CSGT Hàng Xanh có “thản nhiên vạch ví người đi đường”?

(Dân trí) - Cho đến thời điểm hiện tại, 4 CSGT Hàng Xanh đã được Công an TPHCM cho xem lại clip đăng tải trên báo mạng. Tuy nhiên cả 4 CSGT đều khẳng định họ không có hành vi “vạch ví tiền của người đi đường” như phản ánh.

Đề nghị cung cấp chứng cứ “kết tội” lực lượng CSGT

 

Trả lời báo chí Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường sắt – đường bộ (PC 67) Công an TPHCM cho biết, trong thời gian tiến hành xác minh, PC67 TPHCM đã yêu cầu Ban chỉ huy Đội CSGT Hàng Xanh tạm đình chỉ công tác 4 CSGT nói trên. Riêng đối với nội dung tờ báo mạng quy kết “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví tiền người đi đường”, PC67 TP Hồ Chí Minh đã có công văn số 311/CSGT-TCCT ngày 5/3 gửi cơ quan báo chí đề nghị cung cấp clip để có cơ sở vào cuộc điều tra. Sau khi có kết quả cuối cùng, phòng PC67 sẽ có báo cáo gửi Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TPHCM xem xét chỉ đạo xử lý.
 
Hình ảnh cắt từ clip đăng tải trên mạng
Hình ảnh cắt từ clip đăng tải trên mạng

 

Nhận định về vấn đề này, Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa phân tích, sau khi đọc và xem video trang báo mạng có đặt tít “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường”, tôi thực sự sốc với cách đặt vấn đề như vậy, nếu như bài báo nói thì kết luận này được hiểu lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ có hành vi công nhiên và tự ý chiếm đoạt tài sản của người đi đường, đây là một kết luận hoàn toàn sai so với bản chất khách quan của sự việc, sẽ gây nên sự hiểu nhầm của người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông. Báo chí chỉ được quyền phản ánh, đưa tin đúng sự thực khách quan của vụ việc chứ không có được quyền kết luận một người nào đó có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác nếu không có bằng chứng chứng minh theo quy định của pháp luật, chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tòa án nhân dân mới có quyền phán quyết được một người nào đó có hay không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. 

 

Đồng tình với ý kiến này, Đại tá – Nhà báo Trần Danh Bảng, nguyên Trưởng Phòng điện tử Báo Quân đội Nhân dân bình luận, cách viết của trang báo mạng như vậy là “hàm ngôn”, hướng người đọc hiểu thế nào thì hiểu, như vậy đối với phát ngôn của một cơ quan báo chí như vậy thì rất nguy hiểm, gây sự hiểu lầm cho dư luận xã hội hiểu sai về lực lượng cảnh sát giao thông.

 

“Tôi thấy việc Công an TP HCM tạm đình chỉ 4 CSGT là cần thiết và nghiêm minh, tuy nhiên khi xem toàn bộ clip trên tờ báo mạng, bước đầu cho thấy những cảnh sát giao thông Hàng Xanh chỉ mới có biểu hiện sai quy trình nghiệp vụ, xem toàn bộ clip tôi chưa hề thấy có hình ảnh nào rõ nét hành vi “vạch ví lấy tiền người đi đường” cả”, ông Bảng nhận định.

 

Chia sẻ với phóng viên, Luật sư Trần Văn Đức, Đoàn Luật sư Hà nội nói, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên mời đại diện cơ quan báo mạng và người phóng viên viết bài đến làm việc để điều tra xác minh rõ sự việc, nếu đúng cơ quan CGST có hành vi “thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường” thì phải xử lý nghiêm minh và thông báo rộng rãi cho dư luận được biết, còn nếu không có bằng chứng chứng minh việc CGST có hành vi “thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường” thì cũng phải xem xét rõ hành vi vi phạm của cơ quan báo chí và phóng viên viết bài trên và cũng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm

 

Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7) cho biết: Ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh về vụ việc Cảnh sát giao thông (CSGT) Hàng Xanh, TP Hồ Chí Minh có biểu hiện vi phạm, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng Cục 7 và Công an TP Hồ Chí Minh xác minh, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

 

Phát biểu trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã nhiều lần nhấn mạnh: “Bộ Công an đã chỉ đạo nhiều biện pháp phòng ngừa tiêu cực trong CSGT. Tuy nhiên, cho rằng những nỗ lực từ trong ngành là không đủ, Đại tướng Trần Đại Quang kêu gọi nhân dân cả nước và báo chí tiếp tục cung cấp thông tin về những hiện tượng CSGT vi phạm tiêu cực để lãnh đạo Bộ kịp thời xác minh và xử lý. Bộ trưởng cũng kêu gọi mọi người không nên dùng tiền, đưa cho CSGT nếu như mình vi phạm. Nếu CSGT vòi vĩnh và đòi hối lộ thì kiên quyết đấu tranh và tố cáo với cơ quan chức năng để chúng tôi xử lý”.

 

Qua vụ việc CSGT Hàng Xanh lần này, thiết nghĩ người dân và cơ quan báo chí cùng phối hợp với cơ quan chức năng (CSGT và Bộ Công an) trong việc cung cấp chứng cứ như lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, trước khi công bố cho dư luận những hành vi “kết tội” thì cần phải được xác minh kỹ, có kết luận từ cơ quan điều tra, tránh suy diễn.

 

Biết rằng trong ngành nào cũng có thể có “con sâu làm rầu nồi canh”, tuy nhiên không vì một việc chưa có kết luận rõ ràng từ phía cơ quan chức năng mà đã vội vàng quy kết, thỏa thích tung hê, bình luận, phủi hết những chiến công của lực lượng công an nhân dân đang ngày đêm canh giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Như vậy sẽ gây hoang mang cho dư luận.  

 

Nguyễn Thanh