Bạn đọc viết:
Để thanh niên Việt Nam nhận thức đúng về nghĩa vụ quân sự
(Dân trí) - Về thông tư liên tịch số 13 do Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT vừa ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ, có khá nhiều ý kiến tranh luận.
Tâm điểm của tranh luận xoay quanh một số điểm quan trọng trong thông tư, nhất là về “trường hợp không được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự (NVQS), đó là công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Trường hợp cùng nhận được giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ mà lệnh gọi nhập ngũ quy định thời gian có mặt sau thời gian nhập học, công dân vẫn thực hiện NVQS”
Điều đó làm dấy lên lo ngại trong khá nhiều phụ huynh cũng như các bạn trẻ hiện nay, mà qua những phản hồi của họ trên các diễn đàn có thể thấy nhiều nhận thức chưa đúng về ý thức thực hiện NVQS. Đa số cho rằng việc bắt buộc thực hiện NVQS khi đã đỗ đại học là điều không cần thiết trong thời bình.
Ngược lại, cũng có những người nhận xét tuy qui định mới ban hành còn nhiều điều đáng bàn và có lẽ cũng cần có những thay đổi để hợp lý hơn, song qua đây có thể thấy rằng nhiều bạn trẻ hiện nay chưa thấy rõ được được trách nhiệm và niềm tự hào lớn lao khi thực hiện NVQS như một sứ mệnh thiêng liêng (ảnh minh họa 1).
Ai cũng có thể thấy được quân đội là môi trường tuyệt vời để rèn dũa ý chí cho thanh niên. Trong tất cả các khối đào tạo chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng, sinh viên đều được đào tạo về giáo dục quốc phòng trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên do bộ môn này còn chưa được đầu tư đúng mức ở các trường đại học, nên sinh viên học chủ yếu theo kiểu đối phó. Mặt khác, nội dung, phương pháp giảng dạy… còn nhiều hạn chế, nên phần lớn học viên không nắm được những kiến thức và nhận thức cần thiết sau khi khoá học kết thúc, dẫn đến còn có những nhận thức chưa đúng và chưa đủ của giới trẻ VN nói chung về NVQS.
Trong khi đó tại các nước trên thế giới nói chung, việc giáo dục nhận thức về quân đội cũng như giáo dục quốc phòng rất được coi trọng, kể cả trong thời bình, và việc thực hiện NVQS thường là bắt buộc với tất cả công dân nam.
Ví dụ như tại Hàn Quốc, mọi công dân nam đều phải nhập ngũ khi đủ tuổi, bất kể là ngôi sao quốc tế hay gia cảnh giàu nghèo thế nào. Dư luận cũng từng xôn xao về những vụ việc liên quan tới các sao nổi tiếng như Bi Rain hay Song Seung Hun vì dính rắc rối do vi phạm kỉ luật quân đội hay bị nghi trốn NVQS.
Tại Singapore, mọi công dân nam đều phải thực hiện NVQS khi tròn 18 tuổi, không được trì hoãn. Tất cả các công dân ở đảo quốc này đều phải thực hiện nghiêm túc NVQS trong vòng 2 năm trước khi được xuất ngũ để đi học đại học, đí làm.... Họ cho biết, nếu trốn hoặc không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì kể cả có học đại học cũng sẽ khó lòng kiếm được một công việc tốt, ổn định.
Rõ ràng tại những quốc gia này, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và thấm nhuần tư tưởng về quân đội cũng như ý thức thực hiện NVQS cho giới trẻ được thực thi rất tốt. Một ví dụ nữa là nhà chức trách Singapore còn cho ra mắt một bộ phim hài về cuộc sống của các tân binh thực hiện nghĩa vụ quân sự (ảnh 2), qua đó cho thấy sự trưởng thành của các thanh niên khi bước vào môi trường quân sự. Bộ phim đã trở thành hiện tượng ở đảo quốc này. Cách làm đó tưởng đâu đơn giản nhưng mang lại hiệu quả không nhỏ đối với việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho thanh niên.
Với VN, chúng tôi nghĩ các cơ quan chức năng bên cạnh việc thay đổi các chủ trương, chính sách sao cho phù hợp, có lẽ cũng nên quan tâm tìm biện pháp hữu hiệu hơn trong việc định hướng và giáo dục nhận thức cho thanh niên, giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về NVQS - một sứ mệnh thiêng liêng với Tổ quốc.
Bùi Duy Linh