Bạn đọc viết:

Để các nhà KH được đua tài, được phục vụ và được chịu trách nhiệm!

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn của - GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã gây nên một sự bùng nổ ý kiến tranh luận, tiếp tục mạch trăn trở về thực tại cũng như tương lai của nền khoa học nước nhà. Blog “Phỏng vấn một đề tài khoa học” cũng được bạn đọc sôi nổi hưởng ứng.

Dưới đây là trích một số ý kiến phân tích, lý giải, nêu nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp từ bạn đọc cả nước:
 

Phạm Văn Lợi - Nam - 58 tuổi - từ Hải Phòng:
 

Đáng buồn là đề tài thì nhiều nhưng ứng dụng chẳng được bao nhiêu. Đất nước còn nghèo nên cần ưu tiên các đề tài  có tính khả thi cao (chẳng hạn đề tài của những người chân đất: than tổ ong sử dụng bã củ rong, máy gieo hạt....). Và tuy một số đề tài có tính chiến lược dù chưa có ứng dụng, nhưng là cơ sở phát triển một lĩnh vực nào đó, thì cũng cần khuyến khích. Tránh tình trạng đã mang danh GS, TS thì phải có đề tài để “làm mẽ” hoặc cho mượn tên để dễ được chấp nhận.

 

Nguyen Minh - Nam - 29 tuổi - từ Hà Nội:

 

Chuyện này thì đúng như hiện hữu. Hiện nay có rất nhiều đề tài bàn đến những vấn đề quá xa xôi, thiếu hiện thực như kiểu "chuột chù có mắt hay không có mắt, hoa hồng có gai hay không có gai". Họ cố tìm cho đề tài một cái tên hay nhưng kỳ thực thì nội dung lại là sự sao chép, gọt giũa lại từ một số vấn đề mà họ vốn có tài liệu. Đọc mà thấy chán vô cùng. Nhưng nguyên nhân của nó là từ đâu??? Phải chăng là trình độ của đội ngũ các nhà khoa học hiện nay đang xuống cấp vì nó thấp ngay từ khi họ lo cho mình cái mác thạc sĩ, tiến sĩ hay cao hơn là PGS, GS... Cùng với nữa có lẽ là do đời sống của các nhà khoa học đang ở mức thấp, vì đồng lương của nhà khoa học khó có thể làm cho họ yêu nghề, say sưa với nghề... cho nên họ phải nghĩ ra cách kiếm sống bằng chuyên môn... và thế là lại phải bằng mọi cách xin đề tài... Nhưng cũng không dừng ở đấy, việc xin đề tài đã khó, nhưng có lẽ khó hơn là kinh phí cho một đề tài vốn đã không nhiều, lại cộng vào đó là hàng trăm thứ phải chi như: phải trích lại cho cơ quan chủ quản bao nhiêu phần trăm tổng kinh phí, lo "lót đường" cho đề tài được sinh ra đúng thời hạn... Tôi nghĩ, trong điều kiện hiện nay, để cho khoa học không bị "tuyệt tự" thì Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học cần phải có cái nhìn và biện pháp thật nghiêm túc trong vấn đề này.

 

Thành Đạt - Nam - 29 tuổi - từ Hà Nội:

 

Vấn đề này đã được biết từ lâu, nó là hệ quả của cơ chế "xin - cho" và sự xa rời giữa khoa học với nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Trong sản xuất, một công ty muốn tăng cường sức cạnh tranh thì họ phải nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường và vượt trội các sản phẩm khác đã có. Để làm việc này, các công ty có thể hợp đồng với các nhà khoa học hoặc tự xây dựng một đơn vị nghiên cứu thu hút các nhà khoa học tài năng. Đề tài sẽ gắn với sản xuất các sản phẩm mới. Lúc đó không có cảnh đề tài làm xong đút ngăn tủ hoặc "vứt đi" nữa.

 

Hải Bình - Nam - 29 tuổi - từ Hà Nội:

 

Tôi nghĩ cũng không thể lên án các nhà khoa học được, bởi vì hiện tại các nhà khoa học của chúng ta còn đang phải chật vật lo cho cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền thì hỏi làm sao có thể tập trung nghiên cứu được. Tôi lấy ví dụ như 1 sinh viên đại học mới ra trường đi làm nghiên cứu với mức lương 2. 34 (khoảng 1,7 triệuđ/tháng) thì làm sao có thể sống được? Vì thế khi bình luận một vấn đề nào đó tôi nghĩ phải xét từ nguyên nhân gốc rễ của nó. Phải đặt ra câu hỏi: "Tại sao lại khi duyệt các đề tài thì kinh phí là quan trọng?" và từ đó tìm ra nguyên nhân.

 

Nguyễn Trọng - Nam - 25 tuổi - từ Hà Nội:

 

Làm khoa học luôn phải có niềm đam mê, ham nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi. Nhưng hiện nay các nhà khoa học Việt Nam còn đang đương đầu với vấn đề cơm áo gạo tiền thì còn đâu thời gian để nghiên cứu làm khoa học. Xét thấy mọi người vẫn luôn lo ngại về nền khoa học nước nhà, nhưng với chính sách của nhà nước đầu tư cho nền khoa học như hiện nay thì chưa thể thay đổi được điều gì. Nhà nước phải tạo được môi trường cho nền khoa học phát triển, các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào nghiên cứu và không phải quan tâm nhiều đến các vấn đề khác. Khi đó các nhà khoa học mới "có ý định làm khoa học một cách nghiêm túc" và đạt hiệu quả cao.

 

Nguyễn Văn Hoàng - Nam - 59 tuổi - từ Gia Lai:

 

Theo tôi đất nước mình còn nghèo, nên chăng ưu tiên duyệt kinh phí cho các đề tài ứng dụng, giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như: chuyển giao công nghệ, giải quyết vấn đề nước thải công nghiệp, giáo dục con người để lớn lên biết tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật, ngăn chặn các vụ trẻ vị thành niên gây ra các vụ án nghiêm trọng…. Còn khoa học cơ bản khi duyệt cấp kinh phí phải hết sức thận trọng, đừng để công tác nghiên cứu khoa học bị cho là: Nghiên - Nghiệm - Cất - Đốt (Nghiên cứu - Nghiệm thu - Cất đi - lâu không ứng dụng được thì đem Đốt).

 

Thuy Phung - Nam - 51 tuổi - từ Gia Lai:

 

Nếu đề tài nhiều như thế, chúng ta nên quy định: có thời gian kiểm nghiệm đề tài để đề tài đi vào cuộc sống. Còn nếu sau thời gian quy định mà đề tài không được áp dụng thực tiễn, thì tước quyền “tiến sỹ giấy” như lời cụ Tú Xương. Đồng thời buộc chủ đề tài phải bồi hoàn kinh phí làm đề tài + phần lãi suất phải thanh toán và nhất là thông báo rộng rãi trên thông tin đại chúng về sự không khả thi của đề tài. Làm được vậy, chắc các bác chủ biên đề tài... lo sốt vó!

 

Trần Trung Thành - Nam - 36 tuổi - từ Thái Bình:

 

Đất nước ta thật có quá nhiều trường đại học, nhất là quá trình chuyển đổi nâng cấp từ cao đẳng lên đại học (như cho cháu bé 8 tuổi mặc áo của anh 18 tuổi). Và cũng có rất nhiều tổ chức KHCN với quá nhiều tiến sỹ và thạc sỹ.  Nhưng điều mà các tổ chức KHCN chưa trả lời được câu hỏi là: "Liệu không có tổ chức KHCN đó thì ngành KTKT mà tổ chức đó hướng tới nghiên cứu những đề tài phục vụ phát triển ngành có tồn tại tiếp không?" Vậy thì điều cốt lõi nó nằm ở đây, đó là sinh ra tổ chức KHCN là cơ sở pháp lý để "xin" được nhiệm vụ nghiên cứu và để có kinh phí vừa nuôi trên vừa nuôi dưới. Còn kết quả cho ai? nó tròn hay méo? chắc chả mấy ai quan tâm, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động KHCN. Tại sao chúng ta không tìm ra lối thoát cho KHCN, không để các nhà KH được đua tài, được phục vụ và được chịu trách nhiệm (trước pháp luật) về việc sử dụng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu của mình và với sản phẩm nghiên cứu của mình? Tại sao không cố gắng nghiên cứu định lượng sự thất thoát kinh phí khi triển khai đề tài, dự án để sử dụng. Lấy những thất thoát đó bù đắp cho cán bộ nghiên cứu, các nhà quản lý để họ đủ sống và làm việc nghiêm túc?

 

Mai Nam - Nam - 33 tuổi - từ Bến Tre:

 

Các loại công trình nghiên cứu các cấp từ cơ sở đến quốc gia, và các loại luận án phó tiến sỹ, tiến sỹ.... chẳng biết phục vụ được gì và có mấy người đọc đến. Chỉ biết là lãng phí bao nhiêu tiền của nhà nước. Nên sử dụng tiền đó cho các "Hai Lúa" vì công trình của họ rõ rành mang lại lợi ích cho nhiều người và cho toàn xã hội.

 

Lê Minh Hải - Nam - 54 tuổi - từ Đà Nẵng:

 

Tại sao lại như vậy? Chẳng lẻ cứ để tiếp diễn mãi như zậy sao? Đất nước còn nghèo mà cứ bòn rút miết kiểu này làm sao khá lên được. Chúng ta có đầy đủ các cơ quan này nọ: thẩm định, thanh tra, giám sát, hội, đoàn thể...mà sao im lặng không nói nên lời. Bằng cấp cao, học vị cao, sao không xuống cơ sở, đến doanh nghiệp... mà cứ ngồi đó mà vzẽ, mà lấy tiền của dân, zvẽ ra dự án này, công trình kia để mà bòn rút tiền? Đề nghị các giới chức cấp trên có tâm huyết hãy hành động bằng việc làm cụ thể, không nên chỉ ngồi đó  nói. Cần lập lại trật tự ngay…
 
Để các nhà KH được đua tài, được phục vụ và được chịu trách nhiệm!  - 1

(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Dấu tên - Nam - 54 tuổi - từ Đà Nẵng:

 

Các bạn ạ, tôi là một người như các bạn nói là làm khoa học nhưng mới vào nghề. Đọc bài viết và các bài bình luận tôi thực sự rất buồn. Tôi từ nhỏ đã tâm niệm: phải cố gắng phấn đấu học tập thật tốt để thoát được cảnh chân lấm tay bùn đói khổ, và cho đến giờ tôi đã là một thạc sĩ. Gần 10 năm ăn học rồi vậy mà lương của tôi vẫn chưa đến 2 triệu đồng/tháng, không bằng một phần của công nhân hay thợ xây. Thử hỏi chúng tôi phải sống bằng gì ở cái đất Hà thành đắt đỏ đầy bon chen này?

 

Nguyễn Minh - Nam - 31 tuổi - từ Tp.Hồ Chí Minh:

 

Cụ nào nói cũng hay, nhưng đến khi tự mình viết đề tài thì than như ong vỡ tổ... Cái khó nhất của khoa học không phải quá trình sớm chiều, mà có làm thí nghiệm, có đi cân đong đo đếm mỗi ngày mới thấy phức tạp. Người đời ai hiểu cho. Tỉ dụ như đi phỏng vấn, dân mình có hợp tác 100% không, hoặc chí ít cũng 80-90% hợp tác được không? hay ai cũng bận cơm áo gạo tiền, ai cũng sợ “thí nghiệm”, dù rằng điều này đã được những người làm khoa học cố công bảo chứng an toàn? Nói chung cái gốc vấn đề là trả lương chưa xứng đáng với trí tuệ bỏ ra. Đừng nói làm khoa học nghiên cứu, đi dạy còn không được trả lương cao nữa là.

 

Tien Van - Nam - 31 tuổi - từ Tp.Hồ Chí Minh:

 

Là một sinh viên đang theo học ngành kỹ thuật, tôi thấy những "đề tài khoa học" đúng là đang phí phạm bao nhiêu chất xám và tiền của mà hầu như không có mấy ứng dụng gì. Ngay như SV chúng tôi cũng có thực hiện những đề tài này nọ, song kết quả dù hay, tính thực tiễn cao... thì cũng chỉ mang lại 2 điều: Một là được thầy cô cho điểm cao, hai là post lên mạng cho khóa sau tham khảo. Như vậy đã vô tình hình thành thói quen ngay từ hồi sinh viên của các "nhà khoa học" sau này. Một công thức chung của sinh viên: nhận đề tài, lên mạng tìm xem có cái nào giống cả từ các forum nước ngoài nữa, chế biến thành của mình.... Vậy tôi xin đưa ra 1 góp ý như sau. Thứ nhất: các đề tài được đăng ký sẽ cấp ngân sách theo các giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu được cấp vừa đủ để thực hiện đề tài, xem xét kỹ các loại máy móc cần mua có thực sự cần không để hạn chế ngân sách. Giai đoạn ứng dụng thực tế mới được cấp tiền thưởng cho người làm đề tài. Ứng dụng càng sát thực tế, thưởng càng cao. Như thế người làm đề tài sẽ phải làm tới khi ứng dụng mới có tiền. Thứ hai: có rất nhiều đề tài cấp bách nhà nước không nên chỉ giao cho các trường, viện nhất định nghiên cứu. Mà có thể lập 1 website công bố đề tài để nhiều đối tượng xã hội có thể tham gia nghiên cứu. Thực tế đã chứng minh: nông dân cũng hoàn toàn có thể làm được khoa học.

 

An Hà - Nữ - 26 tuổi - từ Hà Nội:

 

Với cơ chế hiện nay, nói thực là chẳng ngành, lĩnh vực nào mà người lao động có đủ chữ "tâm huyết" với nghề cả. Hầu hết ai cũng "làm gì thì làm, miễn là có cơm áo gạo tiền". 2 chữ "tâm huyết" có chăng là ở các cụ hưu, không phải quá lo toan cuộc sống hàng ngày. Chứ còn như chúng tôi, làm nghiên cứu 3 năm, lương có 1, 7 triệu đồng ở nơi đắt đỏ này tiền thuê nhà đã hết hơn nửa tháng lương. Vậy thử hỏi không tìm đề tài thì chúng tôi tồn tại thế nào? Và tất nhiên điều chúng tôi quan tâm khi có đề tài về là "kinh phí bao nhiêu", vì thực tế sau khi trích nộp các khoản chỉ còn lại khoảng 15-20% tổng kinh phí được duyệt để mọi người hưởng công lao động. Còn "cơ chế" chia cái khoản được hưởng này nữa... Đúng là trời ơi đất hỡi đối với những nhân viên trẻ hì hụi làm việc như chúng tôi. Vì thế, tôi nghĩ những người cứ ngồi đó lên án cái chữ "tâm" của người khác thì cũng nên nhìn lại mình và nhìn lại xã hội...

 

Van Truong - Nam - 36 tuổi - từ Hà Nội:

 

Trên nguyên tắc, mọi quốc gia muốn phát triển đều phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kể cả các khoa học cơ bản mà phải rất lâu sau mới có ứng dụng. Vì thế việc làm đề tài khoa học là đương nhiên. Còn chất lượng đề tài ư? Cần chú ý là chủ nhiệm các đề tài - dự án lớn đều là các nhà khoa học đầu ngành, danh tiếng lớn, lại còn là thầy hướng dẫn nhiều vị sếp, tiến sỹ nữa. Các bạn hãy cố gắng phát triển thành đầu ngành đi, rồi các bạn sẽ làm chủ nhiệm dự án...

 

Dấu tên - Nam - 36 tuổi - từ Hà Nội:

 

Với chúng tôi thì ngược lại. Chúng tôi say mê nghiên cứu bằng chính tiền của mình,  nhưng khi đưa sản phẩm vào cuộc sống thì lại quá khó khăn vì chính cái cơ chế nghiên cứu này. Họ lúc nào cũng nói là phải có sản phẩm, có kết quả, phải ứng dụng được... nhưng họ lại không tạo ra cơ chế để đưa vào cuộc sống. Rồi đến ngày hôm nay, họ lại đang lo lắng là sẽ không có nền khoa học công nghệ. Chắc có bạn sẽ hỏi là: vậy các anh lấp tiền đâu để sống và nghiên cứu? Nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi là bằng 4 thùng hàng Liên Xô mà khi làm nghiên cứu sinh ở bên đó, thầy giáo tôi đã mang về. Còn sau này thì nhóm chúng tôi phải vừa đi làm cho doanh nghiệp để lấy tiền cơm áo hàng ngày cho vợ con, vừa tiếp tục nghiên cứu để thỏa nỗi đam mê của mình.

 

Anh Minh - Nam - 43 tuổi - từ Hòa Bình:

 

Tôi cũng là nhà khoa học, đã từng làm đề tài. Tuy nhiên tôi thấy vấn đề này mới chỉ là chính, còn những vấn đề khác có thấy ai nêu đâu. Ví dụ đơn cử một số câu hỏi để mọi người cùng suy ngẫm: Cơ quan chủ quản cấp tiền là ai? Giá trị bao nhiêu? thực lĩnh bao nhiêu để thực hiện? Yêu cầu (bằng miệng) của cơ quan chủ quản về cách kiểm tra, tổng kết, trách nhiệm của từng bên...? Thế mới khó.

