụ nữ bảo chúng tôi đợi một chút để vào khu nhà cạnh đó cởi áo trắng ra để nói chuyện được nhiều hơn, kẻo lại có người nghi kỵ. Để tỏ ra nghiêm túc, điều đầu tiên chị hỏi chúng tôi: Đây có phải là những người chủ chốt trong gia đình để nói chuyện này không? Sau khi nghe gia đình trả lời , chị mới bắt đầu nói. Điều làm cho gia đình tin tưởng là những gì “người bác sĩ điều trị” này nói đều đúng như lời bác sĩ phó khoa: Cũng bệnh nhồi máu não không nặng, đã qua cơn nguy kịch, bệnh ổn định, gia đình có thể yên tâm, có thể đi máy bay được, nhưng có thêm một ý mới là hơi ngại về sức khỏe của ông T yếu, nếu có bác sĩ đi kèm thì tốt hơn. Gia đình ngỏ ý muốn nhờ “bác sĩ”.

Người phụ nữ này nói chúng tôi không làm dịch vụ, không nên nói đến tiền nong, không được nói đến vấn đề đó, chúng tôi chỉ giúp gia đình đề nghị với trưởng khoa, với giám đốc lo cho giấy chuyển viện; còn việc đi kèm thì tùy giám đốc cử; nếu được, gia đình cũng không cần lo tiền nong gì, còn tiền bồi dưỡng “hoa quả” thì tùy tâm. Nói xong, chị tự giới thiệu tên là bác sĩ Nhi và cho gia đình số điện thoại di động để tiện liên hệ, chị cũng ghi tên người trong gia đình và số điện thoại để liên hệ. Chị hứa buổi chiều lo cho cả giấy ra viện để sáng hôm sau cứ việc ra cho tiện và sẽ cho một đơn thuốc để về nhà điều trị ngoại trú, sẽ mua giúp một loại thuốc rất quý của Mỹ mà chỉ nội bộ các bác sĩ trong bệnh viện mới biết và mua được, giá thuốc 2,8 triệu đồng.

Chị ngỏ ý để gia đình đưa tiền chị mua giúp, có hóa đơn hẳn hoi nhưng chúng tôi không mang đủ tiền. Chị hẹn 3h30 chiều mang tiền đến lấy thuốc và các giấy tờ khác. Thấy chị quá nhiệt tình giúp đỡ, lo gọn cho mọi việc, lại là bác sĩ trực tiếp điều trị cho người nhà chúng tôi đã qua cơn nguy kịch, gia đình đã biếu chị một triệu đồng. Chị cầm ngay.

Đúng giờ hẹn buổi chiều, chúng tôi đến Bệnh viện Hữu nghị thì không thấy chị đâu, theo số điện thoại chị cho, chúng tôi gọi thì chỉ nhận được trả lời tự động từ tổng đài báo thuê bao không liên lạc được. Về nhà, chúng tôi nhiều lần liên lạc với chị này nhưng không thành. Chúng tôi đã đến khoa Cấp cứu bệnh viện hỏi thì được biết ở đây không có bác sĩ nào tên là Nhi.

Thật là một chiêu lừa tinh vi: Đóng giả bác sĩ, cần được cảnh giác. Đây cũng là bài học về sự nhẹ dạ, cả tin thường gặp của những gia đình có người thân đang bị bệnh hiểm nghèo mong muốn biết tình hình bệnh tật của người nhà và sự giúp đỡ của bác sĩ.
Theo Lao động