Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chuyện tên đường Độc Lập
(Dân trí) - Một sự tình cờ khi báo Dân trí vừa đề cập việc Hà Nội “quên” treo biển nhiều đường phố, thì một trong số đó là đường Độc Lập nằm trong lộ trình đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng (đã được nhắc nhiều trong những ngày qua).
Trải lòng từ trái tim
Nhân dịp 10/10 kỷ niệm 59 năm ngày giải phóng thủ đô, báo Dân trí đã đăng bài viết “Hà Nội day dứt những phố không tên”, trong đó đề cập việc một số quảng trường, vườn hoa, con phố ở Thủ đô... không có biển tên, cho dù thực tế nó đã có tên từ lâu rồi. Ngay sau khi đăng bài viết, đã có nhiều độc giả gửi lời chia sẻ đầy tâm huyết.
Trinh Hanh hanhphuc52@gmail.com:
“Hay quá! Cảm ơn Dân Trí đã nhắc lại những địa danh đã gắn bó thời trẻ của thế hệ chúng tôi. Đã bao ngày lứa chúng tôi ngồi đọc sách, ôn bài nơi vườn Tao Đàn ngay trước trường Tổng hợp - một vườn hoa nhỏ, nhưng xinh xắn... TP hãy treo biển tên cho nhưng đường phố, vườn hoa như ngày xưa đã treo. Không tốn kém bao nhiêu, nhưng có tác dụng rất lớn. Hãy đặt bia tưởng niệm nơi vị trí lễ đài nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, để các thế hệ mai sau có thể hiểu được lịch sử dân tộc mình”.
Duyên Duyennamson@gmail.com:
“Rồi đến ngày có khi không mấy ai còn biết chính xác lễ đài nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 nằm ở vị trí nào trên quảng trường Ba Đình, nếu ngay bây giờ chúng ta không có lấy một tấm biển đồng hay bia đá xác định vị trí của lễ đài để các thế hệ mai sau còn biết được vị trí lịch sử này. Nếu chậm, các nhân chứng sống lần lượt qua dời, sẽ không còn ai biết chính xác lễ đài năm ở đâu. Lo nhất khi đó sẽ có nhiều người đứng ra tranh cãi về vị trí thực của lễ đài mà họ không được trực tiếp chứng kiến”.
Trung ngatrunghung@gmail.com:
“Biết bao người Hà Nội trẻ khi được hỏi vườn hoa Diên Hồng ở đâu đều ngơ ngác không trả lời được, nhưng nếu hỏi vườn hoa Con Cóc ở đâu thì họ nhớ ngay. Không thể trách họ được, khi họ nhớ đến những con cóc phun nước ở một vườn hoa đẹp, mà không ai chỉ cho họ đây là vườn hoa mang tên hội nghị Diên Hồng - nơi vua tôi nhà Trần cùng đồng lòng chiến đấu và quyết chiến thắng đế quốc Nguyên Mông giữ yên bờ cõi. Lỗi này thuộc về chính quyền TP Hà Nội!”
Nguyễn Văn Nam nanitanaive@yahoo.com:
“Bài viết rất hay, lãnh đạo UBND Hà Nội cần đọc bài này. Hà Nội có hẳn một cơ quan chuyên trách đặt tên các đường phố, nhưng không hiểu tại sao tại thành phố ngàn năm văn hiến này vẫn còn nhiều đường phố chưa có tên hoặc tên không phù hợp. Hà Nội phải là địa phương đi đầu cả nước trong việc đặt tên phố, vườn hoa, quảng trường…”
Và còn rất nhiều dòng tâm sự được gửi tới Dân trí, xuất phát từ tấm lòng của rất nhiều người yêu Hà Nội, đặc biệt là những người đã từng trải qua “một thời đạn bom, một thời hòa bình” - thế hệ có nhiều kỉ niệm gắn với những địa danh thiêng liêng không thể nào quên ấy...
Tên đường Độc Lập và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một sự tình cờ, trong số các con đường “quên” đặt biển tên đó, có một con đường mà trong những ngày gần đây liên tục được nhắc đến. Đó là đường Độc Lập nằm ở phía trước hội trường Ba Đình. Con đường nối từ ngã 5 trước Bộ Ngoại giao đến phố Hoàng Văn Thụ.
Sở dĩ con đường này được mọi người chú ý nhiều hơn là bởi nó nằm trong lộ trình đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên về nơi an nghỉ cuối cùng...
Nhiều người cho biết, có lẽ nhờ cái “duyên” mà linh cữu Đại tướng đã đi qua con đường này lần cuối và rồi sau đó đã được các phương tiện truyền thông đăng tải, mà họ biết đến có một con đường mang tên Độc Lập. Thậm chí ngay cả những người đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội từ cách đây cả nửa thế kỷ, thì do thời gian cũng đã khiến cái tên ấy rơi vào quên lãng.
Không cần giải thích nhiều thì người dân có thể hiểu ý nghĩa của sự sắp đặt tên đường Độc Lập ở phía trước quảng trường Ba Đình. Đây chính là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhân dân ta đã chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945…
Bài và ảnh: Lan Thanh