Đà Nẵng những ngày "phong tỏa": Thứ gì đáng sợ hơn Covid-19?
Định kiến, sự chủ quan, nỗi sợ hãi, tâm lý hoang mang hay những mưu cầu trục lợi cá nhân... khiến cuộc chiến chống Covid-19 trở nên cực kỳ gian nan.
May thay, trên con tàu mang tên Đà Nẵng, vẫn hiện hữu nhiều điều tốt đẹp để hàng triệu con người chung một niềm tin cùng nhau vượt qua cơn đại dịch.
Từ 0h ngày 28/7, Đà Nẵng thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nói nôm na, Đà Nẵng "bước vào mùa Covid" lần thứ 2 trong năm. Cuộc chiến lần này khác rất nhiều so với lần đầu, độ khó và phức tạp được nâng lên một tầm mới. Bộ Y tế cũng khẳng định, chủng virus SarS-CoV-2 lần này "dữ dằn" hơn lần trước...
Kể từ đêm 23/7, khi kết quả xét nghiệm lần đầu dương tính đối với BN 416, tính đến trưa nay, Đà Nẵng đã có thêm 13 ca nhiễm Covid-19 với lịch sử đi lại, gặp gỡ của những người này trước khi nhiễm khá chằng chịt. Hàng ngàn người khắp nơi, từ người dân Đà Nẵng đến các du khách tới thành phố này trong những ngày qua đã được đưa vào diện F1,2,3.
Nguồn lây nhiễm ban đầu, tức là F0 hiện ở đâu? Câu hỏi này vẫn bỏ ngõ cho đến nay, càng gây thêm tâm lý hoang mang nhất định cho người dân Đà Nẵng. Có một sự trùng hợp, đến giờ vẫn chưa xác định là ngẫu nhiên hay không, khi vài ngày trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam và Công an TP. Đà Nẵng đồng loạt phát hiện đường dây đưa người Trung Quốc trái phép xâm nhập Việt Nam. Thủ phạm được xác định cầm đầu người Trung Quốc đã bị bắt, nhiều người trong đường dây đã đưa vào diện cách ly.
Theo thông tin điều tra từ phía công an, rất khó để những người Trung Quốc "độc lập tác chiến" nếu muốn nhập cảnh trái phép thành công. Phải có sự tiếp tay của chính người Việt Nam, vì mưu lợi cá nhân, vì những đồng tiền kiếm được từ các "phi vụ" họ bất chấp tất cả. Những nhà nghỉ, khách sạn chứa chấp không khai báo, những chuyến xe "chui" chở người Trung Quốc vào ra Đà Nẵng - Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) bất chấp thông tin về đại dịch Covid-19 ở khắp nơi trên thế giới ngồn ngộn trên báo chí, mạng xã hội. Đến bây giờ, nghi ngờ F0 đến từ những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vẫn còn bỏ ngỏ.
Những ngày qua, hàng chục ngàn du khách vội vã rời khỏi Đà Nẵng, mỗi người, mỗi đoàn đều mau chóng muốn có một tấm vé trở về nhà. Và thật tiếc là một vài trường hợp lựa chọn cách đi "chui" nhằm mục đích trốn khai báo, tránh cách ly. 30 người nằm trong diện phong tỏa ở BV Đà Nẵng bằng một cách nào đó đã vượt ra ngoài, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng.
Vì sao lại thế? Tâm lý hoang mang, nỗi sợ hãi từ một con virus không rõ hình hài khiến đám đông trở nên kỳ thị, định kiến với bệnh nhân Covid-19, bất chấp tất cả, mặc kệ nỗ lực của chính quyền để tạo cho mình một vỏ bọc an toàn. Covid-19, hay con virus chủng mới vô cùng đáng sợ, nhưng vượt lên trên, sự sợ hãi, vị kỷ, thiếu trách nhiệm và hơn nữa là mưu cầu trục lợi cá nhân... còn đáng sợ hơn.
Đáng sợ là bởi, nếu những điều này trở nên phổ biến, cuộc chiến chống Covid lần này sẽ "lành ít dữ nhiều". May thay, trên "con tàu" Đà Nẵng, còn quá nhiều "tay chèo" vững chắc để chúng ta tin tưởng vào những điều tích cực
Đó là hình ảnh du khách xếp hàng trật tự, nghiêm túc chấp hành đo thân nhiệt, không chen lấn ở sân bay, bến xe, nhà ga tàu lửa để rời Đà Nẵng trong những ngày qua; hình ảnh những y bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ chính quyền, phóng viên báo chí, công an... "cháy" hết mình vì nhiệm vụ, bất kể ngày đêm khiến người dân Đà Nẵng vừa thương, vừa được ấm lòng.
Một nhân viên y tế ở BV Đà Nẵng, trong những ngày qua buộc phải cách ly, đã không thể trở về chịu tang chồng. Còn nỗi đau nào hơn? Nhưng vì Covid, chị vẫn phải chấp nhận nuốt nước mắt vào trong, tiễn biệt chồng bị tai nạn trong xa cách. Nếu chị trốn viện về đưa tang chồng thì sao? Cả một xóm sẽ bị cách ly và không biết điều gì xảy ra sau đó. Theo tôi, dù thế nào, những sự hy sinh như thế này là quá lớn.
Trên FB của một anh đồng nghiệp, với hình ảnh đoàn bác sĩ bước vội, anh đã viết thế này: Đây là những bác sĩ đến từ hai bệnh viện lớn nhất nước là Chợ Rẫy và Bạch Mai. Họ đã hành quân đổ về vùng “rốn dịch” trong những ngày qua với một quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi - những công dân của TP bên sông Hàn sẽ không thể nào bước đi nhanh vội như các anh chị, ngược lại chúng tôi sẽ đứng yên để TP sớm bình yên. Trân quý sự hiện diện của những thiên thần áo trắng. Hình ảnh này, không cần ngôn từ nào diễn tả.
Trên Facebook, khi nói về Covid-19 ở Đà Nẵng giờ đây đã ít đi những động từ mạnh như "toang", "vỡ trận"..., thay vào đó là những lời động viên chia sẻ, những status, hình ảnh khiến triệu người cùng hướng tới một niềm tin chiến thắng.
TP Đà Nẵng từ khi tôi sinh sống, trải qua vô số "kiếp nạn", từ thiên tai dịch bệnh tới những "rung lắc" dữ dội ở hệ thống chính quyền mấy năm gần đây. Còn nhớ năm 2006, khi những giọt nước mắt tang thương mà cơn bão Chan Chu tháng 5 để lại chưa tan trên vành khăn trắng, đến tháng 10 thành phố lại hứng chịu siêu bão Xangsane bình địa. Trải dài sau nhiều "cơn bão" khác, mới đây lại tới những rúng động vì lần lượt các cán bộ, cựu cán bộ phải hầu tòa. Thế nhưng rồi vẫn vượt qua!
Một trong những hình ảnh ấn tượng hôm nay trên mạng xã hội có lẽ là con tàu Đà Nẵng với lời cầu chúc thành phố vượt qua cơn bão tố. Tôi chợt nhớ tới con tàu treo lá cờ vàng trong tác phẩm kinh điển "Tình yêu thời thổ tả" của văn hào Gabriel Garcia Marquez. Ở đó, Florentino Ariza cùng với Fermino Daza dù đã già nua, vẫn cùng dong chiếc tàu ngược xuôi trên dòng sông để sống cuộc sống của riêng mình. Không sợ hãi, không định kiến. Trên con tàu có bệnh thổ tả ấy, Ariza, với tinh thần điềm tĩnh và tình yêu dũng cảm của ông, tin rằng cuộc sống, chứ không phải cái chết mới là không có giới hạn.
Những nỗi sợ hãi vượt lên trên thứ đáng sợ như Covid-19, đã, đang và sẽ len lỏi đâu đây, nhưng bằng niềm tin, đoàn kết và nỗ lực tột cùng, chúng ta sẽ lại chiến thắng.