Đôi lời về việc đội mũ bảo hiểm của học sinh
(Dân trí) - Các bậc PH nên yêu cầu con mình đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, bởi tốc độ xe không kém gì xe máy, trong khi đó học sinh chưa xử lý được tình huống như người lớn nên tai nạn rất dễ xảy ra.
Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn nhắc nhở chúng ta thực hiện việc đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là cho trẻ em. Tuy nhiên, vẫn có thương vong khi tai nạn xảy ra vì người sử dụng không thực hiện việc đội mũ bảo hiểm đúng cách.
Tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cho học sinh
Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện là điều vô cùng cần thiết, bởi giúp người đội tránh được chấn thương đáng tiếc ở vùng đầu nếu có tai nạn xảy ra. Thế nhưng lâu nay, người ta vẫn chỉ chú ý đến đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, mà quên mất một phương tiện khác cũng rất cần thiết: đó là xe đạp điện.
Do nhu cầu của cuộc sống, bên cạnh xe máy, xe đạp điện xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt với học sinh THCS và THPT. Xe đạp điện không cần có giấy phép vẫn được điều khiển. Phương tiện này lại chẳng có còi to như xe máy, có thể đi với tốc độ cao, rất dễ gây tai nạn. Nếu người sử dụng là trẻ em lại càng nguy hiểm hơn, vì trình độ tay lái của các em còn rất “non”, lại hay thể hiện với bạn bè nên thường phóng nhanh, trong khi hệ thống còi rất nhỏ, đèn chiếu sáng mờ hơn xe máy, lúc đó mà ngã đổ, gây tai nạn thì hậu quả khôn lường. Các em lại là người điều khiển trực tiếp (chứ không phải ngồi sau) nên nếu như có va chạm thì rủi ro sẽ rất cao, đặc biệt vùng đầu.
Vì thế, việc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh đi xe đạp điện và ngồi sau xe máy là vô cùng cần thiết.
Nghị định 34/2010 NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, trong đó quy định việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Học sinh đội mũ bảo hiểm đến trường khi ngồi sau xe máy bố mẹ đưa đi học. Nhưng việc các em tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện đến trường rất ít, thậm chí ở khu vực nông thôn hầu như không có trẻ em đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe đạp điện. .
Còn nhiều khó khăn khi thực hiện
Nói là vậy, nhưng khi thực hiện còn biết bao nhiêu khó khăn.
Người lớn chưa làm gương
Đa số người lớn chúng ta đã thực hiện tốt việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Chúng ta đã tạo được thói quen cứ ngồi lên xe máy là đội mũ, không kể quãng đường gần hay xa; khi chở theo con trẻ đều đội mũ cho con cẩn thận. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít người chưa làm gương; chẳng hạn thường xuyên quên không mang mũ theo xe; hoặc mang mũ nhưng treo mũ ở cạnh xe chứ không đội; hoặc khi đi xe máy đường làng thì không đội mũ; có khi đội thì không cài quai “cho nó mát”.
Phụ huynh xem nhẹ, có tư tưởng đối phó
Trên đường, ta gặp không ít trẻ em ngồi sau xe máy của bố mẹ mà không đội mũ bảo hiểm. Bởi lâu nay, người lớn chúng ta vẫn rất lơ là và xem nhẹ việc đội mũ bảo hiểm cho con trẻ.
Phụ huynh không phải ai cũng nhận thức rõ về việc đội mũ bảo hiểm cho con với mục đích bảo vệ. Họ chỉ nghĩ rằng đội để đối phó với lực lượng chức năng. Thậm chí chỉ cần đội mũ bảo hiểm cho con khi đưa đi bằng xe máy (và cũng chỉ khi đi ra đường quốc lộ), chứ không mấy người ý thức rằng khi cho con sử dụng xe đạp điện đều phải nhắc con đội mũ bảo hiểm.
Việc chưa nhận thức rõ dẫn đến coi thường tính mạng của con trẻ là điều rất nguy hiểm.
Thậm chí khi nhắc con đội mũ bảo hiểm đều nói “đội vào kẻo công an phạt” hoặc từ chối đội cho con với lý do “đi đường làng làm gì có công an mà phải đội”… Rõ ràng ý thức của họ chưa cao, chưa thấy được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm, mà vẫn chỉ dùng với tư tưởng đối phó các lực lượng chức năng.
Với nhà trường
Trong công tác quản lý của nhà trường cũng gặp phải không ít khó khăn xoay quanh vấn đề đội mũ bảo hiểm cho học sinh. Ở các trường Tiểu học, học sinh đều được bố mẹ đưa đến trường và mang luôn mũ bảo hiểm về nhà. Nhưng với trường THCS và THPT, số lượng học sinh đi xe đạp điện ngày một nhiều hơn. Có những phụ huynh sợ con đánh mất mũ, đã cho con đội mũ “dởm”, (khi mất không tiếc) để đối phó với quy định của nhà trường. Ban giám hiệu làm sao phân biệt được đâu là mũ “xịn” đâu là mũ “dởm”. Nói dại, nếu chẳng may các em bị ngã trên đường, những chiếc mũ “dởm” này bị vỡ sẽ gây thêm chấn thương cho các em.
Vì phải dành thời gian cho dạy và học là chủ yếu, nên các buổi tuyên truyền còn quá ít, chủ yếu là vào đầu giờ chào cờ. Các em đang tuổi lớn, có suy nghĩ rằng nếu mang mũ bảo hiểm thì có thể cồng kềnh, gây vướng víu khó chịu, thậm chí sợ hỏng kiểu tóc mới làm. Vì thế học sinh chỉ thực hiện khi đến trường, còn khi ở nhà, bố mẹ không nhắc cũng không hoàn toàn tự giác thực hiện mọi nơi mọi lúc.
Giải pháp nào
Thế nên, giải pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền để mọi người cùng tự giác thực hiện.
Trước hết, người lớn cần làm gương thực hiện việc đội mũ bảo hiểm như một thói quen khi đã ngồi lên xe gắn máy, xe đạp điện. Thường xuyên nhắc nhở con đội mũ ngay cả khi đi đoạn đường ngắn, hay đường làng, hoặc khi thiếu vắng lực lượng chức năng.
Việc đưa NĐ 34/2010 NĐ-CP vào nhà trường là vô cùng cần thiết, bởi sẽ làm cho học sinh hiểu và có ý thức tự giác chấp hành. Thầy cô giáo cần tuyên truyền cho học sinh, và kể cả trong các cuộc họp PHHS để thấy rõ tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, nhất là khi cho con trẻ đi xe đạp điện một mình.
Các bậc phụ huynh nên yêu cầu con mình đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, bởi tuy là “xe đạp” nhưng tốc độ không kém gì xe máy, trong khi đó học sinh chưa xử lý được tình huống như người lớn khi đi xe máy nên tai nạn rất dễ xảy ra, và đến lúc đó thì hậu quả khôn lường.
Ngay từ cấp học mầm non, các cô bảo mẫu cần nhắc các cháu: mỗi khi bố mẹ nhấc lên xe máy, cần bảo “Bố mẹ ơi, đội mũ bảo hiểm cho con”. Trước lời đề nghị của con trẻ, phụ huynh sẽ chấp hành. Đến khi học Tiểu học, các tiết dạy về an toàn giao thông, thầy cô cũng tranh thủ tuyên truyền về tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm đúng cách cũng như những tác hại gây ra khi bị tai nạn giao thông mà không đội mũ bảo hiểm.
Trong các buổi chào cờ, cần tuyên truyền về Nghị định 34/2010 NĐ-CP. Để nâng cao ý thức cho học sinh trong việc tự giác đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy hoặc đi xe đạp điện. Nếu có điều kiện, mời cán bộ Phòng cảnh sát giao thông về nói chuyện chuyên đề thì càng hiệu quả.
Giáo viên cần nhắc nhở thường xuyên, trong các chuyên đề hoạt động ngoài giờ lên lớp, nêu tác dụng của đội mũ bảo hiểm và tác hại của việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhắc nhở học sinh hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và suy nghĩ đúng đắn về đội mũ bảo hiểm không phải là đối phó mà để bảo vệ chính mình. Có thể tính vào điểm thi đua của cá nhân, của lớp, hạ hạnh kiểm nếu như vi phạm.
Nghị định 34/2010 NĐ-CP có quy định cả việc trẻ em khi đi xe đạp điện vẫn phải đội mũ bảo hiểm, nhưng rất nhiều vị phụ huynh học sinh chưa nắm được để nhắc nhở con em mình. Vì thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng cần tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu rõ hơn, đặc biệt việc cho con đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy (bất kể đường làng hay quốc lộ), và cả khi giao xe đạp điện cho con sử dụng.
Việc chấp hành đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy và xe đạp điện là rất cần thiết. Nhưng để học sinh thực hiện tốt điều này, thầy cô giáo tuyên truyền chưa đủ, mà rất cần sự kết hợp của các bậc cha mẹ học sinh và sự “vào cuộc” của giới truyền thông, của các ngành chức năng. Để an toàn giao thông là hạnh phúc của trẻ thơ, rất cần những hành động thiết thực, ý nghĩa của cộng đồng, trong đó có tôi, có bạn và tất cả chúng ta.
Nguyễn Diệp