Bạn đọc viết:

Độc đáo Hát Văn

(Dân trí) - Hát Văn còn gọi là Chầu Văn hay Hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Một thời gian dài bị coi như nằm trong vùng “mờ ảo” giữa mê tín dị đoan và bị bao phủ bởi làn sương huyền bí nên… “vắng bóng”.

... Nhưng mới đây được một số địa phương khôi phục, đã làm sống dậy một phong cách âm nhạc độc đáo có lẽ là có một không hai của nhân loại.

 

Nghệ thuật hát chầu văn hưng thịnh vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 (Ảnh: St)
Nghệ thuật hát Chầu Văn hưng thịnh vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 (Ảnh: St)
 

Kho báu của người Việt

 

Được dự buổi liên hoan nghi lễ Chầu Văn Hà Nội lần thứ nhất 2013 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi cách diễn xướng của một loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt.

 

Mặc dù đến nay vẫn có nhiều giả thiết khác nhau về sự ra đời của hát văn, nhưng theo một số cung văn (nghệ nhân) tham gia vào việc sáng lập Câu lạc bộ Hát Chầu Văn Hà Nội thì: Chầu Văn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc diễn xướng tâm linh của người Việt, đã gắn bó chặt chẽ và trở thành một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ của văn hóa thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian phổ biến và đặc sắc của Việt Nam.

 

Hiện các tài liệu ghi chép về hát Chầu Văn rất ít, nhưng các tài liệu đều thống nhất: Hát Chầu Văn có lịch sử hình thành lâu dài, ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác. Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có ghi: “Thời Trần (1225 - 1400) có lối hát trước mặt Đế Vương, gọi là hát Chầu”. Hát Chầu Văn có nhiều hình thức biểu diễn như hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (văn hầu).

 

Theo nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, hát Chầu Văn  đã tiếp nhận một hệ thống làn điệu bài bản, phong phú của dòng dân ca đồng bằng Bắc Bộ và  các vùng miền khác trên khắp lãnh thổ nước ta như ca trù, quan họ, hò lao động Nghệ An, hò trên sông nước Thừa Thiên - Huế và kể cả các điệu hát của các dân tộc thiểu số Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Chăm, Khmer... Ngoài hệ thống làn điệu chính xen kẽ còn có những đoạn ngâm vịnh và nhạc lễ.

 

Điều khác biệt khác với các loại hình ca hát, Chầu Văn có 13 điệu, hay còn gọi là lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn. Lời văn trong Chầu Văn cũng phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ.

 

Các bài văn hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của Thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn có vần điệu, tuy niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn.

 

Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng.

 

Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình. Chầu Văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác, hình thành nhiều làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao thể hiện những vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Đó chính là một phần quan trọng biểu hiện mối quan hệ hữu cơ giữa âm nhạc và tín ngưỡng. Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không. Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng có khác nhau.

 

Cũng theo các cung văn (nghệ nhân) hát Chầu Văn với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc nên Chầu Văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Cả cung văn cùng các con nhang đệ tử như tỉnh như say trong sự hòa quyện đồng điệu. Bên cạnh việc diễn tấu những khúc nhạc không lời với vai trò độc lập, đàn nguyệt có nhiệm vụ dẫn dụ giọng điệu và nâng đỡ cho lời ca tiếng hát. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu Văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu.

 

Chính vì thế nghe Hát Văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh, cảm nhận được rằng khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như Hát Văn.
 
Hát chầu văn lên đồng (Ảnh: ST)
Hát Chầu Văn lên đồng (Ảnh: ST)

 

Những giá trị nghệ thuật vượt thời gian

 

Hiện thực sống động đó khiến cho âm nhạc Hát Văn nhiều khi mang dáng vẻ của một thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn hơn là âm nhạc của tín ngưỡng. Sức quyến rũ của Hát Văn chính là một lực hấp dẫn đặc biệt quan trọng, thu hút công chúng đến với tín ngưỡng Tứ phủ và đã được minh chứng trong nhiều giai thoại lịch sử.

 

Bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu chung của con người khi tìm đến với cõi tâm linh, thì sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, thụ cảm nghệ thuật âm nhạc được đẩy lên tầm cao nhất khi thưởng thức hát văn trong khung cảnh hầu đồng. Nói cách khác, nếu như các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nói chung thường lấy hệ thống giáo lý, kinh kệ làm phương tiện chủ đạo để xoa dịu nỗi  đau của con người, thì tín ngưỡng Tứ phủ lại sử dụng nghệ thuật âm nhạc Hát Văn làm công cụ.

 

Theo cung văn Trần Thanh Hoàng, Hát Văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng. Thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi luôn luôn.

