Đấu tranh, tránh đâu?

Điều đáng buồn là hệ quả "đấu tranh, tránh đâu" đã xảy ra với vị cán bộ dám dũng cảm đứng lên đấu tranh chống tiêu cực.

Kết luận thanh tra mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công khai, cho thấy đã có hàng loạt sai phạm tại Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Đấu tranh, tránh đâu? - 1

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Tại dự án được đánh giá "có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam" này, ngay trong hợp đồng dịch vụ tư vấn thực hiện dự án, ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh vướng mắc giữa các bên, phải huy động nhân sự và chi phí cho thời gian kéo dài, phát sinh tăng chi phí; việc thực hiện gói thầu về rà phá bom mìn, vật nổ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đến thời điểm thanh tra công tác nghiệm thu thanh quyết toán vẫn chưa hoàn thành, có dấu hiệu sai khối lượng thi công; hồ sơ hoàn công chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế và không đúng với phương án kỹ thuật được phê duyệt; vi phạm quy định đấu thầu…

Để những sai phạm trên bị phanh phui, có thể khẳng định công đầu thuộc về ông Lương Xuân Bình, người từng giữ chức Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Từ năm 2014, ông Bình đã nêu ý kiến, gửi văn bản phản ánh về những sai phạm tại dự án. Nếu không phải người trong cuộc, "nằm trong chăn mới biết chăn có rận", thì khó người nào có thể nắm tường tận những sai phạm của một dự án đặc thù như thế.

Điều đáng buồn là hệ quả "đấu tranh, tránh đâu" đã xảy ra với vị cán bộ dám dũng cảm đứng lên đấu tranh chống tiêu cực.

"Năm 2014, khi dự án bắt đầu triển khai gói thầu tư vấn, tôi đã có ý kiến rồi. Đầu tiên, tôi nêu ý kiến trong tập thể ban lãnh đạo cơ quan. Các ông ấy không nghe. Tôi tiếp tục có ý kiến bằng văn bản cũng không được. Tôi đã báo cáo sự việc lên Bí thư Thành ủy cũng không giải quyết được", ông Bình kể lại. 

Ông Bình khẳng định, đến năm 2016 ông vẫn đang "báo cáo" và "kiến nghị", chứ không phải "tố cáo". Tuy nhiên, Thanh tra Hà Nội đã vào cuộc và kết luận các việc làm của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là "đúng pháp luật", buộc ông "phải tiếp tục đấu tranh" và sau đó TTCP vào cuộc.

"Suốt từ đầu chí cuối, tôi không quản ngại thiệt thòi về bản thân mình. Do được bố trí công việc không phù hợp với năng lực chuyên môn, tôi đã làm đơn xin nghỉ việc không lương (tháng 9/2019) để chờ đợi xem cơ quan thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của mình như thế nào. Thế nhưng họ không cho tôi nghỉ, lại hướng dẫn tôi viết đơn xin thôi việc, có văn bản hẳn hoi. Tôi làm sao mà phải viết đơn xin thôi việc?", ông Bình bức xúc.

Hiện ông Bình vẫn tới cơ quan mỗi ngày, nhưng không còn thuộc quản lý của phòng ban nào và chỉ được hưởng mức lương bằng 1/3 so với trước đây. Ông khẳng định sẽ tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng làm rõ dấu hiệu sai phạm tại Gói thầu số 6 của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bởi "chưa hài lòng" với kết luận thanh tra vừa được công khai.

Trong kết luận thanh tra mà TTCP vừa công bố, cho thấy ông Bình cũng đã tố cáo dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác thanh tra của Đoàn thanh tra TP Hà Nội hồi năm 2015. TTCP đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết theo thẩm quyền. TTCP cũng đề nghị Hà Nội xem xét lại quá trình công tác, đảm bảo quyền lợi cho ông Bình.

Mong rằng cơ quan chức năng Trung ương sẽ có những quyết định "thấu tình đạt lý", bảo vệ, tôn vinh những cán bộ dũng cảm dám đứng lên chống sai phạm, để dư luận ngày càng tin tưởng vào công cuộc phòng chống tiêu cực. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm