Bạn đọc viết

Dân ta phải biết sử ta

Vì sao mà lịch sử Việt Nam lại bị chính giới trẻ Việt Nam học lơ là như vậy?

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Sử là môn nên học, cần phải học chứ không nên dùng từ bắt buộc.Nước ngoài dạy lịch sử rất hay, sách viết cũng rất hay, rất kỹ, viết như một câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, khiến người ta muốn đọc. Còn ở Việt Nam, sách giáo khoa lịch sử viết rất chán, nhìn vào học sinh ít ai muốn đọc, mở đầu sách đề mục, rồi ngày tháng năm, rồi diễn biến rồi ý nghĩa ... như một trình tự rập khuôn. Có khi nào các nhà soạn sách nghĩ rằng sẽ viết lại một cách như lối kể chuyện hấp dẫn như một số nước khác? Lịch sử là nguồn gốc thiết yếu, thế nhưng ngày nay giới trẻ có quá nhiều thứ hấp dẫn khác, đến bao giờ mới đủ nhận thức để quan tâm đến lịch sử, huống hồ ngày nay, hỏi những người 40 - 50 cũng chưa chắc đã rõ lịch sử. Vậy thì lý do vì sao mà lịch sử Việt Nam lại bị chính giới trẻ Việt Nam lơ là như vậy? Ngày xưa học lớp 9, tôi rất thích thầy dạy môn lịch sử của tôi. Thầy đi dạy không bao giờ cầm sách. Thầy chỉ mang mỗi cái bản đồ, rồi thầy bắt đầu kể chuyện, cả lớp dù trước kia dù ồn mấy, nhưng nghe thầy kể thì thích, rất chăm chú lắng nghe. Đến phần diễn biến trận đánh, thầy cầm thước bắt đầu chỉ lên bản đồ: " quân ta từ hướng này bao vây địch,... ở đây là nơi địch đóng... " ... dường như không ai nghĩ là thầy đang dạy cả... lớp học im lặng... đến lúc thầy hỏi " các em có biết vì sao quân ta lại tập kích địch từ hướng này không..." có bạn đọc sách trước biết thì xung phong trả lời... bạn không biết thì hối thầy mau giải thích... buổi học luôn luôn hấp dẫn như thế... Về nhà, học sinh chỉ cần đọc sách qua vài lần, điểm lại những mốc thời gian lịch sử... thế là nắm được bài. Đơn giản vì chuyện thì lúc nào cũng dễ nhớ hơn sách giáo khoa biên soạn rập khuôn, cái chính là người dạy có hồn. Giáo viên đến lớp dạy mà học sinh không thèm nghe giảng, đó là lỗi của giáo viên không biết truyền cảm hứng. Giáo viên dạy hết mình mà học sinh không chịu nghe giảng là lỗi ở học sinh. Học sinh không thèm đọc sách là lỗi của nhà soạn giáo trình. Cho ra đời những giáo viên dạy không có tâm, không đủ đạo đức là lỗi của Bộ Giáo dục. Tiền đầu tư rất nhiều  mà giáo dục không phát triển là lỗi của Nhà nước. Cái quan trọng là giáo dục lúc nào cũng đề cao thành tích, tất nhiên bỏ ra điều gì thì công trạng lôi về xứng đáng với điều đó,  treo thành tích thì dân sẽ chạy theo thành tích, nâng đạo đức thì dân biết mà sửa mình. Cần phải bỏ qua lề lối cũ, ra trường quan trọng bằng cấp - vậy thì kẻ có thể bỏ tiền ra mua bằng cấp . Thời nay chạy việc vào nhà nước dân ta đã quen với câu "money money"... thậm chí có tiền chưa chắc đã vào làm việc được, lại còn phải quen biết, có quyền, có thế. Một đất nước như vậy, lề lối như vậy, dân sống theo kiểu vậy... lại còn kêu ca sao? Cũng phải thôi, miếng cơm trước mắt chưa lo xong, sao biết nghĩ sâu xa. Khi học lịch sử mà không giúp người ta đào ra miếng cơm thì ai chịu học, khi giáo dục không giúp học sinh hiểu rằng, học lịch sử là để biết được nguồn gốc của mình, biết tình hình, biết thế, để có tầm vững mà chinh phục những điều khác.... thì mấy ai chịu khó mà học .

Bac Gu

Bình luận của bạn đọc trong chuyên mục Diễn đàn

ở bài “ Môn lịch sử: tự chọn hay bắt buộc ”

Có 2 câu trả lời của các độc giả khác cho bình luận này.:

Diệp Nguyễn : "Hay tuyệt"

Phù Thủy Toán Học   phuthuytoanhoc369@gmail.com: "Tại sao phải học lịch sử khi thi kì thi quốc gia người ta chọn toán hóa sinh hoặc toán lí tiếng Anh. Tùy theo mỗi người thôi chứ bác phán ghê gớm quá. Học bù đầu bù cổ những chuyện đã qua chi vậy, cầu mong cho nó lập lại à? Cần phải đẩy mạnh những môn khoa học tự nhiên thay vì xã hội..."

 

 

X