Đổi mới phương pháp dạy học vẫn giậm chân tại chỗ

(Dân trí) - Trong nội dung chỉ đạo năm học mới, Bộ GD-ĐT thường nhắc nhở đổi mới phương pháp dạy học: không đọc - chép, không dạy kiểu nhồi nhét, thuộc lòng, phát huy tư duy, tính tích cực, sáng tạo của học sinh... Nhưng vì sao chưa đem lại hiệu quả mong muốn?

Qua thực tiễn hoạt động trong ngành giáo dục, chúng tôi xin nêu lên những nguyên nhân chính của tình trạng đó.

 

1- Nhận thức chưa thông suốt: Mặc dù đã quán triệt rất nhiều lần ở các hội nghị, các đợt tập huấn nhưng có một bộ phận cán bộ quản lý và thầy cô giáo vẫn còn thể hiện rõ sự bảo thủ, trì trệ, hạn chế nhiều trong nhận thức. Họ suy nghĩ rằng : "Phương pháp dạy học mới có gì đâu, cũng thế thôi. Ta cứ dạy phương pháp truyền thống mà đạt hiệu quả, học sinh hiểu bài và thi đậu cao là được."

 

2- Thói quen khó bỏ: Phần lớn giáo viên ở các bậc học phổ thông được đào tạo trước đây, chủ yếu tiếp thu và vận dụng theo phương pháp dạy học truyền thống, lấy người thầy làm trung tâm, cung cấp kiến thức, kỹ năng đến học sinh theo cách áp đặt, một chiều. Do sống chung, sống lâu với thói quen, lề lối cũ đó nên họ không thể đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học đặt ra.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

3- Tính đồng bộ còn hạn chế: Phải nói rằng, nhiều thầy cô giáo rất tâm huyết, nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp. Mỗi tiết dạy đều thể hiện tinh thần đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm, dùng nhiều hình thức để dẫn dắt, gợi mở, phát huy tính chủ động, tính cực của học sinh. Tuy nhiên, số đông thầy cô khác lại vẫn cứ giậm chân tại chỗ trong hầu hết các tiết dạy. Họ chỉ dạy theo phương pháp dạy học mới khi và chỉ khi có người dự giờ, thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi các cấp....

 

Tính đồng bộ trong đổi mới phương pháp dạy học không cao, diễn ra ở các bậc học, các lớp, các môn học...dẫn đến hiệu quả, tác động, ảnh hưởng của nó còn khá mờ nhạt. Chưa hình thành ở các em học sinh nếp làm việc, học tập theo phương pháp mới một cách căn cơ, có lề lối.

 

4- Thầy cô giáo thiếu kiên trì. Dạy học theo phương pháp truyền thống có phần nhẹ nhàng, đơn giản, giáo viên ít cần động não, chủ yếu giảng bài và đọc - chép. Còn thực hiện theo phương pháp dạy học mới, bắt buộc, yêu cầu người giáo viên phải vất vả, tìm tòi, sáng tạo rất nhiều trong khâu thiết kế, soạn bài, chuẩn bị, sử dụng nhiều phương án, tình huống sự phạm, chuyên môn để dẫn dắt, gợi mở học sinh tìm hiểu, suy nghĩ, tư duy... Thực tế cho thấy, việc vận dụng cho được cho tốt phương pháp dạy học mới này chẳng dễ dàng chút nào, lắm lúc  thất bại nhiều hơn thành công. Nó đòi hỏi tính kiên trì, quyết tâm rất lớn ở giáo viên. Hiện tại, có bao nhiêu thầy cô giáo làm được vậy?
 
Đổi mới phương pháp dạy học vẫn giậm chân tại chỗ - 1

 (nguồn ảnh: internet)

 

5- Thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Muốn việc đổi mới phương pháp dạy học đạt mục tiêu đề ra, không chỉ có đổi mới nội dung, chương trình, đội ngũ thầy cô giáo mà còn phải đầy đủ, đảm bảo, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Điều đó, nhiều trường, nhiều địa phương vẫn chưa làm được. Phòng ốc còn thiếu. Sĩ số học sinh trong một lớp quá đông, vượt so với qui định từ 5 đến 10 em. Thiết bị phục vụ cho dạy học như phòng thí nghiệm, máy tính, đèn chiếu....chẳng có là bao. Nhiều bài dạy, giáo viên muốn có thêm một số phương tiện, vật dụng, đồ dùng khác thì phải tự chạy vạy, tự bỏ tiền túi ra làm trong điều kiện đồng lương ít ỏi, kinh phí hỗ trợ của nhà trường rất hạn chế.

 

6- Nội dung, chương trình nhiều môn học, cấp học mặc dù đã được giảm tải nhưng vẫn còn nặng nề, quá tải. Giáo viên thì dạy không hết, học sinh thì chẳng theo kịp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đổi mới phương pháp dạy học gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đi dự nhiều đợt tập huấn, tôi thấy, nhiều thầy cô lên báo cáo thì rất hay về mặt lý thuyết. Song đến khi thực hành, dạy thử 1 tiết, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, lại làm không được mấy, vì bài học quá dài, quá nhiều kiến thức, không đủ thời gian để thực hiện.

 

                                                    Thanh Bình

 

LTS Dân trí - Đổi mới phương pháp dạy và học là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả dạy và học. Dù đây là một khâu rất quan trọng nhưng không thể đơn độc, mà phải tiến hành đồng bộ với các khâu công việc có liên quan mật thiết. Nhất là nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, tinh giản nội dung chương trình sách giáo khoa cũng như tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc đổi mới phương pháp.

 

Mong rằng Bộ GD-ĐT cũng như các cấp quản lý giáo dục quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên thực hiện thành công đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp học và bậc học, chứ không nên chỉ hô hào suông và đặt ra chỉ tiêu thi đua trên giấy.

 

Nếu không đổi mới cách chỉ đạo thì thành tích đổi mới phương pháp cũng chi tồn tại trên những bản báo cáo, còn sự thật đúng như bài phản ảnh trên đây của một giáo viên lâu năm và tham gia công tác quản lý chuyên môn của một trường THPT.