Dịch Covid19: Cần cảnh giác nguy cơ gây đột biến ở VN

(Dân trí) - Tuy Việt Nam đang có xu hướng giảm số ca nhiễm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Nguy hiểm hơn, một số bệnh nhân không hề biết mình nhiễm Covid -19

Dịch Covid19: Cần cảnh giác nguy cơ gây đột biến ở VN - 1

Ban chỉ đạo quốc gia họp sáng 8.4 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Những ngày qua, mỗi chúng ta đều vui mừng đón nhận thông tin rất tích cực: số người nhiễm có xu hướng giảm ổn định. Đó là kết tất yếu khi cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid    19 một cách bài bản, quyết liệt và được người dân đồng lòng hưởng ứng.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 251 trường hợp nhiễm bệnh (tính đến sáng 8-4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%) và đến chiều ngày 9/4 thêm 4 ca nhiễm, trong đó có 2 ca có yếu tố nước ngoài.. Điều này cho thấy từ nay số ca nhiễm có yếu tố nước ngoài gần được loại bỏ, bởi lệnh “phong tỏa” được ban bố ở nhiều quốc gia. Do đó, hiện yếu tố lây lan Covid- 19 trong cộng đồng là đáng lo ngại nhất.,

Viết đến đây tôi chợt nhớ, cách đây khoảng một tuần, vào khoảng 9 giờ tối, tiếng chuông ở nhà vang lên, tôi hơi giật mình. Tầm này chắc phải việc đột xuất, bởi bắt đầu phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng ra cổng lại thấy vị tổ trưởng, tổ phó đến xác minh: Những ngày qua gia đình có ai đi những đâu? Tôi à lên một tiếng sảng khoái và thấy vui vui. Nếu tổ dân phố nào cũng thực hiện nghiêm việc đi từng ngõ, gõ từng nhà như vậy và có sự hợp tác tốt của người dân, cũng loại trừ được hầu hết những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Rất đơn giản và cũng rất hiệu quả.

Nhưng, nhìn lại diễn biến dịch ở Việt Nam chúng ta mới hình dung hết sự nguy hiểm của lây lan trong cộng đồng hiện nay. Từ lúc bệnh nhân đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đến nay, dù các giải pháp rất căn bản, phòng ngừa nhiều khả năng, chúng ta vẫn gặp không ít những bất ngờ và tiềm ẩn hậu quả khôn lường.

Những tưởng rằng bệnh nhân số 17 đã là bất ngờ nhất sau những ngày dừng lại ở con số 16 ca nhiễm. 10 giờ đêm lãnh đạo Hà Nội họp khẩn, cả cộng đồng mạng đã sục sôi suốt cả đêm, ngay sáng hôm sau nhiều người dân ở Hà Nội đi chợ, đi siêu thị mua vơ vét, tích trữ trong tâm trạng bất an, lo sợ.

Nhưng rồi sau đó còn những trường hợp nguy hiểm hơn nhiều so với bệnh nhân 17. Trong đó bệnh nhân 237, bệnh nhân 243 và 251 để lại nhiều lo lắng nhất bởi diễn biến cực phức tạp: Lây nhiễm trong cộng đồng, không truy được nguồn gây bệnh và có khả năng ủ bệnh lâu hơn thông thường rất nhiều.

Bệnh nhân 237 là bệnh nhân người Anh, đã đi nhiều nơi, nhiều địa phương, nhiều bệnh viện và chỉ bị phát hiện khi bị tai nạn. Chính vì vậy, việc truy tìm F1 của bệnh nhân này không đơn giản và chắc chắn không thể hết. Do đó, việc Bộ Y tế coi bệnh nhân 237 là một ổ dịch không có gì là lạ.

Còn bệnh nhân 243 cho thấy, đây là trường hợp ủ bệnh khá lâu, được phát hiện dương tính cách thời điểm khám tại Bệnh viện Bạch Mai đã 24 ngày. Trong khoảng thời gian đó, bệnh nhân 243 không có dấu hiệu rõ nét về triệu chứng bệnh, đi rất nhiều nơi, đến một số bệnh viện, buôn bán ở một số chợ và dự tiệc bình thường. Nhưng đến hôm nay, ngày 8.4, các chuyên gia đưa ra khả năng có thể lây từ nguồn khác. Như vậy, nếu cứ nghĩ bệnh nhân lây từ Bệnh viện Bạch Mai, có thể bỏ sót ổ bệnh khác. Quá khó cho công tác phòng ngừa và các bác sĩ.

Về hậu quả, chỉ riêng 3 bệnh nhân thứ 17, 237 và 243 đã khiến gần 700 y, bác sĩ phải cách ly, trong đó diện F1 gần 300.

Mặt khác, những diện thuộc F1, F2 từ các bệnh nhân trên không chỉ là rất nhiều, mà quan trọng hơn là câu hỏi: Đã có những ai nhiễm và tiếp tục lây lan như thế nào?

Hậu quả, khi không kiểm soát hết F1, F2 hay F3 của những bệnh nhân này, đương nhiên sẽ có những bệnh nhân kiểu như bệnh nhân 251 vừa phát hiện ở Bệnh viện Đa khoa Hà Nam. bệnh nhân 251 nằm ở bệnh viện này từ ngày 20.3 đến nay, nhưng vẫn chưa thể xác định được nguồn lây.

Giai đoạn hiện nay, tuy đang có xu hướng giảm số ca nhiễm, nhưng tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Nguy hiểm ở chỗ, trừ bệnh nhân 17, 3 bệnh nhân nêu trên không hề biết mình nhiễm Covid -19 và chắc chắn không chỉ có họ. Rất có thể còn không ít người cũng ở tình trạng giống họ: Bị nhiễm Covid -19 mà không hề biết. Với những đối tượng này, chỉ cần họ chủ quan, không thực hiện nghiêm việc cách ly, không đeo khẩu trang, hậu quả sẽ khó lường.

Chính vì vậy, tại cuộc họp sáng 8.4,  Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp yêu cầu không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng và nhấn mạnh phải kiên định nguyên tắc từ đầu: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm