Đổi mới phương pháp dạy học: Vì sao vẫn ít hiệu quả?

(Dân trí) - Được đề ra từ lâu nhưng gần đây, đổi mới phương pháp dạy học mới thực sự trở thành vấn đề “nóng” của ngành GD. Vấn đề này chiếm khá nhiều thời gian của các cuộc họp hành, tập huấn, song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Cùng với “đổi mới quản lý giáo dục”, có lẽ “ĐMPPDH” cũng là 1 trong những cụm từ xuất hiện thường xuyên nhất trong các văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý GD và cũng chiếm khá nhiều thời gian của các cuộc họp hành, tập huấn, song trong thực tế đây cũng chính là vấn đề còn nhiều khó khăn, lúng túng nhất của ngành GD lâu nay. Về mặt nhận thức, có lẽ nhiều người đều hiểu rằng ĐMPPDH là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay và nó cũng là 1 yêu cầu “sát sườn” đối với từng trường học, nhất là khi Bộ GD&ĐT đã thay đổi đáng kể cách kiểm tra, đánh giá học sinh (HS), đặc biệt là cách ra đề thi tuyển sinh đại học mấy năm gần đây đều đòi hỏi HS phải có quá trình tự học, tự suy luận thì mới có thể đạt điểm cao được. Nhưng tại sao ĐMPPDH lại mãi “lận đận” và ít hiệu quả như vậy?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trước hết, cần phải thấy rằng ĐMPPDH luôn song hành với việc không ngừng tăng cường và đổi mới các phương tiện dạy - học. Có thể nói rằng các điều kiện cơ sở vật chất của các trường học hiện nay dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ĐMPPDH. Chẳng hạn, hoạt động nhóm vốn là 1 nội dung quan trọng (nếu không nói là quan trọng nhất) trong ĐMPPDH nhưng trong thực tế lại rất khó thực hiện, chủ yếu là do việc trang bị và bố trí phòng học ở nhiều trường phổ thông không phù hợp. Ai đã từng đi tham quan các trường học ở nước ngoài hoặc có dịp đến thăm các trường phổ thông quốc tế ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội … đều thấy rằng bàn ghế của HS chỉ là bàn đơn hay bàn đôi, lại có bánh xe nên dễ di chuyển và rất tiện dụng trong việc sắp xếp thành các nhóm lớn, nhỏ khác nhau tùy theo yêu cầu của mỗi tiết học. Ở một số phòng học, mặt bàn HS được thiết kế theo hình thang hoặc hình bình hành, có nhiều màu sắc khác nhau để có thể lắp ráp thành nhiều dạng phong phú; tự nó cũng đã có tác động tốt đến tâm sinh lý HS, khiến các em thêm hăng hái hoạt động. Còn ở nhiều trường học của chúng ta hiện nay, bàn HS chủ yếu là 4 chỗ ngồi; nhiều nơi lại có “sáng kiến” cùm lại với nhau để luôn ngay ngắn thẳng hàng và ít bị hư hỏng nên việc tổ chức hoạt động nhóm thiếu thuận lợi; một khi tư thế thiếu thoải mái thì cũng khó tạo ra hưng phấn, thích thú cho HS được

Ở các giờ dạy đã thực hiện khá tốt việc ĐMPPDH, người ta có cảm giác giáo viên (GV) rất nhàn hạ trong khoảng thời gian ở trên lớp. Thực ra, điều này đã được đánh đổi bằng sự chuẩn bị giáo án chu đáo từ trước đó, không chỉ về yêu cầu nắm vững kiến thức, kỹ năng mà còn phải biết dự kiến trước các tình huống phát sinh để có cách giải quyết; nhiều GV có kinh nghiệm về ĐMPPDH ví việc soạn giáo án cho từng bài học y như là xây dựng các “kịch bản” vậy. Các thành tựu của công nghệ thông tin giờ đây đã giúp ích cho GV rất nhiều trong công việc này với điều kiện họ biết nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để giáo án không ngừng phát triển; tuy nhiên, thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều thầy cô giáo lại “tải” giáo án mẫu từ mạng xuống hoặc “chép” của nhau (chỉ cần 1 cái click là xong) nên nhiều giờ dạy bằng giáo án điện tử lại xơ cứng, nhang nhác nhau và thậm chí nhàm chán hơn cả các tiết học theo phương pháp truyền thống lâu nay.

Phương pháp nói chung và PPDH nói riêng đều tùy thuộc rất nhiều vào đối tượng cho nên không thể áp dụng đồng loạt việc ĐMPPDH theo 1 kiểu ở tất cả các trường khác nhau; điều này đòi hỏi công phu nghiên cứu, thực nghiệm, rút kinh nghiệm …của từng cấp quản lý GD nhưng hiếm nơi làm được như thế mà chủ yếu là Bộ GD&ĐT nói sao thì đến cấp trường cứ “sao y” như thế; cho nên đổi mới có khi còn kém hơn cũ. Trong 1 cuộc hội thảo về ĐMPPDH, hiệu trưởng 1 trường THPT ngoài công lập nói rằng HS ở trường anh đều thuộc diện “dưới sàng”, thực chất phần lớn các em có trình độ văn hóa yếu kém; ngay cả việc “đọc – chép” cũng phải chậm thì mới có cái để ghi vào vở, làm sao có thể áp dụng các PPDH mới đòi hỏi các em phải chủ động, sáng tạo được! Nhiều GV dạy học ở miền núi có đông HS dân tộc thiểu số cho rằng trong thực tế hiện nay, cần áp dụng PPDH truyền thống của bổ túc văn hóa là “ôn – giảng – luyện” thì mới có thể “khắc ghi” những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể lên lớp và tốt nghiệp, còn các PPDH tích cực như hoạt động nhóm, đóng vai… e không có đất dụng võ. Và xét cho cùng thì ở đâu cũng thế, một khi HS không biết tự học, không chịu chuẩn bị bài, không có ý thức vươn lên trong học tập thì các PPDH dù có hiện đại, tích cực và bổ ích thế nào đi nữa cũng chỉ là lý thuyết, còn “cây đời” GD, cứ thử dự giờ vài tiết ở các trường thuộc diện đại trà thì sẽ biết !

                                                                                                                                                           

                                                                    Ngọc Dũng

                                                           Sơ GD-ĐT Khánh Hòa

 

LTS Dân trí-Các phương pháp dạy học mới vốn là phương pháp được áp dụng phổ biến ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Không thể phủ nhận những ưu điểm cơ bản của các phương pháp này là phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, biến quá trình học tập thành tự học là chính.

Muốn nước ta hội nhập vào nền văn minh của thế giới thì giáo dục phải đi trước một bước cho nên trước sau ta cần vận dụng những phương dạy học tiên tiến của các nước đi trước. Tuy nhiên, muốn áp dụng thành công phương pháp dạy học mới, điều cần quan tâm trước hết là trình độ vận dụng của giáo viên cũng như khả năng thích ứng của học sinh; ngoài ra còn phải xem xét phương tiện dạy và học có đáp ứng yêu cầu đổi mới hay không? Đấy chính là những yếu tố quyết định thành công (hay thất bại) của việc đổi mới phương pháp dạy và học.

Cũng vì những lý do nói trên, chúng ta không nên đồng loạt áp dụng phương pháp mới đối mọi trường học, lớp học mà phải cân nhắc tùy theo tình hình thực tế của mỗi trường, mỗi lớp.