“Cuộc chiến” giành vỉa hè: có điều đang băn khoăn

(Dân trí) - Biết là như thế; nhưng vì sự đi lên của cả thành phố, cả đất nước này mà với sự hỗ trợ của cộng, cá thể chúng ta hãy tìm cách khắc phục. Chả nhẽ vì cá thể mà để thành phố nhếch nhác, lộn xộn mãi hay sao?!


Tủ bán hủ tíu của cô Trần Ngọc Mỹ với một chiếc bàn ăn và 4 chiếc ghế ngồi là cần câu cơm của cả gia đình.

Tủ bán hủ tíu của cô Trần Ngọc Mỹ với một chiếc bàn ăn và 4 chiếc ghế ngồi là cần câu cơm của cả gia đình.

>> “Cuộc chiến” giành vỉa hè: Tâm sự của những gánh hàng rong

Bạn đọc Ngoc Hai fb_google@openid.com viết: “Tôi 100% tán thành việc xoá bỏ các hạng mục lấn chiếm vỉa hè,lòng đường. Vì một môi trường văn minh, sạch, đẹp rất cần động thái quyết liệt như vậy!”

Bạn đọc Phu Nguyen ngày 07/03 viết: “Nhân dân luôn đồng hành ủng hộ bác Hải PCT Quận1, chúc bác luôn khỏe mạnh vững chí tiếp tục vì dân phục vụ”.

Bạn đọc Trác Đông Lai ngày 10/03 viết: ‘Tôi rất ủng hộ cách làm của ông Nguyễn Đức Chung vì cách nhìn tổng thể: quy hoạch, tuyên truyền, phổ biến rồi xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm vỉa hè, lòng lề đường”.

Báo Dân trí thăm dò ý kiến 13689 bạn đọc cũng nhận được sự đồng tình với kết quả sau

Kết quả bình chọn

Xử lý quyết liệt, liên tục các vi phạm

71.33%

Không cần biện pháp mạnh, tuyên truyền là chính

1.94%

Kết hợp tất cả các cách làm khác nhau

26.73%

Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” giành lại vỉa hè, một vấn đề được nhiều bạn đọc băn khoăn và dành nhiều bình luận như bạn đọc Trần Mỹ Xuyên ngày 08/03 trăn trở: “Không lấy lại vỉa hè thì lấn chiếm lề đường gây mất trật tự , người đi bộ ko có lối đi phải đi dưới làng đường rất nguy hiểm, còn lấy lại đc vỉa hè cho ng đi bộ thì sẽ làm rất nhiều người sẽ mất việc, mất đi nguồn thu nhập nguồn sống của mọi người vì đây là miếng cơm manh áo cho cả nhà họ. Vì vậy tốt nhất nên khảo sát tạo công ăn việc làm cho những người đó để họ chuyển sang nghề khác để có thu nhập và đồng thời cũng lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ.”

Về vấn đề này, bạn đọc Thức ngày 10/03 cũng trăn trở: “Nền kinh tế nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào vỉa hè bị xóa đi. Những người lao động nhỏ giờ biết sống bằng nguồn thu nào nhỉ?”

Cùng với trăn trở của bạn đọc Trần Mỹ Xuyên, Bạn đọc Hagiang ngày 13/03: “Đó là việc làm đúng, nhưng có biết bao nhiêu dân nghèo chỉ bám vào lấy ngồi vỉa hè để kiếm tiền nuôi con ăn học, giờ dẹp hết thì lấy tiền đâu ra. Đất chật người đông, thuê nhà cũng khó. Tôi có bà dì bán hàng ở vỉa hè Hà Nội giờ dẹp không cho bán mấy ngày nay chẳng có tiền, đi tìm thuê nhà bán hàng thì đắt đỏ, chẳng biết làm gì ra tiền. Đã khổ giờ lại càng khổ thêm.”

Và bạn đọc Nguyễn Khắc Đức ngày 08/03 mong muốn: “Dẹp vỉa hè phố là đúng rồi nhưng chính quyền địa phương cũng phải nghĩ ra một cách nào đó để tạo công ăn việc làm cho những người dân thực sự khó khăn...”

Tuy nhiên, có những bạn đọc bác bỏ những băn khoăn trên, như Bạn đọc Võ Thảo Ngân ngày 13/03: “Suy nghĩ của bạn thật hạn chế. Vấn đề nào cũng có 2 mặt, chỉ nhìn 1 mặt thiển cận như bạn thì luôn luôn đi xuống. Còn người dân họ phải tự thay đổi để phù hợp với cuộc sống ngày càng văn minh hơn, đó là quy luật!”

Cũng vậy, bạn đọc Lâm Nguyễn ngày 10/03 viết: “Cứ kêu mất vỉa hè thì gia đình tôi sống bằng cái gì ? Tôi nuôi 10 đứa con nhỏ .v.v. Nhìn về mặt tích cực, nhiều người lao động nghèo vẫn sống tốt bằng chính những công việc chính đáng, làm ruộng đồng ở các vùng quê tỉnh lẻ. Cái lợi nhuận từ doanh thu quán cóc vỉa hè quá lớn đã làm rất nhiều ng bỏ hết các công việc vất vả ở quê nhà mà lao đầu vào các thành phố để sống. Vì cái khéo lý đấy cũng góp phần làm cho Hà Nội ùn tắc đông đúc đáng sợ như ngày nay, Ai ai cũng như vậy thì bảo sao Hà Nội không đông đúc chật ních ra”.

Còn bạn đọc Nguyen Dinh Dộ ngày 08/03 viết: “Biết là như thế; nhưng vì sự đi lên của cả thành phố, cả đất nước này mà với sự hỗ trợ của cộng, cá thể chúng ta hãy tìm cách khắc phục. Chả nhẽ vì cá thể mà để thành phố nhếch nhác, lộn xộn mãi hay sao?!”

Để giải quyết vấn đề này, bạn đọc Đặng Minh ngày 08/03 cho rằng: “Cần phân biệt rõ ràng:thế nào là bán hàng rong. Không nên cấm khi một người gánh một gánh rau đi bán dọc một tuyến phố bình thường, nhưng không thể cho phép một người bày ra một quán nước trên vỉa hè. Nếu đã là LUẬT thì phải nghiêm minh không phân biệt già ,trẻ, sang, hèn, dân hay quan đều phải chấp hành, trước pháp luật mọi người đều BÌNH ĐẲNG - người nghèo đòi kiếm cơm, nhà giàu muốn để xe cho tiện… cứ như thế thì làm vỉa hè để làm gì, luật pháp có còn là luật pháp?”

VÀ bạn đọc Bui Ta Vinh ngày 05/03 mong muốn “Tôi đồng ý với câu nói của ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận 1 TP: HCM nói “không cá nhân,tổ chức nào đứng trên pháp luật" tôi cũng rất tâm đắc với ông Hải là sẽ tạo điều kiện cho 500 người nghèo bán hàng rong có chổ để mua bán mưu sinh, là việc làm rất có tình, có lý. Vì công việc chung của xã hội nên người dân rất hoan nghênh”.

Bạn đọc linh linh@live.com cũng đồng quan điểm trên của bạn đọc Bui Ta Vinh: “Bên cạnh viêc " đòi lại vỉa hè '' cũng rất mong Thành Phố có giải pháp cho người bán hàng rong sinh sống vì biết bao con người tồn tại được là nhờ có vỉa hè”.

Nguyễn Đoàn tổng hợp