“Điệp khúc” giá cả ngày Tết lại... lên mây

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, giá cả những ngày giáp Tết đã tăng rồi, trong và những ngày đầu Xuân lại liên tục... phá kỷ lục. Thủ đô Hà Nội bị nhiều người kêu ca nhất về cái sự lại đẩy giá lên mây, nhất là với thực phẩm, hàng ăn uống và phí dịch vụ.

“Điệp khúc” giá cả ngày Tết lại... lên mây - 1
Các loại cá vẫn được bán với giá cao hơn ngày thường từ 10 -  20 ngàn đồng/kg (ảnh minh họa: T. Kiên – H. Kỹ)

 

Truyền thống “hành khách”

 

Theo báo cáo tổng hợp tình hình 3 ngày Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do Bộ Công thương trình lên Văn phòng Chính phủ, giá các mặt hàng dao động phổ biến trong khoảng 10-20%, tăng mạnh nhất lên tới 50%. Tăng cao nhất dịp Tết bao giờ cũng là những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao nhất: thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi.

 

Điều đó được các khách hàng kiểm chứng và có thể thấy rõ qua những hàng tít lớn được giật trên hầu khắp các báo: Choáng váng với giá thực phẩm ngày xuân, Hàng hóa Tết năm nay tăng giá cao nhất tới 50%  (Dân trí); Dịch vụ ngày Tết tranh thủ “chém” khách  (Hà Nội Mới); Giá thực phẩm tăng cao những ngày Tết (Tiền Phong); Giá thực phẩm sau Tết “nhảy” hơn ngày thường‎ (Công an nhân dân); Đắt như... phở Tết (VTC); Giá thực phẩm sau Tết cao ngất ngưởng‎ (Người Lao Động)…

 

“Cái này là 'truyền thống' của các dịch vụ ở miền Bắc vào dịp Tết rồi :( Tôi sinh ra và lớn lên ở HN nhưng cũng không bao giờ ăn uống ở ngoài vào dịp Tết. Đó là tư duy kinh doanh kiểu manh mún nhỏ lẻ, ăn xổi ở thì mà chắc cần nhiều thời gian nữa mới có thể thay đổi được. Như chiều qua tôi có ghé qua Văn Miếu với một người bạn, khi vào bãi gửi xe thì họ thu 20k (cao gấp 10 lần quy định của TP). Tưởng là điểm trông xe tự phát, nhưng khi tôi xem lại vé xe thì mới biết là do phường quản lý. Vào đến nơi mua vé thì tôi thấy có mấy bà phe vé cứ chèo kéo mua, mặc dù chỗ xếp hàng cũng không đông lắm nhưng vẫn có nhiều người mua của họ. Đáng buồn thay, ở 1 địa điểm có thể coi là có văn hóa nhất Thủ đô như Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà chính quyền còn buông lỏng quản lý, vẫn để diễn ra những sự việc như vậy thì thử hỏi ở những nơi khác còn tệ đến mức nào?” – Saczin: saczin@gmail.com chỉ viết vài dòng ngắn ngủi mà có thể coi như đã tổng kết được gần đủ sự tăng giá ở những điểm nóng nhất thủ đô những ngày đầu xuân.

 

Suy nghĩ của những vị khách bị hành ngày Tết cũng tương tự và để so sánh, họ nêu một truyền thống tốt đẹp khác:

 

“Cái vấn đề tăng giá ngày Tết này ở Việt Nam ta gần như đã là thành… truyền thống. Thật đáng buồn!” - Tạ Duy Hiếu:  ta_duy_hieu100@yahoo.com.

 

“Hà Nội năm nào chẳng vậy, hình như đó cũng là một........... truyền thống? Trong thời buổi khó khăn kinh tế như thế này, tôi vẫn chọn cách tốt nhất là cố gắng về nhà (để ăn ngày Tết) dù có đói lắm đi chăng nữa” - Ohiv:  ohiv2011@gmail.com.

 

“Dân ta có truyền thống "lá lành đùm lá rách" kia mà, vì lá rách thì không gói được gì cả. Thật đáng buồn cho các bác bán hàng phở Hà Nội khi ngụy biện như vậy... Có lẽ họ không phải lá lành nên không đùm gì cho ai cả? Vì một kg thịt bò lên giá 50.000 đồng, nên bát phở cũng tăng theo từ 20.000 đồng lên 60.000 đồng chăng? Thật là "hợp lý" -  cái lý của những  người chỉ biết có dịp là "rút hầu bao" của người khác. Nếu mọi người cùng không ăn phở thì họ tăng giá với ai đây?” - Vũ Quang Vinh: vuquangvinh5123@yahoo.com.au
 
“Điệp khúc” giá cả ngày Tết lại... lên mây - 2
Thịt heo vẫn giữ giá cao ngất ngưởng (ảnh minh họa: T. Kiên – H. Kỹ)

 

Bao giờ giá cả lại… xuống đất?

 

Ao ước đó ai cũng biết là ngày càng khó trở thành hiện thực hơn bởi ngày thường giá đã tăng là hầu như không giảm, ngày tư ngày Tết giá tăng mạnh quá nên sau đó có giảm thì vẫn cao hơn những kỷ lục giá ngày  thường trước đó mất rồi. Và phản ứng với “điệp khúc tăng giá” của người dân xem ra cũng đã thành… điệp khúc.

 

“Mình về quê ăn Tết, nhưng phải ra Hà Nội sớm. Hôm mùng 5 Tết mình ra chợ mà không dám mua gì nhiều vì biết thực phẩm ngày Tết ở Hà Nội rất đắt đỏ. Nhưng vẫn không ngờ lại đắt đến mức phải giật mình… Mua cho con lạng thịt  bò mà mất tới 35 ngàn đồng!” - Nhung:  sinhcung78@gmail.com.

 

“Quả thật là mình thấy khó thở, khó sống và rất khó chịu (với  kiểu tăng giá trên trời ngày Tết thế này)  dù mình cũng ở Hà Nội. Thủ đô ơi, làm thế này… mất mặt quá” - Thảo:  blueeyes1603@gmail.com.

 

“Đắt khiếp! Mùng 4 tết em đi mua mớ rau cần ở HN giá 15k, đi ăn bát phở 40k, đặc biệt 2 bát mì tôm trứng + 2 ly trà đá mà bác chủ quán "hét" những 100k @@. Sốc!” - Vũ Văn Vui:  gaconthemthit_cb_hl@yahoo.com

 

“Mùng 5 rồi mà bơm 1 cái lốp xe máy cũ còn bị "chém" 10k... Mấy ông ở HN thật là...” - Đạt:  phamtiendat2@gmail.com

 

“Sáng  mùng 4 Tết tôi có đi chơi và ăn bún tại 1 quán vỉa hè. Tôi và bạn tôi ăn 2 bát bún cua với chủ yếu là nước, vậy mà khi thanh toán bị hét với giá 50k/1 bát. Chặt chém gì mà khiếp quá vậy?” – Hoa Nhieu:  congtu.fc_bay@yahoo.com

 

“Sao cái gì cũng tăng giá ghê vậy? Hix, chết tiền mất thôi” - Vinh:  thanhvinhpa76@yahoo.com.vn

 

“Giá cả tăng chóng mặt như này thì chỉ thiệt hại cho người dân mà thôi!” -  Phác:  toilaphac@yahoo.com

 

“Má ơi, ngày thường cũng vậy thôi, nhất là nghe giọng miền Nam, miền Trung (của khách hàng)...Tui ra HN giờ chỉ vào các tiệm fast food là thấy bán đúng giá” - Quoc Huy:  ongthienthw@gmail.com kể nỗi niềm khách phương xa tới thủ đô và cũng được “giơ cổ” ra để… lãnh đủ.

 

“Mình là người miền Trung, nhưng thấy người bán hàng dân Hà Thành là chúa “chặt chém”…” – Thang Dem:  bagia.banmybay@yahoo.com xác nhận tình trạng tương tự.

 

“… Tôi quen với cảnh bị chặt chém mỗi khi tết đến xuân về rồi…” - Bui Minh Anh:  bui_chien118@yahoo.com.vn cam chịu.

 

Vai trò quản lý thị trường

 

Đúng như lời than của Bui Minh Anh, cảnh “chặt chém” giá cả nhất là vào ngày Tết đã, đang và chắc sẽ còn diễn ra dài dài nữa. Tuy cũng có những người tỏ ra thông cảm như The Nguyen:  quythe123@yahoo.com.vn lý giải: “Cũng phải thôi. Có người bán là may lắm rồi, tết nhất người ta có được nghỉ đâu, cũng vất vả lắm chứ”.  Song lý sự đó lập tức bị đa số phản bác:

 

“Hêh, nhà tui bán phở trong Sài Gòn đâu có lên giá cao mấy đâu. Tiệm nào cao nhất chỉ 35k/tô thôi à. Nhà tui bán có 30k mà thỉnh thoảng còn có người kêu trời kìa :))” - Vũ Đức Linh:  changtraithanhnam_hn@yahoo.com

 

“Thật quá mức. Sao ngoài Hà Nội mọi người nhiều tiền thế nhỉ? Tại Sài Gòn sáng mồng 1 tết cũng đầy quán ăn ngon đủ cả, có chăng chỉ đắt thêm vài ngàn đồng thôi. Người Hà Nội thích hoang phí hay sao mà cái gì cũng thích đắt nhỉ? Người Sài Gòn Tết đi ăn vẫn thật sướng” - Trần Bình Minh:  binhminh@gmail.com

