Ý kiến Luật sư:
Đề xuất giải pháp tổng thể phòng tránh oan sai
(Dân trí) - Để chống oan sai thì cần có sự cải cách toàn diện, không chỉ trên phương diện pháp luật mà còn trong cả tư tưởng, quan điểm của người tiến hành tố tụng cũng như bị can, bị cáo và người liên quan đến vụ việc.
Hòa chung vào công cuộc cải cách tư pháp nước nhà cùng những thảo luận sôi nổi của các ĐBQH, tôi xin đưa ra một số ý kiến sau đây.
Để chống oan sai thì cần có sự cải cách toàn diện, không chỉ trên phương diện pháp luật mà còn trong cả tư tưởng, quan điểm của người tiến hành tố tụng cũng như bị can, bị cáo và người liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, quá trình cải cách phải tập trung trọng điểm vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, củng cố vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp:
Cải cách tư pháp luôn được coi là một bộ phận quan trọng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Một trong các mục tiêu của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nêu rõ: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế để luật sư thực hiện tốt tranh tụng tại phiên toà...” Tuy nhiên để cải cách thực sự phát huy hiệu quả, cần thiết phải nâng cao hơn nữa, thực chất và cụ thể hơn nữa vai trò luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS).
Hiện nay hoạt động nghiệp vụ của luật sư gặp rất nhiều trở ngại. Để hạn chế tối đa những trở ngại đó, pháp luật nên có những quy định nhằm mở rộng quyền cho luật sư theo hướng: Sự có mặt của luật sư trong toàn bộ quá trình hỏi cung là bắt buộc, biên bản hỏi cung cũng bắt buộc phải có chữ ký của luật sư, nếu thiếu chữ ký trong các biên bản hỏi cung thì biên bản đó sẽ không phát sinh hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc luật sư phải được tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên, khi đó đảm bảo sẽ không có bất cứ lý do gì để hạn chế quyền này của luật sư.
Về hình thức, cần bỏ việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC). Cần hiểu đây là quyền tự nhiên theo hiến định của luật sư và bị can, bị cáo, nên chỉ cần phản ánh yêu cầu của hai chủ thể này là đủ. Hiện nay việc cấp GCNNBC đang là rào cản lớn đối với sự tham gia bào chữa của luật sư, cần gỡ bỏ.
Thứ hai, cần luật hóa “quyền im lặng” của người bị tình nghi phạm tội:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 49 Bộ luật TTHS, bị can có các quyền: được biết mình bị khởi tố về tội gì; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; ...tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Xét trên điều luật này, bị can có thể chờ luật sư của mình rồi mới trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nguyên tắc trong TTHS việc chứng minh một người là có tội hay không có tội, nghĩa vụ chứng minh là thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó "việc hỏi cung bị can phải do điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can”. (Điều 131, Bộ luật TTHS). Vì lẽ này, quyền im lặng ở VN chưa thực hiện được.
Muốn thực hiện được quyền này, chúng ta cần luật hóa một cách cụ thể. Theo đó, trước khi thẩm vấn, điều tra viên phải thông báo cho nghi phạm hình sự như sau: "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư" - theo tinh thần của lời cảnh báo Miranda đã được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
Thứ ba, tuân thủ nguyên lý chứng minh tội phạm:
Thứ tư, thay đổi thiên kiến khẳng định:
Thiên kiến (trong một chừng mực thấp hơn được gọi là định kiến) là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ. Con người biểu hiện thiên kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc, hay khi họ diễn giải nó một cách thiên vị.
Người ta cũng có xu hướng diễn dịch bằng chứng không rõ ràng để ủng hộ cho lập trường có sẵn của họ. Sự tìm kiếm bằng chứng, giải thích và ghi nhớ một cách thiên vị cũng được viện dẫn để giải thích (Wiki).
Các nhà tâm lý học cũng chỉ ra rằng con người có khuynh hướng phân tích các giả thuyết một cách phiến diện, bằng cách tìm kiếm bằng chứng phù hợp với giả thuyết hiện thời của họ và sau đó họ bám chấp vào những niềm tin của họ, ngay cả khi điều đó là sai lầm.
Tôi có biết một câu chuyện về tình yêu như sau: Lần đầu nhìn thấy một chàng trai, cô gái nọ đã đem lòng yêu thương (khi chưa biết bất kỳ điều gì về anh này). Nhưng sau đó gia đình cô ta không chấp thuận, bố cô đưa ra bằng chứng về vụ trộm cắp trước đó của anh này, nhưng cô gái vẫn không tin vào điều đó. Chỉ đến khi ông đưa ra bản án về tội trộm cắp có dấu của tòa án thì cô ta mới công nhận, nhưng vì gia đình chàng trai nghèo và mẹ bị bệnh nên cô gái đã diễn giải nguyên nhân trộm cắp của chàng trai là để cứu chữa cho mẹ. Và điều đó không những không khiến cho cô gái hết yêu, mà thậm chí cô càng cảm động vì tình mẫu tử của người mình yêu.
Có lẽ trong chúng ta ai cũng từng nghe hay biết những câu chuyện tương tự như vậy. Hiện tượng tâm lý trên lý giải cho chúng ta về sự ưu tiên thông tin ban đầu đã tạo ra những ký ức thiên vị, dẫn đến chấp giữ niềm tin sai lầm.
Điều này chắc chắn cũng xảy ra trong quá trình các điều tra viên điều tra vụ án vì khi bắt tay vào thẩm vấn các bị can, họ thường có niềm tin to lớn về việc người đối diện là kẻ phạm tội vì trước đó đã có những xác minh sàng lọc thông tin ban đầu. Do đó điều họ muốn tìm kiếm là sự thừa nhận, khẳng định của người đối diện cùng những diễn biến biện giải cho điều đó chứ không phải những thông tin khác, ngay cả đó là thông tin phủ định phạm tội.
Một khi đã mặc định sự phạm tội của kẻ đối diện nhưng kẻ đó lại không thừa nhận (hành vi phạm tội) dẫn đến tâm lý ức chế và muốn đấu tranh đến cùng để kẻ đó thừa nhận hành vi phạm tội, dẫn đến những hậu quả bức cung, nhục hình như đã xảy ra.
Michael Shermer là một nhà khoa học, nhà văn, sử gia người Mỹ. Ông đã dành nhiều thời gian cho nghiên cứu điều tra và chỉ ra rằng: "Những người thông minh lại tin những điều kỳ cục, bởi vì họ thành thạo trong việc bảo vệ những niềm tin mà họ bám vào do những lý do không thông minh".
Để thay đổi tư duy thiên kiến không phải điều dễ dàng, không phải một sớm một chiều mà thay đổi được vì điều này có sẵn trong mỗi con người, kể cả đó là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hay luật sư. Vì vậy, chúng ta cần chỉ rõ những sai lầm này ngay từ giảng đường của SV luật, Cảnh sát, An ninh, Kiểm sát.
Thứ năm, xét xử theo hướng tranh tụng:
Theo tôi, chúng ta cần nhất quán một quan điểm, một tinh thần chung là “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn xử oan người vô tội”. Hồ sơ vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng chỉ là cơ sở ban đầu để Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, tham khảo. Nhưng phán quyết của HĐXX nhất định phải dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, theo mô hình "xét xử bằng phép thử tội qua cuộc đấu” giữa công tố viên và luật sư bào chữa. HĐXX chỉ đóng vai trò trọng tài và ra phán quyết.
Thứ sáu, cần chuyển thẩm quyền quản lý Trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp:
Trước khi xây dựng Luật Thi hành án Hình sự và Luật thi hành án dân sự, đã có rất nhiều chuyên gia, học giả cho rằng cần phải tách và chuyển thẩm quyền quản lý, giám sát trại tạm giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp. Tuy nhiên quan điểm này đã không được luật hóa theo mô hình của hầu hết các quốc gia hiện nay. Nhưng với không ít các vấn đề oan sai, bức cung, nhục hình xảy ra trong thời gian vừa qua, một lần nữa đặt ra vấn đề cấp thiết phải chuyển thẩm quyền quản lý đối với trại tạm giam.
Vì sao đặt ra vấn đề này?
Cơ quan điều tra BCA là đơn vị trực tiếp tiến hành điều tra hầu hết các vụ án, do đó nếu họ lại quản lý các đối tượng tình nghi dựa trên việc quản lý trại tạm giam thì có lẽ sẽ là “lợi một nhưng hại mười”!? Do đó cần thiết phải đặt những đối tượng này dưới sự quản lý của một cơ quan độc lập, khách quan khác.
Thứ bảy, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm họp ba ngành:
Thực ra, nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được nêu rất rõ tại điều 16 BLTTHS. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy nguyên tắc này chưa được tuân thủ như chúng ta đã thấy thông qua vụ quyết định số 13 của một TAND cấp tỉnh mà báo chí phản ánh gần đây.
Một thực trạng khác rất đáng quan ngại, đó là hiện tượng họp ba ngành (CQ CSĐT, VKS, TA). Một số người cho rằng họp ba ngành là điều rất tốt, nó giúp cho việc thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), trao đổi, phản biện về nội dung vụ án nhất là vấn đề có tội hay không có tội. Tuy nhiên điều này dẫn đến tình trạng chủ quan, thậm chí vô hình trung đã áp đặt quan điểm tập thể lên cá nhân người THTT, dẫn đến hậu quả khôn lường như các vụ án vườn điều, vườn mít, Nguyễn Thanh Chấn (các vụ án này đều họp ba ngành).
Hai hiện tượng nêu trên khác nhau ở hình thức nhưng lại giống nhau ở bản chất do “gặp nhau” ở một điểm, đó là dẫn đến “án bỏ túi”. Do đó, trong thời gian tới chúng ta nhất định cần xóa bỏ hiện tượng này để tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc: độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Hòa chung không khi thảo luận sôi nổi của các ĐBQH, tôi xin đưa ra những ý kiến trên với hy vọng trong thời gian tới Quốc hội sẽ có những điều chỉnh phù hợp, tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, nâng cao vị thế, vai trò của luật sư trong quá trình THTT, thay đổi tư duy “phá án”, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ THTT để tránh những vụ án oan sai xảy ra.
LS Trương Anh Tú