Ngành điện lỗ vì... điện, ngành xăng dầu lỗ vì... xăng dầu!

(Dân trí) - Trong khi lỗ, lãi của các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành không được nói rõ, hai ngành kinh doanh chính của EVN và Petrolimex đều... lỗ, thậm chí lỗ lớn vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Điều đáng nói là cũng như ngành điện, tỷ lệ hao tổn cao và những chi phí quản lý bất hợp lý là một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới việc thua lỗ này. Các đại biểu dường như vẫn chưa thỏa mãn với việc lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng của EVN được coi là thấp trong khi vẫn kêu lỗ triền miên.

 

Tăng giá điện: Một lần đau hay âm ỉ kéo dài?

 

Những nội dung chất vấn kéo dài từ sáng tới 16 giờ chiều đã góp phần vẽ nên bức tranh không mấy sáng sủa về ngành điện nước nhà, cả trong hiện tại lẫn tương lai gần dù có thể thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc tái cơ cấu EVN.

 

Đại biểu Lê Thị Na (Thái Nguyên) đại diện cho suy nghĩ của nhiều cử tri khi tỏ ra băn khoăn về việc EVN lỗ triền miên nhưng lương cao, thưởng cao. "Lương bình quân của EVN 7,3 triệu đồng/tháng vẫn được coi là ít. Có phải do độc quyền nên người dân phải gánh cho những thất thoát, đầu tư ngoài ngành của EVN. Việc tăng giá điện có hợp lý?", bà Nga thắc mắc.

 

Trăn trở của đại biểu Nga cũng nhận được sự đồng tình của khá nhiều đại biểu trong số 25 ý kiến chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Những thắc mắc này được Bộ trưởng Huệ giải đáp bằng nhiều con số biết nói: tính riêng sản xuất kinh doanh điện, năm 2010 EVN lỗ 8040 tỷ đồng, chưa tính khoản lỗ do điều chỉnh tỷ giá là 15.000 tỷ đồng. Năm 2011, tình hình khả quan hơn, khi kế hoạch lỗ là 11.000 tỷ, nhưng thực tế dự kiến đến cuối năm nay chỉ lỗ khoảng 3.500 tỷ. Con số này được dự kiến sau khi giá điện trong năm nay đã tăng bình quân 15,6%.

 

Bộ trưởng Huệ giải thích: khoản lỗ từ kinh doanh điện của EVN được tính riêng, không bù trừ từ các khoản "có lỗ, có lãi" từ kinh doanh ngoài ngành. Ông Huệ cho biết: đầu tư ngoài ngành của điện không lớn, tổng số tiền EVN đổ vào viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là 4.552 tỷ đồng, trong đó cọc lớn nhất là đầu tư vào viễn thông khoảng 2242 tỷ hiện đang được Chính phủ xem xét chuyển sang đơn vị khác.
 
Ngành điện lỗ vì... điện, ngành xăng dầu lỗ vì... xăng dầu! - 1
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: "Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp"

 

Nguyên nhân lỗ, theo Bộ trưởng Huệ là do EVN phải mua điện với giá cao từ các nhà máy ngoài ngành. "Trong các nguồn điện thì nguồn thủy điện giá rẻ nhất, đến nhiệt điện than, nhiệt điện dầu. Nhưng hiện này thủy điện chỉ chiếm 40% cơ cấu điện thành phẩm".

 

Thực tế này đặt ra yêu cầu tăng giá điện là tất yếu, theo Bộ trưởng Tài chính và Công thương. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào để đảm bảo ổn định vĩ mô và trong giới hạn chịu đựng của người tiêu dùng vẫn là một đề tài gây tranh cãi. Có đại biểu cho rằng nếu tiếp tục điều chỉnh giá điện từ từ trong khi đã có con tính lỗ rõ ràng thì không thể chấm dứt được tình trạng lỗ kéo dài, không khuyến khích được nước ngoài đầu tư vào điện và không thể xóa độc quyền về điện.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Huệ cho rằng, nếu tính hết các chi phí hợp lý, rồi tăng vọt giá điện thì sợ "đau quá thành ra xỉu". Theo ông Huệ, liên bộ đã thống nhất và báo cáo Chính phủ trong năm 2012 sẽ tăng giá điện ở mức kiềm chế, đồng thời giữ cách tính giá điện bậc thang, kết hợp với hỗ trợ cho người nghèo và phù hợp với chính sách ổn định vĩ mô.

 

Ông Huệ cũng cho biết, năm 2011 EVN đã tiết kiệm được khoảng 500 tỷ từ việc cải thiện sửa chữa mạng lưới, thiết bị. Tuy nhiên, Bộ trưởng "vẫn chờ câu trả lời" của EVN về việc có tiết kiệm nổi 5-10% các chi phí thường xuyên hay không. Một vấn đề khác được đặt ra là mức độ tiêu hao điện năng vẫn còn quá cao, gần 10%, thì Bộ trưởng Huệ khá lạc quan cho rằng khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành, EVN sẽ có nguồn lực để cải thiện hệ thống điện, giảm tiêu hao. "Việc thoái vốn ngoài ngành của EVN tôi tin là sẽ nhanh hơn các tập đoàn, tổng công ty khác trong lộ trình tái cấu trúc", ông Huệ nói.

 

Xăng dầu: Quản lý tốt thì không thể lỗ

 

Cũng như điện, kịch bản lỗ của kinh doanh xăng dầu hâm nóng nghị trường với hàng chục ý kiến liên quan đến minh bạch lỗ - lãi, Quỹ bình ổn giá, tái cấu trúc "anh cả" Petrolimex... được đặt ra cho hai vị Bộ trưởng.

 

Giải thích về việc lỗ, lãi này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết theo giấy phép kinh doanh, Petrolimex được hoạt động trong 5 lĩnh vực, nên mới có những con số lãi như cac báo cáo gần đây. Còn tính riêng kinh doanh xăng dầu, các con số âm vẫn là biểu đồ chính. Cụ thể, năm 2010, Petrolimex lỗ 218 tỷ đồng, năm 2011 dự kiến lỗ 1.700 tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá.

 

Trước chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc vì sao hai bộ không có ý kiến thống nhất về lỗ - lãi xăng dầu của Petrolimex, Bộ trưởng Huệ đã giải thích nếu không tính lỗ do chênh lệch tỷ giá, thì các nguyên nhân gây lỗ cho Petrolimex là do cơ chế hoa hồng cho các đại lý vượt xa con số 600 đồng/lít xăng, dầu theo định mức. Ngoài ra, thất thoát do hao hụt vẫn rất cao. Kết quả kiểm tra cho thấy riêng Petrolimex đã mất 840 tỷ do hao hụt xăng dầu, và lãnh đạo tổng công ty này hứa sẽ giảm 5% mức hao hụt này.

 

"Nếu thực hiện đúng mức hoa hồng cho các đại lý và quản lý tốt, kinh doanh xăng dầu không thể lỗ", Bộ trưởng Huệ khẳng định.

 

Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là việc kiểm tra hoạt động kinh doanh tại 4 DN đầu mối xăng dầu đã có kết quả hay chưa. Ông Huệ cho biết việc kiểm tra cơ bản đã hoàn tất, đoàn kiểm tra đang yêu cầu các DN này giải trình trước khi công bố kết quả.

 

Không nói cụ thể về kết quả, Bộ trưởng chỉ tiết lộ việc đến cuối năm 2011 dự kiến Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khoảng 2.500 tỷ đồng, và khoản lãi (chưa rõ được sử dụng vào việc gì - NV) từ năm 2008 đến nay từ Quỹ này của các DN là trên 100 tỷ đồng. "Cơ chế quản lý Quỹ này có thể phải xem xét lại, nhưng với mức độ biến động giá xăng dầu thế giới như hiện nay thì công cụ bình ổn vẫn là cần thiết".

 

Cũng giống như các mặt hàng thiết yếu khác, hầu hết các ý kiến của đại biểu đều cho rằng cần quản lý giá cả theo cơ chế thị trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định việc điều hành theo cơ chế thị trường là tất yếu, bởi hiện này "giá cả đang làm méo mó tất cả các lĩnh vực kinh doanh, đời sống của chúng ta, gây thất thoát, lãng phí...".

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bổ sung thêm là lộ trình thị trường hóa 2 mặt hàng xăng dầu và điện đã được định hướng thị trường theo các nghị định 84 và 24 của Chính phủ. "Không để xăng dầu, điện theo giá thị trường, thì không cách gì đảm bảo các ngành này sống được, không thể xóa được độc quyền. Nhưng lộ trình này phải xem xét đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và sức chịu đựng của người tiêu dùng", Phó Thủ tướng nói.

 

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp xóa bỏ độc quyền, quản lý giá xăng dầu, điện, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói rằng "Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà nước công khai, minh bạch chính sách, cán bộ minh bạch trong công vụ, DN công khai minh bạch số liệu. Nếu không thì điều hành giá khó thành công, tái cơ cấu cũng khó mà có thắng lợi nhanh và sớm", ông Huệ khẳng định.

 

Hồng Kỹ