Định nghĩa mức lương cần và đủ sống!

(Dân trí) - Mặc dù câu hỏi về con số 7,3 triệu đồng/tháng – mức lương bình quân của cán bộ EVN đã được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng phân tích, trình bày nhưng dường như không thể làm dịu đi “cơn bão” câu hỏi của bạn đọc đặt ra.

So với mặt bằng "độc hại" chung

 

Để có thể định nghĩa được thế nào là mức lương “đủ sống” quả thật là rất khó, bởi nếu đem ra so sánh thì mức lương 7,3 triệu đồng/tháng của cán bộ EVN với những ngành nghề khác như giáo viên, bác sĩ... thì đúng là những con số mơ ước.

 

“Lương giáo viên chật vật lắm cũng có 3triệu (năm 2011), vậy mà năm 2009 lương của nhân viên EVN đã là 7,3 triệu còn kêu là không đủ sống thì không thể chấp nhận được. Có lẽ do dung túng cho EVN nhiều quá nên được “voi đòi tiên” đây. Cần phải làm mạnh với EVN để đảm bảo quyền lợi của nhân dân” - Cao Hùng: nctthcs@gmail.com kiến nghị. 

 

“Con số 7,3 triệu đồng/tháng lương bình quân của cán bộ nhân viên EVN năm 2009, mức mà lãnh đạo tập đoàn lỗ triền miên này gọi là không đủ sống nếu ở Hà Nội" - Theo tôi, mức lương này nếu nuôi thêm 3 người “ăn không” nữa thì đúng là không đủ sống tại HN rồi. Nhưng với những người ở ngoại tỉnh khác lên HN đi làm với mức lương hơn 2 triệu thì chưa đủ để trả tiền nhà + điện + nước + ăn uống, còn chưa tính tới xăng dầu. Vậy thì, làm gì còn tiền để gửi về quê phụ giúp gia đình nữa. Mong các vị lãnh đạo nhìn vào thu nhập của số đông, chứ đừng nghe “tiếng kêu” của số ít” - nick Lương 2 triệu: royalkidssec@gmail.com  

 
Định nghĩa mức lương cần và đủ sống! - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: vietnamnet.vn)

 

Chưa thỏa mãn với câu giải thích của Bộ trưởng Công thương, Phạm Hoàng Hưng pdaht@yahoo.com tiếp tục đặt câu hỏi: “Thưa Bộ trưởng Hoàng, nếu nói ngành điện là đặc thù thì mức lương EVN trả như vậy cao hơn gấp nhiều lần quân đội. Vậy nếu so sánh hai kỹ sư vừa tốt nghiệp ra trường,  xin hỏi Bộ trưởng: các sỹ quan, kỹ sư quân đội có phải là ngành đặc thù không? Họ đang ngày đêm phải trực chiến đấu ngoài biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Các trang bị khí tài quân sự mà họ thường xuyên phải tiếp xúc cũng độc hại, nguy hiểm rình rập và có thể hy sinh ngay cả trong thời bình nếu bất cẩn. Vậy nhưng đem so mức lương của kỹ sư mới ra trường của EVN với của BQP thì chúng ta sẽ thấy sự khập khiễng và cái gọi là “không đủ sống”.

 

“Sinh viên được bố mẹ cho 1,5-2tr/ tháng mà các em vẫn sống “nhăn răng” đấy thôi. Nhưng có những người sáng lên phố cổ ăn sáng, vòng về Nắng SG uống cà phê, trưa qua Sen Tây Hồ, trước khi ngủ lại dạo qua “sàn” cho dễ ngủ... thì 7,3tr quả là chỉ đủ cho 1 ngày thôi. Phải lấy cái đại cục để đánh giá, chứ nhìn vào cái “nhu cầu không đáy” của con người thì biết bao nhiêu cho đủ được!” - Vũ tuấn mạnh linh: vu_tuan_manh_linh@yahoo.com so sánh.

 

“Bản thân công chức nhà nước chúng tôi nhận mức lương cơ bản là 830.000 đồng/tháng. Chúng tôi cũng đi làm, cũng nuôi con, cũng ở cùng môi trường, hoàn cảnh sống với nhân viên ngành điện, vậy mà chúng tôi vẫn phải sống và làm việc. Tôi cũng rất mong mức lương cao đối với tất cả mọi người lao động chứ không riêng gì ngành điện, nhưng hưởng lương cao thì làm sao để cho dân đỡ khổ vì điện. Đằng này... ” - ngahungyen: ngahungyen@gmail.com tức tưởi.

 

Tương tự, nhim vynga@yahoo.com than: “Trời ơi 7,3 tr/tháng đó là mức lương mơ ước của em. Với cái nghề giáo viên mầm  non làm bục mặt có lẽ đến cuối đời em cũng chẳng dám mơ mức lương 7,3triệu. 6 năm rồi em dạy học và sống thuê nhà giữa thủ đô HN lương em bây giờ mới ngóc đầu ở con số 2,6tr/tháng. Trong khi lương EVN 7,3 tr còn kêu thấp, vậy có nghịch lý không?”

 

“Tại sao ngành điện có thể nói rằng đau lòng vì mức lương 7.3tr không đủ sống ở HN, trong khi đó thu nhập tối thiểu nhà nước quy định là 2 triệu? Công nhân thì phải làm tăng ca 12h/ngày để có thêm thu nhập. Sinh viên mới ra trường thì thất nghiệp khá nhiều. Kinh tế khó khăn, người lao động phải chấp nhận là công ty nợ lương, vậy họ lấy gì để sống trên chính mảnh đất thủ đô này? Quả thật mức lương 7.3tr là mơ ước của cả tầng lớp công nhân, trí thức. Nói tính chất cv ngành điện độc hại ư? Thử hỏi có nghề gì không độc hại ví dụ như nghề giáo viên...Mức thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3tr mà thời buổi lạm phát này chắc họ sống bằng niềm tin và hi vọng giữa mảnh đất Hà thành này sao?" - Huyen: huyen.kd.htp@gmail.com chua chát.

 

“EVN lúc kinh doanh lãi thì không thấy hạ giá điện hay chia lợi nhuận cho người dùng điện ,khi lỗ thì lại chia gánh nợ cho người dùng, thế có ổn không? Khía cạnh thứ 2: Lương cán bộ 7,3 triệu/tháng so với lương của các cán bộ nhà nước đến kịch bậc vượt khung chỉ được 2/3, thế có thấp không?” - Nguyễn Thành Trung: ttrungtnmt@gmail.com  

 

Vòng luẩn quẩn

 

“Tôi thấy thật vô lý cho ngành điện, EVN kinh doanh thua lỗ nhưng bản thân CB-CNV của EVN lại không phải chịu hậu quả của việc kinh doanh thua lỗ đó mà vẫn hưởng lương cao ngất ngưởng. Lại còn đẩy cái thua lỗ đó cho người dân phải chịu bằng cách tăng giá điện để bù lỗ cho EVN và CB-CNV EVN. Kinh doanh kiểu đấy thì nghành nào chả muốn thua lỗ...” - nick Ko đồng ý!: KDI@gmail.com bức xúc.

    

“Sao không thấy bộ LĐTBXH lên tiếng giải thích? Sự chênh lệch như vậy gây ra bức xúc trong giới lao động, hậu quả ai chịu? EVN lỗ là do muốn kinh doanh tổng hợp, đá lấn sân sang nghề khác như viễn thông...DN tư nhân lỗ quá thì phá sản, DNNN thì không được phép phá sản? phải duy trì nó để giữ uy tín?” - ngchaunguyen: ngchaunguyen@gmail.com  đặt câu hỏi. 

 

Không đồng tình với cách giải thích của Bộ trưởng Công thương, nhưng đa phần độc giả lại tán thành câu nói của Bộ trưởng Tài chính, Lecuong lecuong2310@gmail.com viết: “Tôi bất ngờ khi nghe câu nói này, so với lương giáo viên chúng tôi 2,6 triệu một tháng. Ở nơi tôi ai cũng mơ ước được làm điện lực cả, lương cao, thưởng nhiều ... Sao không nhìn vào hoàn cảnh đất nước mà đòi hỏi. Tôi tán thành với câu nói “Tôi đồng ý với Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: lương phải phù hợp với hiệu quả kinh doanh!”     

 

Nhưng nói đi phải nói lại người trong cuộc – nhân viên ngành điện có phải ai cũng được hưởng mức lương 7,3 triệu/tháng như lãnh đạo nói. Là người đang công tác trong ngành, Tha candydl@ymail.com chia sẻ: “Tôi cũng làm trong ngành điện, 10 năm mà lương có 4tr/th. Nói là lương bình quân thì cũng phải xem lại bình quân của ai và ai. Nếu chỉ bình quân giữa các công nhân với nhau thì con số 7.3tr/ tháng có nằm mơ cũng không thấy. Còn nếu gom chung lại để tính bình quân thì chênh lệch quá, vì lương cấp trên cao thấu trời. Ở chỗ tôi, Tổ trưởng khoảng 10tr/th, Quản đốc thì khoảng 15tr/th. Người làm vị trí cao hơn thì lương càng cao. 2 người cùng ăn 1 con gà, 1 người chỉ gặm chân thôi, còn người kia xơi nguyên con gà (trừ chân). Như vậy nói bình quân mỗi người ăn 1/2 con gà à? Có lý hay không?”

 

Còn Thanh Nguyễn thanhkame@gmail.com giải thích: “Người ta biện minh rằng trong mức lương hơn 7 triệu đó, có 25% là phụ cấp độc hại (tương đương gần 2 triệu). Thế nhưng công nhân ngành điện, người trực tiếp leo cột, đóng điện... có mức lương cao vậy không? Hay là phụ cấp độc hại được san sẻ cho các ông ngồi phòng máy lạnh? phụ cấp phải hưởng đúng đối tượng chứ đâu phải dành cho toành ngành?”
 
Để giải bài toán về lương đã khó, có lựa chọn tối ưu cho các định nghĩa về mức lương thế nào là cần và đủ sống xem ra cũng chẳng dễ dàng gì hơn, vì lương ở nước ta thì theo nhận xét của nhiều người, còn đuổi theo giá dài dài... 

 

Trần Bách