 

“Mấy chủ quán phở giải thích do giá nguyên liệu tăng nên tăng giá bán. Nhưng giá một bát phở tăng bằng giá nguyên liệu để làm 20 bát, thế không gọi là chặt chém thì là gì?” - :  thiennhana2@yahoo.com

 

“Cơ hội "chặt chém" là vấn đề thuộc về lương tâm và đạo đức của người bán hàng. Như bác Ba chủ hàng phở Đội Cấn phân tích: giá thịt bò tăng 50.000đ/kg nên giá bán phở tăng gấp ba lần là "hợp lý", nhưng tôi thấy chưa hợp lý tẹo nào cả. Nếu tăng giá thịt và các phụ gia kèm theo thì bát phở đồng ý là tăng theo tỉ lệ thuận của thực phẩm và công phục vụ là mọi người tiêu dùng đều OK. Do vậy đừng nên "chặt chém", nếu có "chặt chém" thì cũng chẳng thể làm giàu được, cần phải có đạo đức trong kinh doanh thì mới tồn tại và bền vững” - Duyz:  dang_duyz@yahoo.com

 

“Chỉ có Hà Nội mới có chuyện này, làm ảnh hưởng tới danh tiếng người Thủ đô quá...Ra HN 1 lần vào dịp Tết, đi ăn bên ngoài rồi là sợ luôn, không muốn ra lại nữa” - Uyen:  dhsp.vb2@gmail.com

 

“Ở Hà Nội có lẽ là thế đấy. Cứ lúc nào có sự kiện gì thì y như là nhiều người lại tận dụng bắt chẹt khách. Những nơi khác không như thế. Ra Hà Nội một lần là không muốn lại đến nữa” -  Thanh:  thanhtn78@gmail.com

 

“Giá nguyên liệu đầu vào giảm thì giá phở cũng sẽ giảm, còn giá cao như hiện nay thì chúng tôi vẫn buộc phải bán đắt”, bác Ba cho biết -> Lời ngụy biện cho người bán PHỞ. Ai mà chẳng biết là tăng, nhưng mà chỉ nên tăng ít thôi, chứ tăng vô tội vạ như vậy thì chỉ có tại Hà Nội mà thôi. Con gà tức nhau tiếng gáy, thấy quán khác tăng, tội gì mà không tăng. Làm ăn không trung thực với lòng mình thôi. Cái câu "Tết mà" xem ra lợi hại thật, VTV có chiếu cái ấy đấy” – Tạo:  taochuavo@yahoo.com.vn

 

“Tất cả chỉ là ngụy biện để tăng giá...” - abc:  abc@gmail.com
 
“Điệp khúc” giá cả ngày Tết lại... lên mây - 3
Mùng 2 tết, các quán trà vỉa hè Hà Nội vẫn đông nghịt (ảnh: Lao Động)

 

“Cuộc sống kiểu bon chen, mạnh ai nấy sống, bất chấp tất cả để lợi cho mình thế này…  Cứ nhìn giao thông HN những lúc tắc đường thì biết, HN bây giờ đâu có còn như xưa nữa...” – Tran Hai:  Tvh@hn.vnn.vn.

 

“Cơ quan quản lý thị trường nên  vào cuộc với vấn đề tăng giá đầu xuân ngay. Theo tôi nghĩ đây là nguyên nhân rất lớn làm tăng lạm phát của đất nước. Năm nào cũng vậy, trong khi cơ quan quản lý thị trường đã làm gì???...” - Thái Doãn Khánh:  khanh_uct@yahoo.com.

 

“Nhiều người Việt chúng ta nói chung là… vậy. Người HN thì có tâm lý này nặng hơn người SG. Hơi tý là tăng giá, cứ như thể tìm mọi  cách để móc thêm  tiền của người khác. Xin hãy học hỏi người Thái, hơn hai tháng trời ngập lụt mà giá cả hàng hóa không hề thay đổi. Vậy họ nghĩ sao về đạo lý ‘lá lành đùm lá rách’...(Tui là người HN đang sống ở SG)” - Ha Anh:  xaquehuong112@yaoo.com

 

Tăng giá – chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Rõ là thế rồi nhưng cái "truyền thống" này chắc người dân chẳng ai muốn được gìn giữ đâu. Nhưng người tiêu dùng cũng chỉ còn biết trông đợi vào cây gậy thần: cơ quan quản lý thị trường hãy chứng tỏ vai trò của mình, đồng thời Chính phủ cũng sẽ có những giải pháp bình ổn giá hữu hiệu.

 

“Tết mà...cái gì cũng tăng giá... Hy vọng chính phủ sẽ có chính sách bình ổn giá cho người dân!” - Tuoi:  trinhtuoi@gmail.com bày tỏ.

 

Kiều Anh