ĐH ngoài công lập: Cuộc “sinh đẻ không có kế hoạch”!

(Dân trí) - Đó là lời nhận xét của nhiều bạn đọc gửi về cho BLOG xung quanh bài báo “Ai là ông bố đẻ vô cảm” của Nhà báo Lê Chân Nhân.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

“Khả năng chăm sóc, nuôi nấng thì không có, nhưng Bộ GD – ĐT lại “sinh đẻ” không có kế hoạch, những “đứa con” sinh ra bị suy dinh dưỡng trầm trọng, nhưng dầu gì nó cũng là con, chẳng lẽ lại vô cảm, chẳng lẽ lại bỏ, phải có biện pháp gì chữa trị, tẩm bổ cho nó chứ ? Gần đây, đào tạo của ta không có quy hoạch, không theo nhu cầu thị trường, trường đại học mọc lên như nấm, chất lượng đào tạo thấp, một số trường lấy mác các thày là giáo sư, tiến sỹ để kinh doanh. Sinh viên không chịu học, không chịu nghiên cứu, tốt nghiệp ra trường không biết ngoại ngữ, chuyên môn yếu kém, không xin được việc làm. Rất buồn khi hiện nay có rất nhiều “cử nhân công nhân”…

Tôi đề xuất hướng xử lý: Nhà nước có quy hoạch tổng thể nhu cầu lao động xã hội (cụ thể từng loại trình độ, từng vùng miền), nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường để có hướng đào tạo theo quy hoạch, theo thị trường. “Tái cơ cấu” các trường đại học theo hướng những trường công nghệ, kỹ thuật nhu cầu xã hội đang cần (kể cả trường ngoài công lập) thì cho đầu tư mở rộng, giao thêm chỉ tiêu đào tạo. Những trường yếu kém hoặc nhu cầu xã hội đang thừa thì cho sáp nhập, sau đó đầu tư cả về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà quản lý, nhà giáo, hoặc nghiên cứu mạnh dạn chuyển các trường đại học yếu kém thành các trường dạy nghề…”. Nguyễn Sỹ Tỉnh - nguynstnh@yahoo.com.vn

 

“Có một câu hỏi là Bộ GD&ĐT dựa trên những tiêu trí nào để cấp phép mở trường đại học hoặc nâng cấp từ cao đẳng lên đại học (kể cả trường quốc lập)? Một anh bạn tôi ở tỉnh N nói nơi anh ấy công tác vốn là một trường cao đẳng nhưng cũng vì “phong trào” mà tỉnh cũng “muốn” nâng cấp lên thành đại học nhưng vì không có cán bộ có “học hàm, học vị” nên phải chờ…

Nhưng họ cũng chẳng phải chờ lâu vì chỉ trong 1 năm thì các thầy, các cô đua nhau “phấn đấu, luỵên rèn” và trường nghiễm nhiên có hàng chục tiến sĩ… Và trường cũng được Bộ ra ngay quyết định nâng cấp! Thử hỏi như vậy thì liệu ông bố - như bài báo nêu – có quan tâm đến chất lượng giáo dục, đào tạo không vậy, liệu các cơ quan có muốn nhận những sinh viên tốt nghiệp từ những trường như thế này? Vậy nên đừng nghĩ xã hội “bồi thêm” đòn cho ngành GD&ĐT vì không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp từ các trường kém chất lượng, hãy trách mình trước khi trách người khác, trước hết là trách “ông bố” vô trách nhiệm…”. Nguyễn Nhật Anh - nhatanh58hn@yahoo.com

 

“Bài phân tích đúng quá. Bộ GD&ĐT phải là người chịu trách nhiệm. Nhưng nói thật rằng, đầu vào của trường ngoài công lập bao giờ cũng thấp nên một số tỉnh thành không muốn nhận hệ ngoài công lập, chuyên tu, tại chức cũng có căn cứ. Thật ra đây là lỗi của cả hệ thống GD, từ các lớp dưới chỉ được một số ít các lớp chọn. Còn lại là phổ cập GD. Những học sinh của các lớp chọn thì đã vào các trường đỉnh rồi. Còn lại số phổ cập theo dạng các thày cô cho qua khi coi thi, để lớp học sinh khác còn chỗ mà nhập học. Khi số phổ cập này cố gắng thì chỉ vào đại học hệ ngoài công lập, hoặc chuyên tu, tại chức, liên thông. Chúng tôi quá thấm hết các hệ này rồi. Thật sự nhẹ nhàng khi giao việc cho những người tốt nghiệp chính quy, học lớp tiên tiến ở các trường đại học. Chỉ cần giao đầu việc thì những cán bộ loại này chủ động tìm cách hoàn thành. Ngược lại, số người theo hệ ngoài công lập hoặc chuyên tu, cao đẳng, liên thông, khi giao việc phải cầm tay chỉ việc, từng động tác. Nhưng nói trước quên sau, thậm chí mang cả sổ sách theo ghi ghi chép, chép vẫn không làm được. Bực mình thì người sai đi làm luôn. Gặp ba, bảy người như thế là người sai việc bực mất cả tháng, cả năm rồi. Mong sao những người đẻ ra hệ thống GD ĐT ngoài công lập đọc được những thông tin này”. Bùi Thành - Buivanthanh90@yahoo.com

 

“Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý ngành là Bộ giáo dục đào tạo là rõ ràng rồi. Việc cấp phép chắc chắn phải căn cứ vào dự báo và quy hoạch dài hạn nhưng Bộ đã không có cái này để rồi đến giờ xảy ra tình trạng vỡ bong bóng giống các ngành khác. Bản thân hệ thống trường đại học ngoài công lập không có lỗi mà lỗi ở đây là xuất phát từ việc khai sinh, quản lý và nuôi dưỡng nó. Đã có nhiều câu chuyện về trường đại học thành lập rồi mượn danh các giáo sư, tiến sỹ làm bộ máy giảng dạy nhưng không tham gia giảng dạy, dẫn đến mất uy tín v.v...”. hungtini - hungtini2003@yahoo.com

 

Nguyễn Hoàng