 

Minh Hoàng - Nam - 23 tuổi - từ Hà Nội:

 

Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Tôi thấy nhiều người vẫn nhìn nhận vấn đề theo 1 mặt. Công nhận là vẽ đề tài để xin kinh phí là có, thế nhưng nhìn lại thì sao? Các nhà khoa học hiện nay đều ăn theo hệ số lương Nhà nước. Người cao nhất, thâm niên cả mấy chục năm cũng mới được có tầm 6 triệu, còn các nhà khoa học trẻ thì lương không đến 3 triệu, thử hỏi với số tiền ấy thì có thể sống hay sao mà đòi làm khoa học? Có câu "có thực mới vực được đạo", vậy bây giờ chưa đủ ăn thì còn làm được gì? Tôi thấy Nhà nước mình trả lương quá rẻ mạt đối với những người làm khoa học chân chính. Nếu quy chế  thay đổi thì vấn đề này có thể sẽ rẽ sang một hướng khác.

 

Khoa TD - Nam - 33 tuổi - từ Hà Nội:

 

Tôi cũng là người làm khoa học tại Hà Nội, phải thừa nhận là công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất đáng buồn. Có một hiện trạng là một số (tôi không nói là tất cả) các "GS, PGS, các nhà khoa học đầu ngành" quan hệ theo kiểu thông đồng với nhau để "tôi ngồi hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài của anh. Anh ngồi hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài của tôi. Chúng ta cùng có đề tài!" Tôi đã có dịp dự hội thảo quốc tế với một "nhà khoa học thuộc loại đầu ngành" thường xuất hiện trên TV, mà thấy xấu hổ với các bạn nước ngoài quá vì tiếng Anh của vị này quá tệ, còn nội dung khoa học của báo cáo thì khi tôi nhìn quanh thấy các bạn không ai muốn nghe… Thường thì một phần lớn kinh phí phải "feedback" lại cơ quan quản lý, còn nội dung khoa học của "đề tài" thì rất kinh khủng, không áp dụng trong thực tiễn còn đỡ thiệt hại hơn cho xã hội. Vậy mà hầu như tất cả những người này thường tự đắc cho mình là "quan hệ rộng", "có tài quản lý", nhưng thật ra họ chỉ tạo thành một nhóm lợi ích làm băng hoại nền khoa học vốn đã chậm phát triển của Việt Nam!

 

Nguyễn Dũng - Nam - 31 tuổi - từ Hưng Yên:

 

Lương chỉ là vấn đề phụ với một nhà khoa học thực thụ. Theo tôi biết, có rất nhiều nhà khoa học thực thụ, cái họ cần không phải là lương. Cái chính, tôi nghĩ là những vấn đề cao siêu thì chưa ứng dụng ngay được. Hơn nữa ở nước ta kinh tế còn nghèo, trình độ sản xuất còn lạc hậu, việc áp dụng nghiên cứu KH cho thành quả nhìn thấy được (mang lại kinh tế) là vấn đề không hề đơn giản.Thế thì khoa học của ta nên định hướng thế nào đây  và cơ chế nào cho nó phát triển. Điều quan trọng là "lương" nhưng mà là lương tri. Lương tri cho một tương lai đất nước, lương tri cho một sự phát triển. Chúng ta đã và đang rơi vào cái ảo tưởng: Tại sao lại phải cần số lượng GS.TS mà không phải chất lượng đội ngũ các nhà KH? Vì vậy vấn đề các bác nói ở trên chỉ là một hệ lụy thôi. Đó là hệ lụy của một nền sản xuất lạc hậu, của một dân tộc còn đang bươn chải với kinh tế, của quan điểm né tránh chưa nhìn thẳng vấn đề cần giải quyết, của một xã hội mắc bệnh thành tích...Tôi nghĩ chúng ta đang định hướng đi lên XHCN nên còn nhiều khó khăn phải trải qua lắm. Bản thân tôi cũng rất thích khoa học nhưng không đủ dũng khí để sống chết với nó... hihi.

 

Nguyễn - Nam - 32 tuổi - từ Tp.Hồ Chí Minh:

 

Thực trạng thì đã quá rõ rồi, không cần bàn nhiều nữa. Vấn đề là giải pháp! Xin mọi người cho biết ý kiến đề xuất  (1 cách nghiêm túc) về đề xuất này: Đó là giải pháp: CÔNG BỐ CÔNG KHAI ĐỀ TÀI. Dĩ nhiên, có một số (rất ít) đề tài thuộc dạng "bí mật quốc gia" thì tính riêng, còn hầu hết những đề tài còn lại thì cơ quan chủ quản nên lập ra 1 trang web để công bố công khai các đề tài đó. Một trang web công khai các đề tài sẽ giải quyết được 1 loạt các vấn đề: 1) Khi công khai đề tài, thì người thực hiện đề tài tất sẽ có trách nhiệm về nội dung, ý nghĩa thực tiễn của đề tài. 2) Dĩ nhiên, đề tài khoa học thì là sở hữu trí tuệ, không thể công khai free hoàn toàn. Mà lúc ấy, cơ quan chủ quản sẽ đứng ra quản lý, thu phí, cung cấp và sẽ thu phí. Tiền này một phần để cho việc quản lý, một phần cho sở hữu trí tuệ, một phần đầu tư lại cho nghiên cứu. Đừng quên một điều là tiền đề tài hiện nay là tiền thuế của nhân dân. Người thực hiện có quyền sở hữu trí tuệ, nhưng về nguyên tắc tiền là của nhà nước từ thuế của nhân dân, thì về nguyên tắc đó là của nhân dân. Về vấn đề này, chắc chắn là còn nhiều vấn đề, mong mọi người đóng góp ý kiến (nghiêm túc), và từ đó có giải pháp nghiêm túc & hiệu quả.

 

Hoàng Ánh Dương - Nam - 26 tuổi - từ Nghệ An:

 

Cấp kinh phí cũng được, nhưng mà phải quy trách nhiệm cho nhà khoa học đó. Anh muốn làm cái gì nhưng cũng phải có lợi ích ít nhất cho một nhóm người, cộng đồng. Không thể cứ lấy tiền của dân rồi lại bỏ xó đó được. Mấy anh khoa học này sao cứ nghĩ phải làm cái gì to tát, đúng năng lực của mình? Mấy anh sao không nghĩ xem: sao mấy anh nông dân làm được cái này cái nọ hữu ích hơn?

 

Nguyễn Trọng Hồng Phúc - Nam - 28 tuổi - từ Cần Thơ:

 

Bản thân là một giảng viên trẻ. Tôi nghĩ nhà nước cần có những chính sách hết sức thiết thực để có thể giúp cho nền khoa học nước nhà. Xét cái gốc vấn đề, mọi người sau khi tốt nghiệp đại học, cao học, hay tiến sĩ, nhất là những người được đào tạo chính quy, tôi nghĩ ai cũng tâm huyết và mong muốn đóng góp cho xã hội. Nhưng về cơ quan họ có gì để làm khi không thiết bị, không kinh phí, không điều kiện. Chỉ có thể xin đề tài để có kinh phí mà làm. Lương thấp, kinh phí không có, tâm huyết thì nhiều. Mà đó, không thực thì làm sao vực đạo? Mọi vấn đề đều do quản lý mà ra. Xin kiểm tra lại cách thức làm việc. Tôi đi học rồi làm giảng viên ở Úc, cơ sở vật chất tốt, lương 1 năm 100 ngàn đô. Một tháng, xài thoải mái cũng khoảng 2.000 đô. Người ta chỉ việc ngồi nghiên cứu, tham khảo và nghiên cứu. Hiệu quả 100%. Cái đó gọi là đãi ngộ. Nhà khoa học trong nước làm sao làm được khoa học, nếu việc thanh toán kinh phí đã chiếm hết 60% công tác của đề tài?

 

Hoàng Thị Hồng Sen - Nữ - 48 tuổi - từ Quảng Bình:

 

Đây là điều tôi suy nghĩ bấy lâu nay. Không chỉ là đề tài NCKH hằng năm của các cơ quan, mà ngay các luận án, luận văn tiến sĩ, thạc sĩ cũng đang bị bỏ lãng phí. Vì là người ngoại đạo (tôi làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, nay chuyển sang làm trong doanh nghiệp), tôi mong có người nào đó hãy nghiên cứu đề tài "Thực trạng và giải pháp ứng dụng các luận án tiến sĩ trong thực tiễn". Đề tài sẽ giúp mọi người và đặc biệt là các nhà quản lý lĩnh vực KHCN biết được hiệu quả NCKH của nước nhà, bằng các con số hay tỉ lệ cụ thể để có hướng điều chỉnh cho thích hợp. Nếu không, nhà nước cứ bỏ tiền ra đào tạo thật nhiều thạc sĩ, tiến sĩ "cắt dán, sao chép" thì làm sao mong đất nước phát triển hùng cường được?...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm