Cuộc chiến không cân sức: Lãng phí - ngân quỹ

(Dân trí) - Cùng với rất nhiều cảnh báo, phân tích của đại biểu Quốc hội được đưa ra trong phiên thảo luận về dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 18/6, cử tri cả nước nhấn mạnh thêm về những góc khuất của tệ lãng phí thông qua các dẫn chứng cụ thể.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Xài tiền kiểu “…đốt nhà táng giấy”

 

Nhận xét đó được rất nhiều bạn đọc đưa ra mỗi khi đề cập tới cách làm việc “kiểu VN” phổ biến ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương…Tình trạng xây rồi sửa, phá dỡ rồi lại xây…xảy ra liên tục tại một đất nước còn nghèo như VN, quả thật khiến cho không chỉ người dân VN mà cả người nước ngoài nhiều khi cũng phải lên tiếng vì đau lòng, xót ruột. Nhìn rộng ra các nước  bạn, càng cay đắng thêm bao nỗi niềm…

 

“Rất đúng, VN chúng ta vẫn quá lãng phí, nhất là tình trạng cứ xây rồi đập liên tục....Rất phí tiền mà sao không tận dụng vào những công trình khác?” - Mai Thương: thienthantimtinhyeu_dk@yahoo.com

 

“Tại sao các nước họ chống lãng phí tốt như thế mà ta thì không? Theo tôi, đó là bởi các nhà quản lý giỏi biết khai thác khả năng chuyên môn của mỗi người, bởi họ biết sử dụng người tài, tài giỏi từ người quản lý đến người thực hiện, làm gì chắc đó, không tạm bợ… Hơn nữa họ kiểm soát tốt, không ‘đánh trống bỏ dùi’ như thường thấy ở ta…” - Nguyen The Truong: truongda@yahoo.com

 

“Tôi thấy là lãng phí trong xây dựng công trình giao thông, thủy lợi là rất lớn vì có những hạng mục công trình không cần kíp làm lắm, nhưng nhà thầu và chủ đầu tư vẫn muốn làm để lấy sản lượng… Nói chung là rất lãng phí” - Bui Huy: buidinhsam02@mail.com

 

“Các bác tiêu tiền ‘chùa’ thì chả bao giờ thấy tiếc, cứ dựng lên rồi phá đi mà chả biết tiếc của giời. Ví dụ như cái cầu đi bộ gần hồ Ngọc Khánh mới sử dụng được hơn 1 năm, lại dỡ đi làm cầu vượt ngã tư Kim Mã - Daewoo. Ừ thì bỏ cái nhỏ để lo cho cái lớn hơn, nhưng sao các bác không tính đường mà quy hoạch trước đi! Hay đơn giản thôi, cái đoạn ngách nho nhỏ chỗ tôi ở  mới đổ bê tông cách đây 1 tháng, tuần vừa rồi lại đào tung lên để đặt ống gì gì đó. Chả hiểu các bác giao thông làm ăn kiểu gì? Có nhất thiết phải tiêu tiền kiểu đó không? Dân nhìn thấy hết nhưng cũng chỉ biết lắc đầu: Cứ thế này thì đất nước còn nghèo!!!” - Đỗ Kiều Ngân: dokieungan87@gmail.com
 
(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)

 

Chuyện nhỏ mà không nhỏ

 

Và với phần đông bạn đọc, liên tưởng gần nhất là với đề xuất 100 tỉ đồng lắp đặt hệ thống biển báo giao thông mới. Đây là một trong những thông tin gây sốc dư luận nhất trong tuần, với rất nhiều câu hỏi nghi vấn song song với những bài học kinh nghiệm đã được rút ra, để gióng thêm nhiều hồi chuông cảnh báo:

 

“Cũng giống như việc lắp đặt barie dọc hai bên QL51 ấy thôi, tốn bao nhiêu tiền của nay lại tháo bỏ” - Huỳnh Danh:  danhpostdn@yahoo.com.vn

 

“Sao chỉ thấy xin tiền để làm mới và tháo dỡ, mà không thấy đề cập đến việc tận dụng cái cũ? Những biển báo không phù hợp thì sửa lại, đâu có tốn bao nhiêu tiền. Đề xuất này có chống lại chủ trương thực hành tiết kiệm không? Dân khổ lắm rồi! Đừng lãng phí nữa, các vị ơi! Hãy cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để dân nhờ một chút!” – Viet Lam:  tulam_travinh@yahoo.com.vn

 

 “Điều chỉnh hệ thống biển báo theo cam kết quốc tế ư? Vậy xin hỏi các bác thế đường bộ của mình đã xứng tầm quốc tế chưa, mà đua đòi theo quốc tế? Đường vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, sao không để tiền đấy mà làm đường cho đàng hoàng? Vẫn chỉ khổ người dân thôi, có ai hiểu cho dân không vậy?” - Hùng Thuận:  hay_yeu_anh7@yahoo.com

 

“Trong kinh phí làm đường đã có cả hệ thống biển báo rồi, sao bây giờ lại cấp tiền làm biển báo???? Ai làm biển báo chưa hợp quy chuẩn, sai, không phù hợp..... thì phải bỏ tiền cá nhân ra mà làm lại chứ” -  Lê Chung: chip9697@yahoo.com.vn

 

“Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đa số các bạn, đồng thời cũng đề nghị với nhà nước những việc như thế này thì phải bắt buộc đấu thầu công khai. Sau đó cũng bắt buộc phải thông tin lên báo chí về quy mô, chất lượng, giá thành... Có vậy mới có thể không bị đội giá tới năm sáu lần giá thực (như vụ xây nhà vệ sinh gần 600 triệu của ngành giáo dục ở Quảng Ngãi) đó” - Lê Gia Lộc:  legialoc66@gmail.com

 

 “Biển báo giao thông ở nước ta thật quá bất cập. Có chỗ thì biển quá khuất tầm nhìn, có chỗ biển lại quá nhỏ. Tôi ví dụ trên đường cao tốc nhiều điểm rẽ biển quá nhỏ, chữ cũng nhỏ. Khi chạy xe người lái xe cứ phải căng mắt ra nhìn, thật khổ!” - Đào Mạnh Hưng:  dao.manhhung@yahoo.com.vn

 

“Trăm tỉ… xin đừng cho! Với tình hình giao thông như hiện nay, có thể nói nếu tập trung vào nhìn biển báo thì rất có thể gây tai nạn, mà nếu chỉ chú ý an toàn thì vi phạm luật ngay lập tức. Các biển báo của chúng ta rất khó quan sát, mà các bác công an nhà ta rất tinh trong việc phát hiện lái xe mắc lỗi nhé. Song trăm tỉ có giải quyết được các biển báo rõ ràng như ngay ở nước láng giềng TQ không nhỉ? Mong mọi biển báo đều được cắm  rõ ràng, minh bạch như vốn dĩ nó phải thế” - Cong: congbmc@gmail.com

 

“Một tấm biển báo phản quang trị giá 350.000 đồng; một ống sắt D=80mm, dày 1,4mm, dài 2,4m khoảng 150.000đ. Tổng 1 bộ là 500 nghìn đồng. Vật liệu móng + công khoảng 100.000đ. Vậy tổng cộng 600 nghìn đồng cho 1 bộ biển báo, 100 tỷ đồng sẽ trồng được 166.667 bộ biển báo. Nếu trồng mới trên 2.000km đường quốc lộ 1A từ Bắc chí Nam, thì cứ 12m sẽ trồng 01 bộ biển báo. Có lẽ mật độ này dày hơn mật độ... trồng cây xanh đô thị (8m/cây)??? >>> Thế tiền bán biển báo cũ sẽ làm gì???” - Nguyễn Khang:  xucxactinhyeu191@gmail.com

 

Nhìn vào cách ăn tiêu nói chung ở VN, đến nhiều vị khách quốc tế cũng phải ngạc nhiên vì không tin nổi một đất nước còn nghèo lại thừa mứa sự lãng phí như vậy, nhất là lãng phí của công. Đó là trong con mắt của họ, còn với cách tư duy của nhiều người VN mình, có lẽ nghèo mấy thì cũng cứ phải xài sang (tiền không phải do mình cực khổ làm ra). Đặc biệt là khi từ đó họ mới có cái gọi là “hoa hồng” để thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao…”

 

Kiều Anh