Rọi X-quang...chiếc ô của giới công chức “cắp ô”
(Dân trí) - Hình ảnh “sáng vác ô đi, tối vác về” của khoảng 30% số công chức “không có cũng được” vì làm việc không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào (theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) càng thổi bùng thêm “lửa” tranh luận quanh đề tài công chức VN.
Vừa thừa vừa thiếu
Đó có thể coi là nét chủ đạo trong bức tranh công chức VN hiện nay. Nghĩa là đội ngũ thì khá hùng hậu, nhưng hiệu quả công việc thì... vô cùng khiêm tốn!
Những mảng màu tối trong bức tranh công chức VN không phải bây giờ mới lộ sáng, nhưng có lẽ nó càng trở nên đề tài “hot” hơn sau cái gọi là “nghi án chạy công chức 100 triệu”. Tất nhiên khi gửi phản hồi tham gia các cuộc tranh luận trên diễn đàn dư luận, chúng tôi hiểu rằng bạn đọc đa phần muốn tập trung nêu bật mặt trái của vấn đề, trong khi có thể không đề cập tới mặt phải vốn tốt đẹp của nó. Nhưng nói như thế không có nghĩa là “vơ đũa cả nắm” bởi những điều tốt đẹp vốn có thì chắc chắn không ai có thể phủ nhận được.
Về chuyện này, nick Viet Nam vietnam4ngannam@gmail.com khẳng định:
“Không thể phủ nhận là vẫn có những công chức rất tâm huyết và đam mê với công việc, nhưng số này có lẽ là rất ít. "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào" - Đấy là mới nói tới số công chức thực sự không mang lại hiệu quả gì, còn số công chức mang lại rất ít hiệu quả thì theo tôi là rất rất nhiều. Tôi nghĩ đây chính là một hình thức lãn công và đây cũng chính là tham nhũng”.
Nick Rất đúng ahoanghd2013@vnn.vn “chua” thêm:
“Tôi cũng là công chức, nhưng quả thực thấy tình trạng chung đúng là như vậy. Đối với một số phòng ban ở nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều khi đến rồi ngồi cả ngày cũng chỉ hết đọc báo mạng lại tới báo viết và uống nước chè. Sáng 7h30 đến, có hôm từ 8h30 uống chè đến 9h30, đọc báo hoặc đi chơi. Trưa lại quay về nhà. Sếp mà cho đi ra ngoài thì chẳng ở lại cơ quan làm gì nữa. Sếp không cho đi thì lại đọc báo....Chuyện công chức mà. Thế lương mới thấp. Lương thấp lại tính… kiếm thêm gì để sống. Đâm ra nhiều lúc cứ lẩn thẩn như ông cụ, khách đến có khi lại kiếm cớ làm khó dễ để…có tiền. Tham nhũng ở chỗ đó chứ đâu”.
Nick Tôi cũng là công chức nhatrang@gmal.com xoáy vào một khía cạnh khác:
“Thực trạng về cán bộ công chức thì ai cũng biết rồi và ai cũng thấy, nhưng giải quyết thế nào mới là vấn đề cần nói. Đúng là mức lương, phân việc cho công chức nhìn chung chưa phù hợp. Gọi là vừa thừa vừa thiếu. Nhưng tôi nghĩ nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lẽ chỉ đúng với cấp cao hơn chúng tôi. Chứ công chức càng sát cơ sở thì càng khó đủ đường. Các vị có biết công chức cấp thấp ở xã/phường phải chịu bao nhiêu áp lực không, xăng chưa chắc đủ chạy nói gì tới ôtô. Đã vậy họ còn phải làm việc kiêm nhiệm, làm thêm việc…Thế nên tình trạng đó có vẻ ở các vị công chức cấp cao hơn xã/phường là chính. Và cũng bởi thế nên người ta mới nói rằng: đa số công chức "tích cực" thì ngày càng tiêu, công chức "tiêu cực- có bệ đỡ" lại ngày càng nhiều. Vấn đề là chúng ta có giải quyết được các “bệ đỡ” không???
Ví von theo kiểu dân gian thì cũng na ná như: 1 người còng làm nuôi 10 người ngay, vậy nên Đức ducng33@yahoo.com mới nêu kết luận sơ bộ:
“Chính vì số công chức ăn không ngồi rồi đó, mà những công chức có làm việc như tôi và nhiều công chức thật sự khác vẫn phải chịu cảnh lương chỉ đủ trả tiền xăng xe và ăn 2 bữa/ngày…”
Giờ…giây thun và công chức “cạo giấy”
Với những người thích làm ít, hưởng nhiều hay nói cách khác là “ngồi mát ăn bát vàng” thì cái chân công chức (dù chỉ quèn) ở VN quả là miếng mồi khá hấp dẫn. Và cũng bởi vậy nên mới sinh ra cái tâm lý muốn trở thành công chức dù lương thấp, rồi mới dẫn tới tệ “chạy tiền” mua ghế công chức. Có người muốn chạy tiền ắt nảy sinh ra người muốn nhận tiền… Cứ vậy, cái vòng luẩn quẩn còn tiếp diễn chẳng biết đến bao giờ khi mà thực chất vấn đề ở đây vẫn là người ta chỉ muốn ăn bám thay vì muốn làm việc thực thụ.
“Công chức các nước hầu khắp trên thế giới họ làm việc rất tích cực, đúng thời gian. Còn người VN thì xài ‘giờ dây thun’ nhiều quá, nên chỉ làm cho đất nước nghèo thêm và người dân bị hành nhiều hơn mà thôi. Theo tôi, nên mạnh dạn thay đổi cả loạt công chức ăn bám này cho dân nhờ” - Tran Minh Ha: minhha_tran@ymail.com
“Thực trạng ở VN là sự bao cấp quá lớn, không có tính minh bạch. Chúng ta hãy học tập Nhật Bản là một nước chống tham nhũng khá tốt. Tôi từng làm việc ở Nhật Bản nên cũng hiểu đôi chút về con người Nhật Bản. Theo tôi, cán bộ các cấp nếu phạm khuyết điểm cứ công khai đưa ra quần chúng hoặc hội họp công khai, như thế tự mỗi bản thân họ sẽ cảm thấy xấu hổ cho mình thì mới cố gắng hơn được. Chứ cứ mắc lỗi rùi xin lỗi thì chắc là ai cũng làm được... Mong rằng tương lai không xa, đất nước chúng ta có những chế tài để răn đe và chống tham nhũng tốt nhất, để xây dựng đất nước phát triển mạnh trong vùng Đông Nam Á này” - Nick Cần công khai: giangho_hiem_ac1002@yahoo.com
“… Tôi cũng là cán bộ công chức làm việc tại cơ sở xã/phường. Tôi thấy tình trạng chạy công chức, công chức làm việc không có hiệu quả cứ diễn ra ngày này sang tháng khác mà không tính đến hiệu quả công tác, công việc của mình đã làm là bao nhiêu, hoàn thành công việc như thế nào. Phần lớn cứ ỳ ra chờ đến hết tháng để hưởng lương, thì tôi thấy cán bộ như vậy làm việc không hiệu quả, tốn kém cho quỹ tiền lương. Vì vậy tôi đồng tình với đánh giá của Phó Thủ tướng, rằng chúng ta phải thi tuyển công chức minh bạch, chọn người tài, người có nhiều sáng kiến, làm việc có hiệu quả. Nhất là các chức danh chủ chốt trong hệ thống cơ quan Nhà nước, các cấp của Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể cần phải rất chú trọng. Theo tôi, chúng ta cần có một lộ trình chính sách thật tốt thì mới cải thiện được tình hình, nếu không cứ như tình trạng bây giờ kiểu mạnh ai nấy lo, rồi tệ quan chức phải có quyền thì con cháu mới có việc làm trong hệ thống nhà nước được, thì các sinh viên tốt nghiệp khi ra trường vẫn không xin được việc làm, gây thiệt hại lớn cho cả gia đình và xã hội. Như vậy, đất nước sao phát triển tốt được???” – Pham Quang: phamhongquangkt@gmail.com
Vô lý không có lẽ
Mổ xẻ căn nguyên những bất cập kiểu “vô lý không có lẽ” nhưng vẫn tồn tại bao năm qua ở nước ta như vậy, bạn đọc chỉ ngay ra những “rào cản” mà trước hết chính là... chiếc ô vẫn được nhiều giới chức VN không chỉ rất thích... cắp đi, cắp về mà còn để núp bóng mỗi khi xảy ra sự cố:
“Tại sao lương thấp nhưng vẫn nhiều người xin vào làm cơ quan Nhà nước? Theo tôi, do đa số họ là những người:
1-Trình độ không cao, bằng cấp không chuẩn, vào làm ở những nơi không cần theo đúng chuyên ngành đào tạo.
2- Con ông cháu cha.
3- Vào làm Nhà nước không cần phải có tư duy đổi mới, chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Mà làm thì ít, thời gian rảnh rỗi rất nhiều.
4- Có nhiều điều kiện tiếp xúc để có quan hệ với các lãnh đạo, các đơn vị có quyền “xin –cho” để tạo lợi ích riêng cho chính mình.
5- Cứ nói lương thấp nhưng thực ra họ làm ít mà hưởng lương như vậy so với công sức bỏ ra đã là quá nhiều (mà lương họ lĩnh lại lấy từ tiền của dân nộp thuế).
6- Và còn rất nhiều những lý do "tế nhị" khác nữa” - Nguyễn Thị Thu Hồng: hongnguyenthu@yahoo.com
“Tôi thấy PTT Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rất đúng. Gần như toàn bộ các ngành thuộc về hành chính sự nghiệp, công ty nhà nước... nói chung là những nơi chỉ là hình thức tiêu xài tiền nhà nước, nhưng số lượng cán bộ nhân lại viên dư thừa rất nhiều. Con số thực tế chắc còn hơn 30%. Một môi trường làm việc kiểu như vậy thì chỉ thêm gánh nặng cho đất nước và tạo ra tham nhũng mà thôi. Muốn CNH/HĐH đất nước mà vẫn còn kiểu tuyển cán bộ công nhân viên như ngày nay thì tôi e là không bao giờ đất nước có thể phát triển tốt được. Tôi nghĩ Bộ Nội vụ và Bộ LĐTBXH nên kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống bộ máy để tinh giản cho gọn nhẹ, giảm gánh nặng việc chi trả lương cho khối lượng lớn những người thực chất chỉ ăn bám như thế” - Trần Hoàn: hoanhtvt@gmail.com
Và vẫn như thường lệ, những kế sách người dân nêu ra chẳng có gì là cao siêu hay quá phức tạp đến mức không thực hiện được. Nhưng (lại nhưng) vẫn chẳng tránh được số phận… nói cho vui???
“Phát biểu và đánh giá của Phó Thủ tướng về thực trạng về cán bộ công chức hiện nay khá chính xác và rất thực tế. Tôi tin Chính phủ đã nhìn ra được vấn đề đang tồn tại thì Chính phủ sẽ có được những giải pháp tốt. Tuy nhiên theo tôi nghĩ, giải pháp có thể giải quyết được ngay đó là 30 % số công chức ‘không có cũng được’ nên được giải quyết theo chế độ chính sách cần thiết ngay. Không nên cứ để những người như vậy trong bộ máy, chỉ tác động xấu đối với những cán bộ công chức khác làm việc thực sự nhưng lương có thể còn kém hơn hoặc chỉ bằng những người không làm. Chính những cán bộ công chức không làm việc này tác động xấu nhiều mặt đến xã hội, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng các chi phí rất lãng phí... Rất mong Chính phủ sớm thực thi các giải pháp để giải quyết số công chức dư thừa này” - Ngoc Duc Vu: ngocducvu232@gmail.com
Kiều Anh