"Đi ngắm tuyết đâu phải vô tâm!"
(Dân trí) - Người ta còn tổ chức đám cưới ở dưới biển, trên khinh khí cầu…thì việc vượt quãng đường 400 km lên Ý Tý để chụp ảnh cưới trong tuyết hay ùn tắc vì đi xem tuyết cũng là điều bình thường.
Dòng người đổ xô lên những vùng núi cao để ngắm tuyết trong những ngày lạnh thấu xương, trong khi hàng trăm trường học phải tạm đóng cửa, người dân địa phương bị thiệt hại do vật nuôi chết rét, hoa màu hư hại…
Đâu đó, có ý kiến rằng tuyết rơi đồng nghĩa với cuộc sống của biết bao người dân vùng cao bị ảnh hưởng. Thay vì, thể hiện thái độ cảm thông với họ trước thời tiết cực đoan thì lại ùn ùn đi xem tuyết, kiếm mấy tấm ảnh "cúng" Facebook sống ảo rồi lại ngồi đếm like.
Không hay ho gì giữa hai cảnh đối lập, một bên là sự khó khăn của đồng bào miền núi trong những ngày mưa tuyết, một bên là cảnh hò reo của những người trẻ với hàng loạt ảnh "tự sướng" tung cõi mạng. Thế này, chẳng khác nào một sự vô tâm, cười trên nỗi buồn của người khác.
Hơn nữa, lên vùng núi cao những ngày băng tuyết có thể gặp phải những nguy hiểm do đường xá trơn. Thực tế báo chí đã đăng thông tin về không ít xe cộ bị trượt ngã. Vì thế, họ nên dành thời gian để làm việc gì đó có ích hơn cho bản thân và xã hội hơn là đua theo trào lưu này.
Với tôi, việc giới trẻ kéo nhau đi ngắm tuyết không có gì đáng phê phán vì nó thể hiện khát khao được khám phá, được trải nghiệm. "Vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại" nên cứ hãy cháy hết mình, miễn là biết điểm dừng. Chẳng phải ngoài những phút giây vui chơi ấy, ta vẫn bắt gặp ngoài đời những câu chuyện cảm động về những bạn trẻ biết xả thân giúp đỡ người khác, những đội cứu hộ động vật, cứu hộ tai nạn giao thông hoàn toàn tự nguyện hay những quán cơm từ thiện của những người trẻ tuổi đó sao?
Hơn nữa, mỗi chuyến đi biết đâu lại giúp họ thêm hiểu biết, thêm vốn sống để hoàn thiện mình, cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Người ta còn tổ chức đám cưới ở dưới biển, trên khinh khí cầu…thì việc vượt quãng đường 400 km lên Ý Tý để chụp ảnh cưới trong tuyết hay ùn tắc vì đi xem tuyết cũng là điều bình thường. Việt Nam là một nước nhiệt đới nên khi xuất hiện khung cảnh tuyết trắng xóa giống như trời Âu là điều khiến mọi người tò mò. Tuyết chỉ rơi ở một vài nơi với một vài lần trong năm, nên không có gì ngạc nhiên khi cháy các tour du lịch tới vùng cao ngắm tuyết.
Chẳng hạn, có khi nào dù giao thừa tắc đường kẹt cứng do dòng người đổ xô đi xem pháo hoa chào đón năm mới, nhưng bạn không hề ngại, vẫn hòa vào đám đông đó để có những trải nghiệm đáng nhớ không?
Dù bạn không mong muốn tuyết rơi thì nó vẫn xảy ra nên hãy nhìn ở góc độ tươi sáng hơn. Đây không phải là lần đầu tiên tuyết rơi ở vùng cao, nên chắc hẳn bà con ở đây đã trang bị các kỹ năng để thích ứng. Việc du khách đến xem tuyết sẽ giúp kích cầu du lịch cho vùng cao, nhờ đó đời sống người dân địa phương sẽ cải thiện hơn.
Tôi cũng rất tán thành với ý tưởng biến nguy thành cơ, coi băng tuyết là một đặc sản để phát triển du lịch vì nếu không ngăn cản được thì có thể tận dụng thiên tai này biến nó thành nguồn lợi cho con người. Còn việc nguy hiểm do trơn trượt trên đường thì đã được cảnh báo nhiều, nên những ai lên đều phải chuẩn bị tâm thế vì an toàn là trên hết; và có thể cũng là dịp để tôi luyện những tay lái lụa trên địa hình thách thức.
Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên, đó mới là bản năng tuyệt vời của con người và cũng là bước phát triển khôn ngoan của xã hội.
Thiên Lý