Đề nghị xem xét lại đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm
(Dân trí) - Các cán bộ đánh máy, cán bộ thừa hành thấp nhất trong đơn vị cần phải được hưởng phụ cấp trách nhiệm cao nhất vì không ít cơ quan, cứ có gì sai thì lại quy lỗi do họ gây ra.
Tôi xin gửi đến ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ một kiến nghị như sau. Việc xếp thang bảng lương tôi không có ý kiến gì nhưng vấn đề xếp phụ cấp trách nhiệm tôi kính trình ông xem lại cho phù hợp với thực tế. Các cán bộ đánh máy, cán bộ thừa hành thấp nhất trong đơn vị cần phải được hưởng phụ cấp trách nhiệm cao nhất. Nếu những cán bộ này trưởng thành lên thì phụ cấp trách nhiệm sẽ giảm dần về 0 đồng bởi dường như trách nhiệm đang giảm dần như thế hiện nay ở một số nơi.
Gần đây, khá nhiều trường hợp người ta sử dụng một công thức rất phản cảm là “Lỗi văn bản, lỗi do người đánh máy”. Hễ ban hành văn bản sai là “Lỗi văn bản, lỗi do người đánh máy” bị lôi ra, mặc dù chẳng nhân viên đánh máy nào dám tự ý soạn thảo văn bản mà không qua phê duyệt của người đứng đầu hoặc ít nhất là người được ủy nhiệm của người đứng đầu. Nếu “người đánh máy” đánh sai văn bản mà cấp trên vẫn ký thì chẳng lẽ “cấp trên” không đọc hoặc thị lực có vấn đề đến mức không đọc được những dòng chữ trên văn bản? (báo Giáo dục Việt Nam có nêu)
Đặt ra câu hỏi là vậy song hình như trách nhiệm ở một số nơi vẫn đang dồn về phía những “người đánh máy” hay những cán bộ thừa hành “thâm thấp phía dưới” trong bộ máy hành chính.
Cụ thể, qua phản ánh của dân và giám sát của đại biểu HĐND đã phát hiện ra trong số 96 hộ dân dọc đường Hoàng Tăng Bí, quận Bắc Từ Liêm thì có tới 41 hộ dân được cấp sổ đỏ sai quy định trong đó có 15 sổ thuộc phường Thụy Phương và phần còn lại 26 sổ thuộc phường Đức Thắng (trước đây là 1 phần của xã Đông Ngạc – huyện Từ Liêm). Vụ việc được phát hiện từ năm 2011, Chủ tịch xã và huyện, Phó Chủ tịch huyện phụ trách mảng đất đai (nguyên là Trưởng phòng Địa chính, nhà đất và đô thị thời kỳ đã đề xuất cấp sổ không đúng quy định), Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường đều biết nhưng đến tận năm 2015 vẫn không có biện pháp thu hồi sổ đỏ cấp sai quy định và xử lý những đối tượng có trách nhiệm theo pháp luật. Trong biên bản trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, lãnh đạo Quận Bắc Từ Liêm nêu rõ lỗi cấp sai này là do “sơ xuất tại xã Đông Ngạc và cán bộ thẩm định phòng Địa chính Nhà đất và Đô thị”. Việc trả lời này của người đứng đầu UBND quận Bắc Từ Liêm đã bất chấp thực tế của pháp luật là việc cấp sổ đỏ (GCNQSDĐ) được nhà nước quy định rõ từ rất sớm. Bước đầu tiên phải qua Hội đồng đăng ký đất xã, phường, thị trấn gồm các thành phần: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là Chủ tịch Hội đồng; cán bộ tư pháp; cán bộ địa chính (thường trực Hội đồng); Chủ tịch HĐND ( từ năm 2001 là đại diện MTTQ); trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố (đối với trường hợp đối tượng xét nằm trên địa bàn thôn/tổ dân phố) được quy định rõ từ năm 1998 tại Thông tư số: 346/1998/TT-TCĐC rồi thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC. Nghị định 181 ngày 29/10/2004 hướng dẫn Luật đất đai 2003 nêu rõ ( khoản 2, điều 135): “c) Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất;”.
Như vậy từ hồ sơ của cấp cơ sở, cán bộ phòng tài nguyên môi trường được giao nhiệm vụ thực hiện thẩm định thông qua hồ sơ cấp cơ sở gửi tới đối chiếu với hồ sơ về đất đai lưu tại huyện/quận. Trên cơ sở ý kiến của chuyên viên và bộ hồ sơ thẩm định, lãnh đạo phòng tài nguyên môi trường rà soát và ký trình lãnh đạo huyện/quận ban hành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và người ký chịu trách nhiệm trong việc ký ban hành đó. Với quy trình như thế không hiểu sao trách nhiệm chỉ dồn vào cán bộ thẩm định ? Và cũng không hiểu sao lại có sự sơ suất tới vài chục lần và dễ dàng nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa 41 trường hợp với 55 trường hợp còn lại, lại không hề “bị sơ suất”. Và còn kỳ lạ hơn là dù biết sự sơ suất đó từ năm 2011 mà vẫn để sự sơ suất đó tồn tại dài mãi. Phải chăng nếu thu hồi thì sợ 44 trường hợp sơ suất hé lộ điều gì thì gay go chăng ?
Mới đây nhất, vẫn là địa bàn quận Bắc Từ Liêm, trong thông báo kết luận tố cáo của công dân đối với ông Lê Văn Việt – Chủ tịch UBND phường Tây Tựu mà Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành ngày 12/10/2015 một lần nữa lại thừa nhận tố cáo của công dân là có cơ sở và việc 13 hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2003 đến năm 2005 tại xã Tây Tựu là đất có nguồn gốc đất của ao Cả do Hợp tác xã 2, 3 quản lý; song tại hồ sơ cấp GCNQSD đất của 13 hộ này lại ghi là đất thừa kế do cha ông để lại và sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993. Kết luận về sai phạm này, văn bản do Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ký cách đây đúng 10 ngày đã ghi: “Để xảy ra sai phạm này trách nhiệm thuộc về Hội đồng đăng ký đất xã Tây Tựu, UBND xã Tây Tựu nhiệm kỳ 2003-2006 đã họp và xét duyệt sai nguồn gốc sử dụng đất của các hộ và trách nhiệm của phòng Tài Nguyên môi trường huyện Từ Liêm trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp GCSQSDĐ.” Và một lần nữa trách nhiệm của cơ quan thẩm định và ký ban hành cấp GCNQSDĐ lại được quàng vào một cá nhân, đó là: “ Ông Nguyễn Văn Phong – nguyên cán bộ phòng Tài nguyên môi trường quận (hiện nay đang là cán bộ Ban bồi thường GPMB quận) có thiếu sót trong việc thẩm định hồ sơ cấp GCNQSD đất, cần xem xét, kiểm điểm trách nhiệm”. Thật lạ hay thật quen khi chỉ một con người cấp phần hành phải chịu trách nhiệm. Và kỳ lạ hơn là 13 hồ sơ làm trong nhiều năm khác nhau lại chỉ qua tay hay nói đúng hơn là qua đúng tay một cán bộ duy nhất này để thẩm định. Có bóng dáng gì của lợi ích nhóm mà báo cáo quốc hội vừa nêu hôm khai mạc hay không ?
Với những dẫn chứng rất thật đó. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho xem xét lại đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm ở một số nơi. Tuy nhiên, thú thật với Bộ trưởng, tôi sẽ vui hơn nếu đề nghị của tôi bị bác và Bộ trưởng thì chỉ rõ được địa chỉ đang hưởng phụ cấp trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành về những sai phạm rõ ràng trên.
Nguyễn Hữu Kiên
Đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm