Đại hồng thủy tại Bangkok - ẩn họa với VN
(Dân trí) - Trông người lại ngẫm đến ta. Trận đại hồng thủy đang hoành hành tại thủ đô Bangkok, Thái Lan càng khiến dư luận VN lo ngại hơn về mối đe dọa vốn được cha ông ta tổng kết là đứng thứ nhất trong 4 đại họa với cuộc sống: “thủy, hỏa, đạo, tặc”.
Những thông tin liên tiếp về trận lụt lịch sử ở nước láng giềng Thái Lan kể từ năm 1970, kéo dài suốt hơn 3 tháng qua, làm ngập 61/77 tỉnh thành, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của 8,2 triệu người... tuy rất nóng nhưng xem ra cũng không xa lạ với bạn đọc VN. Bởi cùng lúc, lũ lụt, triều cường kỷ lục tại TPHCM và các tỉnh miền Tây nước ta cũng gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
Đặc biệt, TPHCM vừa trải qua đỉnh triều cường cao nhất lịch sử quan trắc trong nửa thế kỷ qua, khi mực nước trên sông Sài Gòn bất ngờ dâng lên tới 1m57 do hàng loạt khu vực bị bể bờ bao, tràn bờ gây ngập úng kéo dài từ tối 29 đến trưa 30/10.
Nguyên nhân trận lụt lịch sử ở nước láng giềng Thái Lan, theo phân tích của giới khoa học, cũng tương tự như những gì đã dẫn tới tình trạng ngập lụt do triều cường và lũ lụt ở nhiều vùng nước ta. Đó là do khai thác nước ngầm và xây dựng tràn lan gây ra tình trạng lún sụt. Cộng thêm lượng nước dồn về do mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn, và sâu xa hơn là tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đại hồng thủy tại Bangkok càng làm tăng thêm lo ngại về đại họa “Thủy” với TPHCM, bởi thành phố này có những đặc điểm tương tự như Bangkok cả về vị trí (ở hạ lưu sông lớn, nhiều nơi trong thành phố thấp hơn mực nước biển và bị lún hàng năm do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát); dân cư (đông); tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; cùng có chung tình trạng gây ngập lụt là mưa, thủy triều và lũ từ thượng nguồn. Tuy nguy cơ có ít hơn, nhưng khả năng phòng của chúng ta chắc chắn không thể bằng nước bạn.
Thái Lan với kinh nghiệm hơn một thập niên qua đã giải quyết cơ bản ngập lụt với thủ đô Bangkok nhờ hệ thống đê bao và rất nhiều trạm bơm điện, nhưng lần này thảm họa vẫn xảy ra do lũ thượng nguồn đổ về quá lớn, lại được cộng hưởng thêm bởi triều cường. Đồng thời còn một lý do nữa mà nghe ra cũng có phần giống như tình trạng ở ta. Đó là công tác dự báo lũ lụt vẫn chưa theo sát thực tế, khiến nhiều nơi cả chính quyền và người dân còn chủ quan nên trở tay không kịp với diễn tiến quá nhanh của “Thủy tặc”.
Theo giới chuyên môn, bên cạnh những lý do khách quan từ sự bất thường của thiên nhiên, còn có những nguyên nhân từ chính con người gây ra. Điều này cũng được bạn đọc VN nhấn mạnh qua các ý kiến phản hồi gửi tới Dân trí trước những thảm họa thiên nhiên tương tự xảy ra ở nước ta thời gian qua.
Theo giới chuyên môn, VN là 1 trong 5 nước trên thế giới chịu tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên toàn cầu lên dân sinh và sinh kế. Hơn 2/3 dân số Việt Nam ở những vùng đất có độ cao dưới 10m so với mực nước biển và hầu hết nằm ở vùng hạ nguồn các con sông lớn hoặc gần vùng ven biển. Do vậy, đại hồng thủy như ở Bangkok hiện nay không thể loại trừ với Hà Nội, TP.HCM và một số nơi ở ĐBSCL.
Và cũng như nhiều ý kiến bạn đọc đã nêu rõ, các nhà hoạch định chính sách phát triển của ta cần xem xét lại, sao cho công tác quy hoạch của VN phải có tầm nhìn xa hơn ít nhất là từ 30-50 năm chứ không phải chỉ ở các tầm ngắn hoặc trung hạn thiếu tính bền vững như hiện nay.
Khánh Tùng