Bạn đọc viết:

Đề án về chuẩn hóa văn hóa công sở: Vẫn thiếu thực tế

(Dân trí) - Đã có những quy định về phát ngôn, trang phục, dụng cụ làm việc nơi công sở như hiện nay là đủ rồi. Chỉ cần thực hiện tốt là đã đạt văn hóa công sở. Vấn đề là buông lỏng quản lý thôi, chứ không phải là chưa có quy định.

(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)

 

Và nếu cứ sa đà vào toàn những việc rất lặt vặt như thế này thì càng khó thực hiện. Theo tôi, trước hết cần giải quyết những vấn đề lớn sau đây:

 

+ Một là: Tìm giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bộ máy quản lý Nhà nước, góp phần tinh giảm bộ máy công chức cho gọn nhẹ.

 

+ Hai là: đổi mới công tác thi tuyển công chức, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ để chọn được người hiền tài làm trong bộ máy công chức Nhà nước. Giúp cho việc quản lý đất nước tốt hơn, hiệu quả hơn, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh.

 

+ Ba là: Cần ban hành quy định để thực hiện tốt hơn nữa kỷ luật trong đội ngũ cán bộ, công chức mà quan trọng là xây dựng quy định bắt buộc công chức phải làm gì, làm như thế nào? Nếu không hoàn thành thì bắt buộc phải từ chức hay cách chức, thậm chí đuổi việc. Đó mới là những điều cần làm ngay và khẩn trương.

 

+ Bốn là: cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để xây dựng quy chế, quy định kiểm soát để không còn tình trạng nhũng nhiễu đối với cán bộ, công chức trong việc thi hành nhiệm vụ. Vì hiện nay hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tham nhũng vặt rất nhức nhối, làm giảm lòng tin của nhân dân, của doanh nghiệp. Đó là vấn đề cần phải làm ngay và khẩn trương.

 

+ Năm là: Đề án tinh giảm biên chế, xác định vị trí việc làm cho từng vị trí công tác, từng ngành, từng cấp, tránh chồng chéo nhiệm vụ. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm, góp phần tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của bộ máy Nhà nước.

 

Tôi chỉ đồng ý rằng quy định về phát ngôn, ăn mặc, trang phục, cách bày xếp trang thiết bị, dụng cụ làm việc nơi công sở... như hiện nay đã quá đủ dùng rồi. Chỉ cần thực hiện tốt là đã đạt văn hóa công sở rồi. Vấn đề là buông lỏng quản lý thôi, chứ không phải là chưa có quy định.

 

Còn cách xưng hô trong xã hội, người ta thích xưng hô thế nào tùy, đó là đặc trưng văn hóa riêng của Việt Nam. Một người đáng tuổi Ông đối với một công chức mới ra trường vào làm việc mà bắt cô ta gọi ông kia bằng anh nghe chừng… ngượng miệng lắm, thiếu thực tế và đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc.

 

Chưa kể trong một cơ quan, đôi khi cũng có mối quan hệ gia đình thực sự. Cũng có trường hợp hai cha con cùng làm việc trong một cơ quan hoặc hai cha con làm việc ở hai cơ quan khác nhau, đến khi họp hành, xưng hô trong cơ quan lại gọi nhau bằng anh ư? Con gọi cha bằng anh, rồi cha cũng xưng hô với con bằng anh sao?

 

Một vấn đề nữa là: yêu nước thì đánh giá như thế nào? Đâu phải yêu nước là cứ nói tôi yêu nước là mọi người công nhận anh là yêu nước? Yêu nước phải thể hiện bằng hành động, việc làm, không phải chỉ bằng lời nói suông. 
 
Chứ cán bộ, công chức tay thì nhận phong bì của nhân dân, của doanh nghiệp miệng thì nói tôi yêu nước lắm, có ai tin không? Như vậy có được coi là yêu nước không? Cán bộ đi muộn, về sớm, làm thiếu trách nhiệm, đùn đẩy có được coi là yêu nước không?...
 
Tóm lại là ý tưởng này của Bộ Nội vụ, tôi thấy vẫn thiếu thực tế.

 

DĐ: dungtan@gmail.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm