Bạn đọc viết:
Đổi giờ học, giờ làm: Giáo viên và học sinh tiểu học đều quá tải
(Dân trí) - Mỗi người chúng ta thử về nhà, huy động khoảng 10 cháu tuổi học sinh tiểu học, nhốt vào 1 phòng khoảng 10 m2. Rồi trông chúng từ 7h30 sáng đến 11h10 trưa, sau đó cho ăn, cho ngủ, rồi lại trông tiếp từ 13h30 đến 17h30 chiều… xem có quá tải không.
Tôi thấy giải pháp đổi giờ học, giờ làm là hoàn toàn không hợp lý. Vì giờ học thay đổi gây quá tải về thời lượng làm việc của giáo viên và học sinh, đặc biệt ở cấp tiểu học.
Vì sao tôi không nói đến các cấp học khác? Vì cấp PTCS, PTTH học sớm hơn, nhưng giáo viên dạy theo tiết, hết tiết là được nghỉ. Cấp học mầm non thì 3, 4 cô /1 lớp, cô này đến đón trẻ sớm thì về nghỉ sớm, cô không phải đón trẻ, đi muộn hơn thì phải trả trẻ, về muộn hơn.
Là giáo viên tiểu học thì mỗi giáo viên phải chịu trách nhiệm 1 lớp. Tôi cũng vậy: sáng tôi phải có mặt ở trường lúc 7h30, đến 17h30 tôi mới hết giờ làm việc. Vì 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nên chúng tôi buổi trưa không được nghỉ, phải trông học sinh. Thời gian làm việc mỗi ngày là 10 tiếng ở trường, về nhà lại soạn bài mất 3 tiếng, tổng cộng là 13 tiếng/ ngày. Mỗi tuần là 65 tiếng.
Bây giờ "nhờ" có giải pháp thay đổi giờ học mà mỗi ngày chúng tôi tăng thêm ít nhất 1 tiếng. Trong khi đó lương không tăng. Một vấn đề nữa là thời gian học tăng nhưng chương trình học không có, chúng tôi cho học sinh ngồi trong lớp làm gì đây? Được một lúc thì học sinh kêu đói, kêu mệt... Mà không mệt sao được khi lớp học 51m2 mà tận gần 50 cô trò ngồi, trời rét phải đóng cửa, thiếu không khí. Cứ ngồi như vậy mỗi ngày thêm 1 tiếng đồng hồ, hỏi người đưa ra giải pháp đổi giờ học có nghĩ ra được giải pháp nào giúp chúng tôi " khỏe" ra được hay chăng?
Nếu muốn biết có quá tải hay không, mỗi người chúng ta cứ thử về nhà, huy động con cháu họ hàng khoảng 10 cháu, nhốt vào 1 phòng khoảng 10 m2. Cho người đó trông chúng từ 7h30 sáng đến 11h10 trưa, sau đó cho ăn, cho ngủ, rồi lại trông tiếp từ 13h30 đến 17h30 chiều. Mà đấy cũng mới chỉ là 1/10 công việc của chúng tôi thôi vì chúng tôi còn phải dạy học, phải chấm bài, soạn bài...mà lớp gần 50 cháu cơ.
Sức người có hạn, liệu tình trạng đó kéo dài có dẫn đến lao lực không hả các vị? Giải pháp chống ùn tắc giao thông là của Bộ GTVT, nhưng sao lại không nghĩ ra cách làm đường cho đúng tiến độ, đúng kĩ thuật, đúng tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Ngược lại vẫn cứ kiểu làm ăn manh mún, dự án làm đường hơn 20 năm vẫn chưa xong như tuyến quốc lộ số 1 đoạn từ Cầu Đuống đến Cầu Chui. Hay đường vừa làm xong đã hỏng như bao nhiêu tuyến phố ngay trong nội thành Hà Nội…
Tôi đề nghị Quốc hội và các bộ, các ngành cần phối hợp xem xét nghiêm túc vấn đề thay đổi giờ học, giờ làm này. Tránh gây nhiều bức xúc trong dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của hầu hết của mọi người dân Thủ đô.
Hoàng Thị Ly
email: Misslytt@yahoo.com