Chuyện đùa như thật
Cú thoát chết hi hữu
(Dân trí) - Ôi dào! Trên đời này có những cái tưởng vô lý mà đâm ra có lý ra phết đấy, ông ạ!
Bão về, mưa to, chẳng đi đánh cờ được, chẳng đi đánh cầu lông được, mấy ông già Hội người cao tuổi bó gối ngồi nhà tụ tập nói chuyện tào lao:
- Này ông, ông có tin được rằng có người bị ngã ở ban công tầng cao của nhà cao tầng xuống đất mà không chết, còn nhỏm luôn dậy cười toe rồi bình thản đi về?
- Mình chỉ biết chuyện có một cái cây cao khủng khiếp lắm! Cứ biết rằng trứng chim ở ngọn cây rơi xuống không bao giờ bị vỡ, vì mới rơi đến nửa chừng, chim đã nở đủ lông đủ cánh để bay đi rồi. Cũng lại có chuyện có hai bố con nhà nọ cùng đi trên một cái cầu. Ông bố sơ ý ngã xuống sông. Con buồn quá quay về nhà, đến giỗ 49 ngày, đi qua cầu, người con vẫn thấy ông bố còn sống và đang tiếp tục rơi, chỉ vì cái cầu cao quá sức tưởng tượng, nhưng chuyện đó chỉ có trong truyện thi nói khoác trong tiếu lâm Việt Nam. Còn trên đời này làm gì có chuyện ngã trên tầng cao ở nhà cao tầng xuống mà không chết.
- Thế mà có đấy ông ạ.
- Ở đâu vậy?
- Ở Hà Nội.
- Chuyện xẩy ra khi nào?
- Mới cách đây mấy ngày thôi tại một nhà cao tầng ở Hà Nội.
- Vô lý
- Ôi dào! Trên đời này có những cái tưởng vô lý mà đâm ra có lý ra phết đấy, ông ạ! Ấy là trận mưa ở Hà nội cách đây mấy ngày, chỉ có hai tiếng đồng hồ mà nhiều phố đã biến thành sông, có thể thả thuyền để chèo đi trên phố được, có thể buông câu bắt cá trên phố được. Cầu Giấy là điểm mức độ ngập nặng nề nhất. Người đi đường phải dắt xe khi nước đã ngập quá yên.Có nơi ngập cục bộ đến hàng mét. Ông bảo với mức độ ngập như vậy, có kẻ nào mà bị ngã từ tầng cao của nhà cao tầng xuống thì là ngã xuống xuống nước chưa đâu phải là ngã xuống nền đất cứng. Nếu hắn biết bơi thì đương nhiên hắn sẽ đứng dậy, cười toe rồi đi trở về nhà, có sây sứt gì đâu.
Tôi ngẩn mặt, đành công nhận:
- Ông thật giỏi tưởng tượng. Nhưng điều ông nói không phải là không có lý vì Hà Nội hai chục năm nay liên tục đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào việc thoát nước mà cứ mưa là vẫn ngập, thậm chí có nơi ngập sâu như vậy, biến nhiều đường phố trở thành sông. Hi hi …
Nguyễn Đoàn