“Đại biểu cứ phát biểu, tranh luận nhưng không biết có được tiếp thu không"
Chỉ ra những bất cấp trong công tác làm luật hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đặt dấu hỏi về sự cầu thị của cơ quan soạn thảo luật trong việc tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội.
“Lãng phí nguồn lực trí tuệ của nhân dân”
Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại buổi thảo luận, những vấn đề về tuổi thọ của các luật, bộ luật ở Việt Nam chưa cao; sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau… là những bất cập liên quan đến công tác xây dựng pháp luật được đại biểu Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ nguyên nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), việc bổ sung, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này là cần thiết. Bởi thực tế cho thấy, công tác xây dựng luật và pháp lệnh trong thời gian vừa qua dù có chuyển biến tích cực, khắc phục được một số bất cập, tuy nhiên tính hiệu quả chưa thấy rõ.
“Tôi cho rằng nguyên nhân chính của vấn đề này cần phải đặt ra là xuất phát từ năng lực xây dựng các dự thảo luật của cơ quan chủ trì. Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới”- đại biểu Quyết Tâm nói.
Đại biểu Đoàn TP.Hồ Chí Minh cũng nêu ra vấn đề sự cầu thị của cơ quan soạn thảo, lẫn cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân.
Đại biểu Tâm cũng dẫn ví dụ để chỉ ra bất cập trong công tác làm luật ở Việt Nam hiện nay. Khi xây dựng dự án luật, có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến nhân dân được tổ chức; đại biểu Quốc hội cũng phát biểu, tranh luận nhưng cuối cùng không biết ý kiến được tiếp thu không.
“Việc này không được phân minh. Nên nó lãng phí nguồn lực trí tuệ của nhân dân rất lớn, của cả đại biểu Quốc hội nữa. Đại biểu cứ phát biểu, từ thảo luận ở tổ đến hội trường, cứ tranh luận để làm rõ vấn đề nhưng cuối cùng đến phần tiếp thu thì cơ quan chủ trì đọc văn bản được soạn sẵn. Đại biểu có quyền hoài nghi là văn bản này được soạn từ khi nào, có phải trước khi đại biểu phát biểu hay không, hay có cơ quan nào nhạy bén, đại biểu vừa phát biểu vừa soạn thảo. Nhưng nếu vừa soạn thảo thì tại sao phần tiếp thu không ăn nhập gì với các ý kiến, sự tranh luận của đại biểu?
Vậy sự cầu thị, thực chất trong việc tiếp thu, ý kiến chính kiến, trí tuệ của đại biểu Quốc hội mà nhân dân gửi gắm vào đại biểu, rất tâm huyết phát biểu tại diễn đàn này có được tiếp thu hay không?”- đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.
Tiếp tục dẫn một ví dụ rất cụ thể về việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi ngày 20.11, đại biểu Tâm nói: “Chính kiến của đại biểu và thực tiễn đặt ra yêu cầu đối với giờ làm việc bình thường phải được kéo xuống, nhưng cơ quan soạn thảo cho rằng chưa đánh giá được tác động. Lần trước thông qua luật này đã có ý kiến vấn đề này rồi, lần này Quốc hội tiếp tục có ý kiến nhưng lại nói chưa có đánh giá tác động. Tôi cho rằng như vậy là thiếu trách nhiệm với Quốc hội và với người lao động”.
Từ những bất cập này, bà cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần quy định rõ cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm tới cùng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và phải thể hiện sự cầu thị.
Minh bạch nút bấm của đại biểu
Còn đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) nói đến việc minh bạch trong nút bấm của đại biểu Quốc hội khi quyết định bấm nút thông qua các bộ luật.
“Hiện không ai biết ai có quan điểm thế nào, người dân hoàn toàn không biết thái độ của đại biểu mình bầu ra có đồng thuận với mình không, để mình tín nhiệm hay không tín nhiệm” - ông nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai).
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) kiến nghị, để giải quyết những bất cập trong công tác làm luật, về lâu dài, có thể tham khảo cách làm của Quốc hội một số nước. Chẳng hạn, bên cạnh Ủy ban Pháp luật nên chăng Quốc hội có một cơ quan xây dựng pháp luật gồm các chuyên gia giỏi về các lĩnh vực để giúp Quốc hội có thể thiết kế, hoàn thiện dự thảo luật, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp và bảo đảm hiệu quả trong công tác lập pháp.
Theo Đặng Chung - Cao Nguyên
Báo Lao động