 

Vì thế mà chỉ trong một thể hát thì cũng có nhiều dạng khác nhau: thể phú thì có phú dựng, phú chênh để diễn tả tâm trạng vui, phú rầu để diễn tả tâm trạng buồn. Những khi thay đổi như vậy, âm nhạc đều chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Đó là cách người cung văn thể hiện tài năng riêng của mình.

 

Thông thường, cung văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính. Nhưng trong các lễ hầu đồng, cả cung văn đánh nhịp (phách, cảnh, trống) cũng phải hát. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát, tiêu chuẩn tối đa là phải vừa đàn nguyệt vừa hát. Do lễ thức này thường kéo dài, có khi tới 6 đến 8 tiếng đồng hồ nên cần có thêm vài cung văn khác cùng tham gia tiếp sức, hỗ trợ. Họ có thể hoán đổi vị trí, thay nhau đàn hoặc hát sao cho vẫn đảm bảo sự liền mạch của bài văn và âm nhạc.
 

Bên cạnh đó thời lượng diễn xướng của một ban nhạc Hát Văn là đặc điểm hết sức thú vị. Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nếu nói đến số lượng lớn nhất cần có của một dàn nhạc thì người ta sẽ nghĩ ngay đến dàn nhạc cung đình. Thế nhưng nếu tính đến một cuộc diễn xướng dài nhất thì có lẽ đó chính là dàn nhạc Hát Văn trong các lễ thức hầu đồng. Vì thế các cung văn thường phải có thể lực và một giọng hát khỏe mới theo được nghi lễ hầu đồng. Ở những nhóm cung văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca. Theo các cung văn “lão thành” kể lại, trong nhiều trường hợp, 4 cung văn có thể cùng đồng ca thật ăn khớp.

 

Do tính ngẫu hứng về trường độ và cao độ, giai điệu và âm tiết của Hát Văn nên việc hát đồng ca tập thể của loại hình nghệ thuật này rất khó. Nếu muốn đồng ca, các nghệ sĩ phải tập luyện, phối hợp rất công phu để khi diễn xướng sao cho tác phẩm chỉ xuất hiện dưới dạng một dị bản duy nhất. Điều đó có nghĩa các cung văn phải lập thành nhịp điệu từng câu, từng từ trong đường tuyến giai điệu thống nhất, tạo nên một không khí hưng phấn cao. Góp phần giúp người hát có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh, góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.

 

Cần nhận thức đúng về Chầu Văn

 

Cũng chính vì tiết tấu, Hát Văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách). Loại nhịp này mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo…. nên có một thời gian dài bị hiểu sai và quy là mê tín dị đoan, Chầu Văn bị cấm và dần dần mai một. Mãi cho đến những năm 1990, Chầu Văn được trả lại sự trong sạch và lại có cơ hội phát triển.

 

Tuy nhiên, do một thời gian dài nằm trong vùng mờ ảo giữa mê tín dị đoan và bị bao phủ bởi làn sương huyền bí nên bị “vắng bóng”, làm cho nhiều người không hiểu thấu đáo tín ngưỡng thờ Mẫu và đã rơi vào tình trạng mê tín dị đoan. Bên cạnh các hiện tượng tiêu cực, hiểu một cách lệch lạc về Chầu Văn đã ảnh hưởng xấu tới làng hát văn trẻ và xảy ra tình trạng đua đòi trong hành nghề. Vì chạy theo tiền bạc, một số người hành nghề chụp giật gây tác hại lớn cho nghệ thuật hát văn. Không phải cứ có giọng hát, có vốn hát dân ca nhạc cổ là có thể chuyển sang hát văn một cách dễ dãi. Ðấy là chưa kể đến việc mô phỏng diễn xướng tùy tiện theo lối khoe mẽ trang phục, ánh sáng sân khấu lòe loẹt, lúc hét ầm ĩ, động tác pha tạp nghèo nàn đến mức giả tạo.

 

Ðể bảo tồn nghệ thuật hát Chầu Văn, bên cạnh việc phải giải quyết tốt mối quan hệ khăng khít giữa Hát Văn với tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi nghĩ cần sớm có văn bản pháp luật về quản lý đối với tín ngưỡng thờ Mẫu. Đồng thời có những chính sách truyền dạy cho thế hệ trẻ, bởi theo thời gian, các bậc cung văn mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã qua thế giới bên kia mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối một hình thức văn hóa nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo, có một không hai của nhân loại.

 

Nguyễn Minh Tư
(Phòng Tổ chức cán bộ, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể  thao  Hà Nội)