Bạn đọc viết:
Đoạn trường công chức “cắp ô”: Có "ở trong chăn mới biết..."
(Dân trí) - Thời gian vừa qua theo dõi vấn đề này, tôi thấy nhiều bạn có ý kiến rất hay. Phần lớn đều tỏ ra chê trách nhóm 30% công chức “cắp ô” là vì lười, không chịu làm việc, không sáng tạo, không cống hiến, an phận…Nhưng chính họ cũng lắm đoạn trường khó nói.
Và tôi nghĩ, nói vậy có lẽ do các bạn mới quan sát phiến diện phía bên ngoài, các bạn chưa thật sự hiểu rõ môi trường công chức - một nơi mà chắc ai cũng ước mơ được cống hiến trọn đời.
Con người ta ai cũng muốn có công việc ổn định, có thu nhập theo sức lao động mình bỏ ra. Nhưng xã hội ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ, nên việc “làm trong” (cơ quan nhà nước) so với “làm ngoài” (lĩnh vực tư nhân) vẫn bị coi khác nhau.
Làm trong nhà nước lương thấp nhưng cuộc sống ổn định, không phải lo lắng quá cho tới khi già. Làm trong nhà nước có quan hệ rộng, từ đó dễ phát huy khả năng làm thêm, kiếm sống thêm. Vì vậy mới có câu nói: lương không bằng lậu… Rất nhiều lợi thế từ làm trong, và người ta tìm mọi cách để được làm ở môi trường này.
Vậy có chuyện chạy chọt để vào công chức không? Chắc chắn là nhiều, nhưng không ai nói ra. Chuyện xác thực có chạy tiền thì chỉ các vị quan chức tuyển nhân sự mới biết và có câu trả lời đúng, vì tôi chắc là không ai được nhận tiền, ngoài những vị này. Còn người chạy xin việc, được vào là tốt phúc lắm rồi. Mà mới chân ướt chân ráo bước vào lại tố cáo ngay thì sớm muộn cũng chết, cũng bị ép ra mà thôi. Chẳng ai dại làm điều này cả.
Còn với những ý kiến như trên với 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” thì tôi mong là cũng nên nghĩ lại. Không ai dại gì mất bao công sức, tiền của, quan hệ để lao vào đó, rồi ngồi chơi suốt ngày hưởng đồng lương còm. Tôi nói điều này vì ai cũng vậy, khi còn trẻ, vừa mới ra trường đều mang bao hoài bão lớn. Nhưng với điều kiện nước ta thì xin được việc làm đã là quý hóa lắm, là có hy vọng có dịp được cống hiến rồi… Và bản chất của thanh niên ai cũng thế, đều muốn được lao vào tìm tòi, phát hiện, cống hiến quên mình…
Với doanh nghiệp tư nhân, việc bạn lao vào làm hết mình với chất lượng tốt, chắc chắn bạn được hưởng xứng đáng vì bạn đang làm giàu cho họ. Nhưng ông chủ đó liệu có tồn tại lâu dài như bạn mong muốn không? Nếu họ giữa đường đứt gánh vì một lý do nào đó, bạn lại chật vật với đơn từ tìm việc… Do đó cuộc sống nhiều khi không ổn định tẹo nào.
Với công chức gần như lại khác hoàn toàn: Bạn cứ bình ổn làm việc, không mất lòng ai, đến già bạn vẫn yên vị. Nếu bạn giỏi, bạn có trình độ tốt, nhưng bạn không được lòng lãnh đạo thì bạn vẫn ngồi đấy, không ai ủng hộ bạn giỏi hơn họ cả đâu. Nói chung, trong các doanh nghiệp nhà nước, hầu hết những người “khéo” thì có việc làm và về sau đều sẽ có 1 chỗ đứng, 1 chức vị nhất định. Còn những người kia, kể cả những người giỏi nhưng không khéo, thì chuyện ngồi chơi là bình thường.
Vậy những người này có đấu tranh không? Không! Còn gần chục năm hoặc chỉ vài ba năm nữa là nghỉ, chẳng ai dại gì. Tấm gương những người chống tiêu cực đã được cả xã hội tôn vinh hiện nay ở đâu? Chúng ta ai cũng biết cả… Còn rất nhiều điều khác mà chỉ những người có thâm niên làm trong môi trường này mới hiểu rõ mà thôi.
Vài dòng ngắn gọn, hy vọng các bạn hiểu và những ai làm trong môi trường này sớm hiểu ra.
Gia Khánh