Cử tri mong các "tư lệnh" ngành quyết liệt hơn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của đông đảo cử tri là công chức, viên chức, người lao động.
heo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều 7/11, nhiều cử tri cho rằng, gần đây việc triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta có nhiều tiến bộ và đang hoàn thiện. Tuy nhiên, ở cơ sở việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời hay, làm rõ nhiều vấn đề về lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức
Chị Lê Thị Minh, một cử tri là công chức tại tỉnh Tiền Giang đánh giá Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời rất hay, làm rõ nhiều vấn đề về lĩnh vực cán bộ, công chức viên chức. Tuy nhiên hiện nay, tôi nhận thấy còn nhiều cán bộ, công chức được đào tạo nhưng khi thực hiện công vụ chưa đúng chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí còn chỗ thiếu, có chỗ thừa cán bộ. Đặc biệt đối với cán bộ cấp xã, phường, thị trấn (ngoài định biên) thì chế độ lương, trợ cấp không đủ sống nên chưa thiết tha với công việc. Đối với biên chế và chế độ cho cán bộ, giáo viên ở ngành y tế, giáo dục cũng còn hạn chế.
Cử tri Lê Thị Minh cho biết, tại nhiều trường học ở Tiền Giang hiện nay, giáo viên ngoài việc đứng lớp thì về đêm còn phải trực bảo vệ tài sản của nhà trường nên rất khó khăn. Một số bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện, tỉnh, bác sĩ phải khám đến cả 100 bệnh nhân/ngày, dẫn đến chất lượng điều trị không cao.
Do đó, cử tri mong muốn, sắp tới các bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung định mức học sinh, giáo viên trên lớp, định mức nhân viên y tế trên số giường bệnh cho phù hợp theo từng vùng và giữa nông thôn với đô thị, giữa miền núi với đồng bằng, bảo đảm mục tiêu người học phải có giáo viên, người bệnh phải có bác sĩ.
Nhiều văn bằng, chứng chỉ không phản ánh đúng năng lực cán bộ
Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cử tri Trần Thị Lan (Nam Định) cho rằng, đây là lần thứ hai Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội nên Bộ trưởng có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
Đối với vấn đề yêu cầu các loại văn bằng, chứng chỉ trong thi nâng ngạch của công chức, viên chức, cử tri Lan nhận xét cách làm hiện nay không còn phù hợp, vừa rườm rà, rắc rối, vừa không đánh giá đúng năng lực của cán bộ.
Cử tri Lan chia sẻ: “Bây giờ văn bằng chứng chỉ người ta có hàng chục cái nhưng có thực chất hay không thì khó mà biết được. Năng lực của người cán bộ không thể chỉ dựa vào những văn bằng, chứng chỉ đó mà đong đếm được. Thế nên tôi thấy Bộ trưởng hứa năm 2020 việc đánh giá năng lực cán bộ sẽ đi vào thực chất, bỏ văn bằng chứng chỉ, đánh giá trực tiếp bằng năng lực làm việc thì rất là đáng mừng, mong Bộ trưởng sẽ giữ đúng lới hứa”.
Mong có biện pháp xử lý nghiêm thông tin xấu độc
Theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng nay (8/11), một số cử tri cho rằng, Bộ cần có các giải pháp mạnh hơn để ngăn chặn thông tin xấu, độc, sai sự thật lan tràn trên mạng internet.
Cử tri Phạm Vũ Quang (Quảng Ninh) đồng ý với ý kiến cho rằng, Việt Nam không đặt mục tiêu thay thế các mạng xã hội nước ngoài mà phải làm sao để phát triển các mạng xã hội (MXH) trong nước như Lotus...Đặc biệt cần phải làm sao để loại bỏ thông tin xấu, độc trên MXH, bắt buộc các MXH nước ngoài phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.
“Nhiệm vụ của cơ quan quản lý phải là làm sao xử lý nghiêm các trang MXH đưa thông tin ảo, sai lệch. Muốn thế thì cần phải minh bạch thông tin người dùng tức là tài khoản MXH phải được xác thực. Ngoài ra, tôi đồng ý với Bộ trưởng là các cơ quan chính thống cần phải chủ động đưa thông tin chính xác, chính thức để góp phần đẩy lùi thông tin độc trên mạng xã hội”- cử tri Quang bày tỏ.
Cử tri Phạm Vũ Quang (Quảng Ninh). Ảnh: TL
Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cử tri Nguyễn Ngọc Yến (Thừa Thiên Huế) đánh giá Bộ trưởng Hùng đã nêu ra những vấn đề rất cụ thể, rất thiết thực mà cũng mang cả tầm vĩ mô nữa.
“Tôi cũng là người thường xuyên theo dõi các nguồn thông tin trên mạng thấy bây giờ sao mà lắm tin thế. Không biết tin nào là tin thật, tin nào là tin giả.... ”- cử tri Yến nói.
Từ thực trạng này, cử tri Yến kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp xử phạt cứng rắn đối với thông tin giả, đặc biệt với thông tin phản động và làm gây rối trật tự xã hội, làm cho người dân hoang mang không biết thật, giả thế nào, dẫn đến nhận thức về xã hội lệch lạc.
Xử lý nghiêm với nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp
Nêu ý kiến về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cử tri Lê Tất Thắng (Đà Nẵng) quan tâm tới việc, thời gian qua việc định hướng thông tin dư luận của báo chí vẫn còn thụ động. Thông tin giữa mạng xã hội và một số cơ quan báo chí còn khoảng cách. Việc cung cấp thông tin cho báo chí chính thống vẫn còn chậm và hạn chế. Cử tri thấy lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông đã nhìn nhận ra vấn đề và có những chỉ đạo sát sao trong thời gian qua, cử tri rất đồng tình.
Theo cử tri Lê Tất Thắng, hiện vẫn còn xuất hiện tình trạng phóng viên, nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã giải trình rõ vấn đề này; vừa qua cũng đã kỷ luật và rút thẻ nhiều nhà báo để chấn chỉnh. Tuy nhiên, cử tri mong muốn Bộ có thêm nhiều giải pháp chặt chẽ, xử lý mạnh tay hơn về vấn đề này, đồng thời tuyên truyền hoạt động báo chí cho doanh nghiệp nắm rõ để hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn, phối hợp cung cấp thông tin báo chí theo đúng luật./.
Theo Nhóm PV
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam