Để hàng bình ổn giá đến được với người nghèo

(Dân trí) - Trong thời buổi lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, việc thực hiện chương trình bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu là một tin vui đối với mọi người. Nhưng đáng tiếc là chương trình chưa đến được nhiều vùng nông thôn, nơi còn nhiều người nghèo.

Để hàng bình ổn giá đến được với người nghèo - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
 Trên thực tế, nhiều mặt hàng thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá chưa đến được tay những người nghèo, đang gặp nhiều khó khăn, là đối tượng cần được ưu tiên thụ hưởng chính sách bình ổn giá cả.

 

Hàng bình ổn… vẫn ở đâu đó

 

Thời gian qua, khi mà giá cả của nhiều mặt hàng trên thị trường liên tục tăng và thiết lập những mặt bằng giá mới  thì chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu được nhiều người lựa chọn. Nhất là ở những vùng nông thôn, nguồn  thu nhập chính của nhiều gia đình chỉ biết “nhìn” vào hạt lúa hay chăn nuôi thêm con lợn, con gà. Tiếp cận được chương trình bình ổn giá, với việc mua được những mặt hàng có giá bán thấp hơn giá các mặt hàng cùng loại trên thị trường có thể khiến cho cuộc sống của những người dân nông thôn bớt đi phần nào khó khăn.

Mặc dầu vậy, vì những lý do khác nhau mà nhiều người dân ở các vùng nông thôn chưa được thụ hưởng những lợi ích từ chương trình bình ổn giá.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

 Chị Trần Thị Nga ở xã Nam Giang – Nam Đàn, hằng ngày vẫn đi chợ Sáo ở gần nhà cho biết: “Nghe đài báo nói nhiều đến chương trình bán hàng bình ổn giá, đi chợ tôi có tìm hỏi mua hàng của chương trình này mà không thấy bày bán ở mô”. Cùng chung nỗi niềm với chị Nga, chị Hoàng Thị Hoài ở Thị trấn Hưng Nguyên (cách Tp. Vinh chưa đầy 3 km) bộc bạch: “các mặt hàng bày bán ở chợ Phủ, nơi tôi vẫn đến mua sắm thường là của những người buôn bán nhỏ lẻ, giá cả theo thỏa thuận giữa người bán với người mua. Nghe nói có chương trình bình ổn giá, cũng muốn tìm mua vì hình như giá rẻ hơn nhưng không biết tìm mua ở đâu”.

 Sở dĩ có tình trạng như vậy, vì quá trình triển khai chương trình có nhiều ý nghĩa này, còn bộc lộ những điều bất cập. Thường những hàng bình ổn giá được bày bán ở một số siêu thị trong các thành phố. Một số mặt hàng được đưa về các chợ một số vùng nông thôn nhưng bày bán ở những vị trí không thuận lợi, khuất tầm nhìn; hoặc chỉ bán theo kiểu “nhỏ giọt”, có dấu hiệu của việc găm giữ hàng. Đặc biệt, về giá cả, đã xuất hiện tình trạng một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá được bày bán trong các cửa hàng, đại lý lớn có giá bằng, thậm chí cao hơn so với giá các mặt hàng cùng loại được bày bán trên thị trường. Bạn Lê Thị Vân – sinh viên trường ĐH Vinh đang trọ học tại phường Trung Đô – Tp. Vinh cho hay: “Em và một số người bạn có đến một vài siêu thị để tìm mua hàng bình ổn giá nhưng thấy giá của nhiều đồ dùng, vật dụng cần thiết còn cao hơn ở ngoài chợ. Giá như có một đại lý bán hàng bình ổn giá ở gần trường, các mặt hàng có giá bán phù hợp với túi tiền của sinh viên xa nhà trọ học như bọn em thì tốt biết mấy…"

 

Để chương trình bình ổn giá thực sự có ý nghĩa

 

        Có thể nhận thấy, mặc dù chương trình bình ổn giá được triển khai ở các địa phương bằng số vốn ngân sách nhưng trên thực tế thời gian qua cho thấy, người lao động, người có thu nhập thấp, nhất là ở khu vực nông thôn chưa được hưởng lợi nhiều. Nguyên nhân là do những doanh nghiệp bán lẻ tham gia chương trình bình ổn giá phần lớn là các siêu thị, thường đóng ở những vị trí trung tâm thành phố, khu đô thị. Ở̉ đó, người tiêu dùng có thu nhập thấp thường không có nhiều cơ hội lui tới để mua sắm. Không có mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá về tận các vùng nông thôn, khu vực các trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp… nên người nghèo, người có thu nhập thấp hay tầng lớp sinh viên vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận được các mặt hàng bình ổn giá. Cũng do hàng bình ổn chỉ được bày bán ở các siêu thị, đại lý lớn nên không ít tiểu thương bán lẻ đã lợi dụng sự chênh lệch về giá, mua hàng ở trong siêu thị mang ra ngoài bán. Mục đích, ý nghĩa ban đầu đặt ra của chương trình bình ổn giá vì thế không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong thời gian tới, giá của nhiều mặt hàng được dự báo là sẽ vẫn còn biến động theo chiều hướng bất lợi, ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người nghèo, người lao động có thu nhập thấp, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Để chương trình bình ổn giá thực sự phát huy tác dụng, cùng với việc tăng cường cung cấp thông tin rộng rãi đến mọi người dân, nhất là đối tượng chủ yếu cần được thụ hưởng  lợi ích của chương trình này, cần có những giải pháp thiết thực và khả thi. Trước hết nên rà soát lại những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có thực sự cần thiết, liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người dân nghèo, người có thu nhập thấp hay không. Tiếp đó, điều quan trọng là phải tổ chức được mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá đến tận các vùng nông thôn, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… Đối với những siêu thị, đại lý đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá nhưng giá các mặt hàng thuộc diện bình ổn lại cao hơn giá các mặt hàng cùng loại trên thị trường thì phải có chế tài xử lý triệt để, tránh tạo ra tiền lệ xấu. Nên chăng, các ngành chức năng mà trực tiếp là ngành Công thương ở các địa phương cần có nhiều hơn những chuyến hàng lưu động bán hàng bình ổn giá trực tiếp đến tận tay người dân. Về lâu dài, cần mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống các đại lý phân phối hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng , giá cả phải chăng. Làm được điều này, một mặt, vừa có thể tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, mặt khác, người tiêu dùng có thể có nhiều cơ hội hơn để làm quen với những mặt hàng sản xuẩt trong nước và  lựa chọn các mặt hàng phù hợp với túi tiền của mình.

 

 

                                                                               Bùi Minh Tuấn

                                                                                (Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống nhân dân là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhất là những ngày giáp Tết cuối năm. Đối tượng ưu tiên của chương trình là những người có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn, công nhân ở các khu công nghiệp và sinh viên phải trọ học xa nhà.

   Nếu đã xác định rõ đối tượng cần ưu tiên thì biện pháp triển khai chương trình cũng cần tập trung phục vụ đối tượng đó. Nhưng tình hình thực tế lại diễn ra không đúng mong đợi của người dân như bài viết trên đây đã phản ánh.

    Mong rằng các địa phương cũng như các ngành thương nghiệp dịch vụ có những biện pháp thiết thực để thực hiện chương trình bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu, đưa những mặt hàng này tới tận tay những đối tượng cần ưu tiên được thụ hưởng lợi ích của chương trình mang lại.