Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Bác và thực hiện Di chúc của Người
Cuốn sách đặc biệt trong tủ sách của gia đình tôi
(Dân trí) - Trong tủ sách gia đình tôi có một cuốn sách đặc biệt, bìa màu nâu, đã nhuốm màu thời gian, có tựa đề “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản năm 1969. Cuốn sách đó ông nội tôi cất cẩn thận trong hộp gấm đỏ.
Sách gồm 47 trang giấy khổ 9x13. Lật mở trang đầu tiên là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969). Sách gồm 3 phần: Phần 1 là “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” cùng ảnh chụp bút tích viết tay của Bác. Phần 2 là “Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam”. Phần 3 là “Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ Tịch”.
Tôi nhớ khi anh chị em tôi còn nhỏ, ông nội tôi thường nhắc rằng: Cụ Hồ có công rất lớn với dân tộc ta, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân, độc lập tự do cho dân tộc. Ông tôi kể về nạn đói năm 1945, người chết đầy đường. Gia đình tôi có 1 ao dọc khoai nước để nuôi lợn, đêm nào cũng có người mò xuống, moi dải khoai đem về nấu cháo chống đói. Ông đều biết nhưng dặn bà để yên cho họ lấy, coi đó là một cách làm phúc. Rồi Việt Minh hô hào phá kho thóc, đứng lên diệt ác trừ gian. Ông tôi bảo con cháu tham gia hưởng ứng… Ông kể say sưa, hồi tưởng, đôi lúc mắt ngấn nước, xúc động. Bọn trẻ con chúng tôi như nuốt lấy từng lời.
Rồi ông lại nói về những ngày mùa thu năm 1969, trời mưa tầm tã. Khi nghe tin Cụ Hồ qua đời, tất cả mọi người đều khóc. Ở sân đình làng nào cũng tổ chức truy điệu. Từ già trẻ lớn bé đều dự. Mỗi người đeo 1 mảnh băng đen trên ngực. Trước bàn thờ khói hương nghi ngút, tấm ảnh Bác hiền từ, nhân hậu, ai nấy đều xúc động nghẹn ngào, cúi đầu vĩnh biệt Người. Cuốn sách màu nâu trong tủ sách gia đình tôi có từ sau Lễ truy điệu ấy.
Bố tôi nhớ lại: Lúc truy điệu, và nghe qua làn sóng phát thanh giọng đọc xức động của đồng chí Lê Duẩn, mọi người đều khóc như mưa. Có những câu, những đoạn, ai ai cũng thuộc lòng: “Tổn thất này thật là lớn lao. Đau thương này thật là vô hạn”. “Biến đau thương thành hành động…”. “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề…”
Năm 1969, tôi chỉ lá một cô bé 3 tuổi, nhưng tôi vẫn thuộc 1 đoạn thơ Trần Đăng Khoa khóc Bác:
“Cháu buốt ở trong tim này
Chỗ đeo băng, suốt đêm ngày, Bác ơi!
Cháu không khóc được thành lời…”
Tất cả những ký ức ấy theo tôi suốt cuộc đời. Sau này khi trở thành cô giáo, tôi đem nguồn “vốn” ấy vào bài giảng văn học, và điều đó giúp tôi hoàn thành bài giảng tốt hơn.
Suốt 50 năm qua, cuốn sách màu nâu ấy được gia đình tôi giữ gìn như một báu vật. Bên cạnh cuốn Di chúc của Bác, tôi đặt cuốn “Những điều Đảng viên không được làm” để tự nhắc nhở bản thân. Tôi coi đó là những cẩm nang để định hướng cho mình. Hai cuốn sách ấy nhắc tôi giữ vững lập trường, là động lực giúp tôi giải quyết tốt hơn mỗi khi gặp khó khăn trong công việc.
Thấm thoắt 50 năm đã trôi qua. Hôm nay, cả nước chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày mất của Bác và thực hiện Di chúc của Người, tôi lại rưng rưng khi lật mở từng trang của cuốn sách mỏng màu nâu trong tủ sách. Khi Bác mất, tôi chỉ là một cô bé 3 tuổi, bây giờ đã trở thành nhà quản lý giáo dục, nhưng ký ức về mùa thu năm 1969 qua lời kể của lớp người đi trước vẫn đọng lại trong tôi, không phai mờ.
Tôi nguyện lấy nội dung Di chúc của Bác làm kim chỉ nam cho hành động của mình ở mọi lúc mọi nơi. Cuốn Di chúc của Người mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta, tiếp thêm sức mạnh để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Người hằng mong muốn. Làm theo lời dạy của Người, chúng ta cùng thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh" mà Đảng ta đã đề ra.
Diễm Nguyệt