Đạo đức và tình người trong bữa ăn Việt Nam

(Dân trí) - Người Việt Nam đi học, đi làm ở nước ngoài thời gian dài, có phải điều người ta nhớ se sắt là nhớ người thân yêu và nhớ những món quen thuộc trong bữa cơm gia đình, mà đâu phải là cao lương mỹ vị gì cho cam

Đạo đức và tình người trong bữa ăn Việt Nam - 1



“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”

Nhớ rau muống luộc, nước sấu chua, đậu rán, cà muối… thì 100% dân Bắc nhớ rồi. Còn dân miền Trung thì nhớ cá nhút, cá nục, khoai bở, chè xanh. Dân miền Nam thì nhớ mắm, canh chua cá lóc, canh điên điển…

Nhớ món ăn bình dị, quen thuộc gắn chặt với nhớ những gương mặt quen thuộc trong gia đình quây quần quanh mâm cơm mỗi bữa, mỗi ngày.

Mâm cơm cũng là nét độc đáo truyền thống của người Việt Nam. Chúng ta không chia mỗi người một suất mà ăn chung, cùng đĩa, bát, cùng trong một mâm, lại còn chấm chung một chén nước mắm. Đó là tính cộng đồng. Ngồi quây quần quanh mâm, con cháu tiếp thức ăn cho ông bà, bố mẹ, chị gái gỡ thịt, gỡ cá cho em nhỏ. Thật đầm ấm và tình cảm biết bao!

Các cụ ta còn khuyên, bữa cơm phải vui vẻ chan hòa, không được biến bữa ăn thành nơi mách nhau tội lỗi, mặt nặng mày nhẹ mà cũng không chê bai nấu ăn không ngon, món ăn mặn, nhạt… nên bữa ăn đã thành kỷ niệm của mỗi thành viên. Ca dao tục ngữ xưa để lại còn đó:

Dù no, dù đói cho tươi”, “Chớ eo xèo khi đãi khách, đừng hậm hực lúc ăn cơm”, “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật gù khen ngon”, “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen/ Cơm ngon, canh ngọt chồng khen”…

Thi sĩ Tản Đà luận về ăn ngon không phải chỉ tại thức ăn, tại rượu mà còn rất cần cái không khí đầm ấm, tình cảm bạn bè thân thương.

Miếng ăn còn cần sự tôn trọng và giữ được nhân cách, các cụ ta nói: “có thực mới vực được đạo”. Thực tế vực đạo chứ không phải thực để “quá khẩu thành tàn”, để “ăn một miếng, tiếng để đời”. “Miếng ăn là miếng nhục”. Bên cạnh kho tàng ca dao tục ngữ còn có cả kho tàng truyện tiếu lâm chế diễu người ăn tục khi được mời dự cỗ bàn, việc làng, việc xã như gắp lia lại, ăn hết phần người khác, mải nhau, nuốt quên cả giao tiếp, chuyện trò với người cùng mâm… “Rượu ngon chớ để mềm môi/ Thịt ngon phải nhớ nhường người cùng ăn”, và cũng đừng để cái khoản rượu quá chén lúc tiệc tùng rồi “rượu vào lời ra” và mọi người xa lánh vì “nói với người say như vay chẳng trả

Theo các cụ tình cảm và nhân cách trong bữa ăn cần được coi trọng. Ở nhà, bữa ăn dù no dù đói phải vui vẻ, đầm ấm, thể hiện tình cảm với người già, cha mẹ, con cái, tình nghĩa vợ chồng no đói bên nhau.

Khi có khách đến nhà thì “dù no dù đói cho tươi”, không phải mâm cao, cỗ đầy mới là quý khách mà cần cái tình cảm, sự quý trọng và ân cần với khách để có khi chỉ cơm rau nhưng ghi lại một kỷ niệm đẹp, một sự quan tâm sưởi ấm lòng để khách còn nhớ mãi trên mọi nẻo đường đời. Cũng không phải, cứ có tiền là đi tìm cao lương mỹ vị, mà phải chi tiêu hợp lý, có kế hoạch “Có mười ăn một thì ngon/ Có một ăn cả vợ con đói dài”, có khi biết ngon mà phải nhịn: “Nhịn miệng qua ngày, ăn vay mắc nợ”, “Ăn ngon mắc nợ hay chi/ Nợ tiền, nợ miệng, ngon gì mà ngon”.

Theo nhịp sống hiện đại, người ta ăn cơm hộp, cơm bụi hoặc cùng bè bạn ra hàng quán do công việc, học hành thời gian khác nhau. Những bữa cơm gia đình đầm ấm, chan hòa tình cảm đang ngày càng ít đi. Tình hình đó cũng đang đe dọa cơ hội, môi trường đoàn tụ gia đình qua đó mà giao lưu tình cảm, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng tế bào vững chắc của xã hội. Những bữa cơm đãi bạn tại nhà cũng ít dần.

Vài nét truyền thống ăn uống như trên là vốn quý của dân tộc cần phải giữ gìn mãi mãi.

Ngọc Hân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm