Đổi mới phương pháp dạy học còn gặp nhiều vướng mắc?

(Dân trí) - Phương pháp dạy học (PPDH) có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn tới tâm hồn, tình cảm, lí trí, nghị lực, và kĩ năng của HS. PPDH tốt thì sẽ cho ra sản phẩm tốt, PPDH chưa tốt sẽ cho ra những sản phẩm con người giống như “gà công nghiệp”.

PPDH của chúng ta hiện nay chưa tốt, rất lạc hậu. Nhưng tôi cũng nhất trí là chúng ta chưa vứt bỏ được ngay lối dạy cũ. Không chỉ các GV bình thường mà ngay cả các GV giỏi cũng vậy. Vì sao ? Vì 2 yếu tố cơ bản sau đây: Chương trình và cách thức Kiểm tra-Thi cử, trong đó chương trình nổi lên là vấn đề then chốt, vấn đề số 1.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Chương trình dạy học của ta gồm nhiều môn. Nội dung chương trình các môn cũng lại “cao sang” và nặng nề, nhiều kiến thức vô bổ. Điều đó dẫn đến quá tải đối với học sinh và cả GV. Quá tải nặng nề nên cả GV và HS đều phải dạy và học một cách nhồi nhét. Mà nhồi nhét thì phải dạy theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”, phải dạy theo lối thuyết trình mới hết, do đó, HS khó theo dõi kịp, cho nên GV phải đọc cho HS chép những ý chính để tránh “chuội đi”…

Đến đây lại nảy sinh một chuyện nữa : Do phải dạy và học một cách nhồi nhét, kiến thức và kĩ năng đều không sâu, không đến nơi đến chốn, nên phải dạy thêm học thêm. Thế là càng nặng tải. Thế là lại sinh bao nhiêu chuyện tiêu cực nữa. Kết cục là cái đầu HS nhớ không nổi, nhớ lẫn lộn, muốn vỡ tung. Xem các bài Lượm lặt mùa thi ta thấy rõ. Biết bao HS học lực cứ đuối dần, đuối dần, rồi học kém, lưu ban, bỏ học…Trong khi đó, các quán game như một loại “mồi” cám dỗ, sẵn sàng đón các em chán học vào giải sầu, nối thêm chiều dài cho đội ngũ HS lười học, bỏ học, sa đọa… 

Đó là chưa kể đến chuyện nội dung chương trình quá tải thì không có thì giờ để giáo dục đạo đức tư tưởng cho HS, không có thì giờ để rèn luyện kĩ năng hay dạy cách suy luận để rèn trí thông minh cho các em.

Với một chương trình nặng như thế thì làm sao có thể đổi mới PPDH được ? Việc chủ trương đổi mới ra đề kiểm tra thi cử để phục vụ đổi mới PPDH thực ra liệu có ý nghĩa gì không. Chính việc đổi mới chương trình và PPDH sẽ có tác động thúc đẩy được đổi mới kiểm tra thi cử. Chỉ khi nào đổi mới được nội dung chương trình các môn học thì khi ấy mới đổi mới PPDH theo hướng làm cho HS trở nên tích cực, chủ động, sáng tạo, biết cách tự học và tự trau dồi được các kĩ năng, năng lực hết sức cần thiết cho bản thân…

Tuy nhiên, phải thấy rằng  nếu dạy thường xuyên và chủ yếu theo kiểu Đọc – Chép thì sẽ làm cho HS ngày càng thụ động, ỷ lại, không chịu trau dồi các năng lực, làm thui chột dần nhiều tiềm năng. Nó gò HS vào một nếp nghĩ nếp làm thiếu năng động sáng tạo, lười biếng,… Bởi thế, chấm dứt lối dạy học đọc – chép là một chủ trương đúng của Bộ Giáo dục. Có điều, khi nào thì chấm dứt được ? Câu hỏi đó chỉ trả lời được khi 2 yếu tố trên kia được giải quyết.

Tôi muốn trao đổi thêm với tác giả Hồ Hoàng Khải về điều này. Bạn nói “Phương pháp thảo luận nhóm là đáng ngờ nhất”. Tôi không hiểu tại sao bạn khẳng định như vậy. Thảo luận nhóm là một cách thức rất tốt để học sinh có thể tự trau dồi được rất nhiều vấn đề : kiến thức, kĩ năng, thái độ hợp tác thân thiện… Có điều, hiện tại, nhiều GV hiểu chưa đầy đủ, rất phiến diện và rất “thô sơ” về nó và do đó dẫn đến áp dụng nó một cách thô thiển, lệch lạc, hình thức. Quả là lối làm việc theo nhóm ở nhiều tiết dạy (kể cả tiết dạy hội thi GV dạy giỏi) đang làm người ta hiểu đơn giản hóa cách làm việc này. Bạn có thể tìm hiểu “làm việc theo nhóm” qua “Dạy học dựa trên dự án” trên trang Google của internet sẽ rõ.

Đây là một PPDH rất tiên tiến, rất hiệu quả. Bất cứ loại “tri thức có tính chất suy luận” hay loại “tri thức thuần túy là thông tin” đều có thể áp dụng nó. Nó giúp cho HS “lớn lên từng ngày”. Bởi nó giúp cho HS thực sự được giáo dục toàn diện một cách tích cực và chủ động, sáng tạo về cả 3 mặt KIẾN THỨC, KĨ NĂNG-PHƯƠNG PHÁP, THÁI ĐỘ-TƯ TƯỞNG-TÌNH CẢM như dưới đây:

-         Tự trau dồi kiến thức một cách chủ động. Kiến thức được cập nhật và phong phú. HS “học 1 biết 10” (trái với lối dạy hiện nay “học 10 biết 1” vì nhanh lãng quên).

-         Kiến thức tự tìm ra nên nhớ lâu hơn, sâu hơn.

-         Trau dồi được các kĩ năng, phương pháp: kĩ năng vi tính, kĩ năng sưu tầm nghiên cứu, tập hợp tư liệu, kĩ năng thiết kế bài trình bày, kĩ năng thuyết trình trước chỗ đông người, kĩ năng ngoại ngữ được củng cố…v.v…

-         Trau dồi tính mạnh dạn, tự tin.

-         Thân thiên với nhau, biết hợp tác với nhau làm việc. Quan hệ thầy trò được cải thiện.

-         HS tăng thêm tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội…

-         Trực tiếp tham gia đổi mới cách đánh giá (trò tự đánh giá, bình điểm nhau một cách dân chủ). Một tiết HS trình bày một dự án (bài tập) trên lớp thì cả lớp đều có điểm (vì cả lớp thực sự làm bài tập), do đó sẽ không còn cảnh phải “cấy điểm” hay “tổng phản công” kiểm tra cho điểm cuối kì, cuối năm.

-         … …

Tuy nhiên, làm việc theo nhóm chỉ là một phương pháp trong hệ phương pháp dạy học tích cực mà thôi. Mỗi một bài, một tiết lên lớp đòi hỏi GV phải biết vận dụng sáng tạo và thích hợp các PP, trong đó có một PP làm chủ đạo. PPDH nào cũng đều có thể sử dụng được, chỉ có điều sử dụng sao cho phù hợp, linh hoạt và theo hướng chung là làm hoạt hóa các năng lực tự học, tự thực hành của người học, biến họ từ khách thể thành chủ thể của quá trình nhận thức và rèn tập.

Nói thế nhưng mà thực hiện được rất khó. Bởi vì chương trình hiện nay chưa cho phép thực hiện lối dạy học này một cách đại trà.

                                                           Quang Minh

 

LTS Dân trí - Hầu như giáo viên nào cũng thấy việc đổi mới phương pháp dạy và học là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Điều mấu chốt của việc đổi mới phương pháp chính là giúp cho học sinh biết cách học sáng tạo để chủ động hơn  và hào hứng hơn trong quá trình học tập, tập dần với thói quen tự mình tìm hiểu và khám phá những tri thức mới.

Nhưng việc đổi mới phương pháp cần được triển khai đồng bộ với việc đổi mới cách kiểm tra, thi cử cũng như nội dung chương trình, tránh hiện tượng “tham bát bỏ mâm” làm cho chương trình quá nặng nề, khiến cho giáo viên dạy đuổi theo chương trình đã mệt, nói gì đến việc đổi mới phương pháp.

Mặt khác, việc đổi mới phương pháp còn phụ thuộc vào trình độ tiếp thu của học sinh, nhất là trong tình học sinh ở nhiều nơi còn “ngồi nhầm lớp”, do đó bị mất cơ bản và tiếp thu chậm. Đấy cũng là yếu tố cần tính đến trong việc lựa chọn cách dạy và học sao cho thích hợp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm