Đối xử nhân bản để tránh xung đột Thầy – Trò
(Dân trí) - Chuyện thầy tát trò và trò đánh lại thầy liên tiếp “nóng” trên mạng cũng như trên các cơ quan truyền thông từ cả tuần nay. Bài này không bàn đến sự kiện, chỉ xin nêu ra vài cách hành xử để lớp học suôn sẻ hơn.
+ Quyền của người đi học (lý do triết lý).
+ Giáo dục lấy trò làm trung tâm (tức là lý do về phương pháp sư phạm).
+ Hậu quả lâu dài của bạo lực trên con trẻ đã được khoa học chứng minh (lý do y học và tâm thần học).
+ Giáo dục ở nhiều nước là giáo dục cưỡng bách, tức là không thể đuổi hay cấm trò đến trường, kể cả những trò ... "khó trị" (lý do vật chất, hoàn cảnh xã hội).
+ Phải cư xử với học trò tùy theo và thích ứng với các thời điểm phát triển tâm lý đạo đức của học trò.
Những cách cụ thể để không dẫn tới ... thầy tát trò
Trước hết là chống thi rớt ở trường bằng cách dạy học tùy theo đối tượng. Gặp khó khăn trong quá trình học, không theo kịp bài giảng là một trong những lý do chính làm cho học trò tỏ thái độ "chống đối" lại hệ thống tổ chức của trường học mà người thầy là đại diện. Bướng bỉnh, vô lễ... là những hình thức bộc lộ cái “khó ở” của trò.
Cần tìm hiểu kỹ hơn về học trò để biết được tại sao trò không theo kịp bài hay không nghe lời, để có thể tìm giải pháp trước khi tình thế trở nên tồi tệ.
Cho trò có dịp “kêu cứu”, chúng biết là sẽ có người lắng nghe những khó khăn của chúng trước khi khó khăn chồng chất và trở thành nguyên nhân dẫn tới những hành vi bạo lực.
Đối với những trò có khó khăn thì áp dụng “kỷ luật tích cực” - không phạt mà khuyến khích, đặt tín nhiệm lên học trò. Trò sẽ cố gắng xứng đáng với lòng tin của thầy.
Làm “giao kèo” hay “khế ước” với trò: đi từ những điều dễ thực hiện nhất tùy theo khả năng của trò, và từ từ nâng các đòi hỏi lên cao hơn để giúp trò theo kịp với lớp hay thích ứng với kỷ luật của trường.
Nếu trò “làm càn”, vi phạm “giao kèo”... thầy cũng không nên phản ứng tức thời, mà cố gắng kiềm chế, đợi tình thế nguội dần. Đừng để cả giận mất khôn. Nhưng đồng thời khi có khó khăn thì nên giải quyết sớm chừng nào tốt chừng ấy, nhưng giải quyết một cách văn minh: bằng lời, bằng sự cảm thông của người thầy đã từng trải nhưng vẫn là người đồng hành với trò. Đừng để tình thế trở nên ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn.
Không phạt mà dẫn dắt sao cho trò ý thức được sai lầm để sửa chữa, tức là vẫn dạy chứ không dùng chế tài. Nếu cần phải phạt, cũng không nên phạt trước sự hiện diện của người khác. Đối thoại giữa hai người vẫn hơn, đó là cách áp dụng chế tài nhưng không “nhục mạ”.
Dĩ nhiên cần giữ và bảo vệ uy tín người thầy, nhưng không thể hiện sự độc tài. Lớp cần có trật tự, cần là một khung cảnh để hoàn thành công việc học và dạy cho mọi người nhưng không bỏ rơi người nào hết. Tức là nếu cần thì giải quyết khó khăn sau giờ học.
Dùng những phương thức giúp liên hệ tình cảm và đoàn kết tích cực trong lớp như: tổ chức một công trình tập thể, một cuộc dã ngoại…. Những trò hiếu động và khó dạy trong lớp có thể là những trò thiếu tình thương yêu, nhưng lại là những trò rất tốt ngoài khung cảnh của lớp học.
Không chia tay cuối lớp học bằng một tranh chấp, không để bóng đen ám ảnh lưu lại trong tâm trí các trò. Khó khăn mấy cũng có cách giải quyết và nếu khi đó không đủ thời gian thì nên kết luận: Ta tạm đồng ý ở đây, lần sau gặp nhau ta bàn tiếp. Rồi thầy trò nên bắt tay nhau hay có những cử chỉ thân ái, tùy theo lứa tuổi của trò.
Bạo lực là một bệnh hay lây, cả lớp có thể vì lý do x,y,z mà hùa theo thầy hay hùa theo trò ... và không khí lớp học sẽ “vượt quá mức” có thể điều tiết được.
Đối với một lớp “khó”, có thể dùng những “tiểu xảo” để tạo không khí cần thiết cho việc học (hát khi bắt đầu buổi học, cho học trò xem một đoạn ngắn video làm động não, cho học trò thuyết trình chứ không giữ độc quyền nói hay lên lớp, nhất là lên lớp để dạy luân lý đạo đức).
Nếu là khó khăn giữa hai trò thì giáo viên phải làm sao phân tích khó khăn ấy, lý giải thành lời để giúp hai trò tự giải quyết. Thầy là người thứ ba giúp "kiến tạo hòa bình" để "chiến tranh" không bùng nổ. Thầy sẽ cố gắng vô tư, công bình như trọng tài trên sân bóng đá: áp dụng trung thành các kỷ luật và điều lệ, nhưng thêm vào đó sự mềm mỏng, ôn hòa đầy tình người trong bầu không khí học đường.
Kết luận
+ Điều quan trọng thứ nhất là: Thầy cần xem lại xem cách hành xử của mình có phải là nguyên nhân dẫn tới phản ứng bạo lực của trò hay không? Mỗi một người trong chúng ta ai cũng có “tế bào thần kinh gương” và ta giao tiếp đồng nhịp với người đối diện – tức là bạo lực của học trò có thể là phản ứng gây ra bởi chính bạo lực của thầy.
+ Điều thứ nhì: Không một trò nào bẩm sinh khó dạy, mà em nào khó dạy cũng có lý do và thường là do phải chịu một hay nhiều nỗi đau khổ ở trường, ở nhà hay từ xã hội.
Trong tất cả mọi trường hợp, phạt không bao giờ là phương thức hữu hiệu.
Khoa học thường rất thận trọng trong các khẳng định, nhất là các khoa học xã hội. Nhưng đây là một khẳng định.
Nguyễn Huỳnh Mai
(Tài liệu tham khảo: Richoz J.-Cl., Gestion de classes et d’élèves difficiles, Éditions Favre, 2010).