Dạy con bằng roi vọt: Sự ngụy biện của bậc cha mẹ kém cỏi!
(Dân trí) - Tôi thà bị mắng chửi còn hơn bị "ăn" tát, từ nhỏ tôi đã ý thức được rằng bị tát chính là bị sỉ nhục, là một sự nhục nhã, lúc đó tôi có cảm giác muốn dùng bạo lực để trả thù người đã tát mình…
Gia đình tôi vừa xảy ra cuộc "đại chiến ngầm" vì chồng tôi đã không kìm chế được nóng giận mà tát con trai, sau khi cháu ngáng chân em gái đang chạy.
Thấy cô con gái rượu khóc vì hoảng sợ sau khi suýt bị ngã do anh ngáng chân, chồng tôi đã xông vào tát vào má và mắng con trai. Hai hàng nước mắt của thằng bé cứ thế chảy ra, nó lén nhìn bố mong một sự động viên khuyên nhủ; rồi chợt ngẩng lên đầy hy vọng khi nghe thấy tiếng cửa mở và giọng mẹ gọi như mọi ngày "Mẹ đã về rồi các con ơi"; như được giải tỏa sự tủi thân đang bị kìm nén, thằng bé khóc òa, chạy ra ôm mẹ.
Bản thân tôi rất dị ứng với việc dùng cái tát để dạy con nên giận chồng vô cùng và đã có một cuộc tranh luận gay gắt với anh ấy trong việc dùng vũ lực để dạy con.
Sau đó anh ấy cũng đã nhận ra và trò chuyện, phân tích cho con trai vì sao không nên làm vậy, cũng xin lỗi con vì đã tát con; bản thân anh ấy cũng rất hối hận và suy nghĩ mất mấy ngày vì đã đánh con vào mặt.
Truyền thông Trung Quốc đã từng đưa tin về trường hợp một bé gái tên Linh Linh, 8 tuổi, do vừa xem tivi vừa học nên đã làm sai rất nhiều bài tập về nhà. Việc này khiến người mẹ vô cùng tức giận và tát một cái rất mạnh vào sau gáy Linh Linh.
Linh Linh sau đó khóc rất nhiều. Để vỗ về, người mẹ đưa cho Linh Linh một túi đồ ăn vặt. Linh Linh nín khóc và ăn vặt bình thường nhưng người mẹ chẳng ngờ rằng một lúc sau bi kịch đã xảy ra.
Linh Linh bắt đầu chóng mặt, buồn nôn và được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn.
Bác sĩ phụ trách ca cấp cứu giải thích: Bản thân não của trẻ rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi chịu những tác động khiến não bị rung lắc mạnh. Cái tát của người mẹ khiến cháu bé bị vỡ mạch máu não. Dù "cái tát" không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong nhưng chính là yếu tố kích hoạt.
Người mẹ này không bao giờ ngờ rằng thói quen dạy con đó lại có thể giết chết con mình, tuy nhiên không ít bậc cha mẹ như cô thường mắc phải sai lầm đó.
Hay trường hợp cậu bé tên Zhang tới từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã nhảy từ tầng cao trên một tòa nhà của trường và tử vong sau khi bị mẹ tát.
Được biết, Zhang là học sinh lớp 9 ở Trường Trung học số 1, khu vực Jiangxia. Hôm đó, mẹ cậu được mời lên gặp hiệu trưởng vì cậu bị bắt gặp chơi bài ở trường. Sau đó, camera an ninh đặt ở hành lang cho thấy, bà mẹ ra khỏi phòng họp và tát con trai 2 cái vào mặt, rồi bỏ về nhà.
Zhang đứng im lặng ở hành lang trong vòng 3 phút. Sau đó, cậu leo lên lan can tầng 5 và nhảy xuống đất. Những học sinh đi qua lại hành lang đã cố gắng ngăn cậu lại nhưng không kịp.
Mới đây nhất, một ông bố sống tại huyện Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc được phen sợ hết hồn vì sự nóng nảy của mình. Khi đang kèm con học, vì quá bực nên anh Trần đã vung tay tát con trai một cái mạnh. Cú tát khiến cậu bé lảo đảo, một bên tai không nghe thấy gì. Ngay lập tức, cậu bé được đưa đến bệnh viện Nhi Thâm Quyến, khoa Tai - Mũi - Họng.
Tại đây, bác sĩ dùng ống soi tai và thấy một lỗ thủng ở màng nhĩ, gây chảy máu tai. Sau một tháng theo dõi, rất may màng nhĩ của cậu bé đã tự lành. Câu chuyện sau đó được bác sĩ chia sẻ với phóng viên. Vị bác sĩ điều trị cho con anh Trần cũng cho biết, hàng năm có vài vụ trẻ bị bố mẹ gây tai nạn làm thủng màng nhĩ và phải điều trị.
Với tôi cái tát, hay nói rộng hơn là dùng bạo lực với con trẻ thể hiện sự bất lực của bố mẹ trong việc dạy dỗ con, khi không thể dùng từ ngữ để giải thích, khuyên nhủ rằng con đang sai ở chỗ nào, vì sao không nên làm như vậy…
Ngoài ra, nó còn thể hiện sự yếu kém trong việc kìm nén cảm xúc của bản thân, bạn giận giữ nên bạn trút nó sang đứa con còn non nớt cần sự chỉ bảo, hướng dẫn của cha mẹ. Đánh con cũng là bạn đang dạy con cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực khi cảm thấy tức giận và bực tức.
Thử nghĩ xem, ở môi trường công sở ắt hẳn bạn đã từng có rất nhiều chuyện bực mình với đồng nghiệp; hay trong môi trường làm ăn, giao tiếp ngoài xã hội cũng vậy. Tất nhiên, bạn sẽ luôn phải nhẫn nhịn, nuốt giận vào trong chứ không thể đánh "đối tượng" khiến mình điên tiết được. Vậy tại sao khi cáu giận con, bạn không thể "nhịn" chúng như nhịn người ngoài, mà lại trút giận lên đứa con bé bỏng đáng yêu không có khả năng chống đỡ và phản kháng lại mình?
Đừng để xảy ra "sự đã rồi" mới ân hận tiếc nuối!
Bạn đã bao giờ tát/đánh con mà sau đó cảm thấy ân hận, day dứt chưa? Bạn có đồng tình với nội dung bài viết trên không? Hãy gửi ý kiến của mình vào khung bình luận bên dưới nhé!