Đối thoại “bên lề” với Bộ trưởng Thăng về quy trình và chuẩn mực

(Dân trí) - Khẳng định của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sẽ không lệ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc đã góp phần làm yên lòng dân. Nhưng còn không ít khúc mắc vẫn chưa được giải đáp lâu nay lại được dư luận nêu ra cũng nhằm cảnh báo: Coi chừng lợi bất cập hại!

Đối thoại “bên lề” với Bộ trưởng Thăng về quy trình và chuẩn mực
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông còn thiếu 400 tỷ VNĐ giải phóng mặt bằng (ảnh minh họa: Quang Phong)

 

Tiền nào của ấy

 

Cách trả lời không né tránh của Bộ trưởng (BT) Thăng vẫn luôn được dân “ghi điểm” cho ông. Đặc biệt là lần này tuy vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm vì liên quan tới vai trò của các nhà thầu Trung Quốc (TQ) song BT vẫn nói thẳng vào trọng tâm. Cũng bởi thế, người dân càng tin tưởng để tiếp tục cuộc đối thoại cởi mở và cũng rất thẳng thắn  bao gồm cả gửi thư ngỏ cho BT Đinh La Thăng và nêu những quan điểm trái chiều:

 

“Hoan hô BT Đinh La Thăng” - Nguyen Son:  nguyenson_usa@yahoo.com.vn

 

“Mình rất thích cách làm việc của BT Thăng” - Hoạt:  hoatstyle668@gmail.com
 

“Tôi đồng ý với những lập luận BT Thăng đưa ra. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần cân nhắc lại xem có nên chọn nhà thầu TQ vào các gói thầu của VN không,  kể cả vì họ bỏ thầu giá rẻ? Kinh nghiệm như vừa qua đối với các tập đoàn Than, Điện của chúng ta còn đó…” - Nguyễn Hà Thanh:  Anhung151@yahoo.com.vn

 

“Kính gửi BT Đinh La Thăng! Tôi có một mong muốn là với cương vị BT, ông sẽ có những thay đổi trong đấu thầu làm sao để chọn được nhà thầu của các nước tiên tiến Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu… Và tôi mong trong các lĩnh vực khác cũng như vậy. Xin kể câu chuyện của riêng tôi: cách đây một năm, công ty tôi có thực hiện một dự án nhỏ khoảng 2 tỷ VNĐ. Trong đó có một thiết bị cơ bản giá khoảng 1 tỷ, có người chào hàng xuất xứ TQ (nói vừa rẻ vừa phù hợp chất lượng). Tôi bảo: Anh không chê, không “bài” TQ nhưng cảm thấy không thể mua thiết bị TQ nên đừng chào, vô ích. Tôi nghĩ, nếu chúng ta theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực kỹ thuật công nghệ của Mỹ, Nhật hay EU và nếu các cấp các ngành, các cá nhân đều làm như vậy thì bắt đầu từ đầu tư, kỹ thuật công nghệ đến quan hệ kinh tế và tất yếu sẽ dẫn đến văn hóa… sẽ tốt hơn vì tách hẳn được khỏi TQ...” - MinhNC:  minhnc1964@gmail.com

 

“Rất hoan nghênh BT Thăng, tuy nhiên những câu trả lời trên thì tôi chưa đồng ý vì:

 

+ Thứ nhất, nguyên tắc chọn nhà thầu thì không thể cứ bỏ thầu thấp là trúng mà phải là dựa trên giá bỏ thầu/năng lực và giải pháp thi công. Cái này thì chúng ta cũng đã biết là có những nhà thầu TQ không đủ năng lực nhưng vẫn trúng thầu vì nguyên nhân ABC nào đó.

 

+ Thứ 2,  không thể cứ đổ cho thiếu vốn với chậm giải phóng mặt bằng được (mà vấn đề này lại luôn là nguyên nhân được đưa ra hàng đầu của nhiều giới chức khi bị truy vấn). Bởi khi lập đề án, xây dựng và phê duyệt thì các vị cũng đã phải tính hết các vấn đề phát sinh rồi. Và điều đương nhiên là khi lập dự án các vị cũng đã phải tính toán đến mức trượt giá, thời gian giải phóng, nguồn vốn, thời hạn giải ngân .... 
 

Nếu dự án nào cũng vướng mắc vào các vấn đề trên thì BT cần xem lại đội ngũ lập dự án của mình. Nếu cứ lập ra, phê duyệt, thực hiện rồi ... đội vốn thì có lẽ ai cũng làm được bởi cứ đưa ra một con số, một khoảng thời gian, đến thời hạn thì lại có lý do: mặt bằng và ABC lý do khác để giải thích và lại đội vốn và lại duyệt (!?) Không biết ngành giao thông đã có dự án nào thực hiện đúng như đã được phê duyệt chưa nhỉ???” - Nguyen Dzung:  hugo121207@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Lộ trình cần thiết
 
Lập luận về quy trình thì bao giờ cũng cho thấy… luôn luôn đúng, nhưng chỉ cần xem xét vấn từ đề từ góc độ chuẩn mực và những yếu tố liên quan khác đã thấy quá nhiều bất cập mà không cần tới con mắt chuyên môn cũng có thể "soi tỏ" được:

 

“Tôi đánh giá rất cao BT Thăng trong công tác quản lý và điều hành ngành GTVT. Tuy nhiên tôi thấy PV hỏi một câu rất hay mà tôi cũng thắc mắc: Tại sao chúng ta thường kêu gọi người VN ưu tiên dùng hàng VN và cách làm việc nói chung của TQ thế nào thì không phải chỉ một người dân VN biết đâu, mà tôi nghĩ gần 90 triệu đồng bào ta hiểu cả đó. Vậy liệu chất lượng sẽ thế nào? Họ có cho vay đầu tư mà không gây khó khăn gì không? BT có dám chắc rằng công trình đó đảm bảo không? Qua việc đội giá đó BT nghĩ sao về việc tìm nhà thầu TQ...” - Tran Phong:  Phongvns@gmail.com

 

“BT Thăng nói trước hết là xét năng lực nhà thầu, sau đó ai trả giá thấp thì trúng. Vậy xin hỏi BT: Trên thực tế năng lực nhà thầu TQ nhìn chung thường là yếu kém hơn, tại sao Bộ GTVT vẫn chấp nhận? Đây không phải là do “lợi ích nhóm” hoặc có tiêu cực thì  phải hiểu là gì? Mong BT trả lời chân thật!” - Lê Bá Khánh:  lebaa45@yahoo.com

 

“TQ thắng thầu tại nhiều công trình thế kỷ, theo tôi và chắc cũng là ý kiến của rất nhiều người, chỉ  vì "giỏi"… những động tác bên lề chứ không phải năng lực khoa học kỹ thuật của họ tiên tiến hơn các cường quốc phương Tây, Nhật Bản...” – Anh Tuan Art:  anhtuanxp@live.com

 

“Một nhà thầu giỏi phải có đầy đủ nhân lực thẩm định dự án… lời ăn lỗ chịu. Chứ các vị cứ… ngoắc tay nhau bỏ thầu giá rẻ, sau đó lại tạo mọi điều kiện vì nào… mặt bằng giải tỏa khó khăn, trượt giá… để tìm cách làm đội vốn để… có tiền “bôi trơn”… Điều đó ai mà không biết… Gặp nhà thầu các nước tiên tiến như châu Âu, Nhật Bản… thì làm gì có chuyện đó?...” - Huynh:  huynh@email.com

 

“Các nhà thầu TQ luôn có giá thấp liệu có động cơ nào từ phía Chính phủ họ hay không? Mà thường giá thấp thì chất lượng thấp, vậy thôi!” - Ha:  tranhanhha91@gmail.com

 

“Chỉ xin BT Thăng cho giám sát thật chặt chẽ hạng mục do nhà thầu TQ thi công. Nói thật là tôi không tin đâu…” -  NHQ:  ngohongquyet2001@yahoo.com

 

“Tôi không đồng ý hoàn toàn với phần trả lời của BT.  Nếu cái gì không hợp lý thì ta phải kiên quyết xử lý, bổ sung cho hoàn thiện, cho tốt hơn chứ…” - Pham Van Chien:  phamchien1977@gmail.com
 

“Cần có lộ trình cẩn thận trong việc đầu tư một dự án lớn, trong đó chuẩn bị là khâu quyết định khả thi hay không khả thi. Việc giải phóng mặt băng phải được phối hợp và cam kết hoàn thành trước khi mở thầu, vậy ai làm chậm trễ dẫn tới giải phóng mặt bằng chậm làm giảm tiến độ, tăng mức đầu tư, đội vốn thì người ấy phải chịu kỷ luật thích đáng. Ai là người không rót tiền khiến cho việc giải phóng mặt bằng chậm cũng phải bị xử lý và cần xem xét đây có phải là việc làm thất thoát tiền của nhà nước không???....Nhưng cuối cùng vẫn không thấy ai có lỗi cả, thật là…!!!” - Bui Hung:  buihung34@gmail.com

 
Lại nhớ câu: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!
 

Kiều Anh