COVID-19 và nguyên lý “bình thông nhau”
Để đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố căn bản của toàn xã hội, nguyên lý “bình thông nhau” trong đại dịch đã được Chính phủ sớm tính đến. Giải pháp chính là gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ, với hơn một nửa từ ngân sách Nhà nước.
Sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19 với sức khỏe con người là không phải bàn cãi. Nhưng để đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố căn bản của toàn xã hội, nguyên lý “bình thông nhau” trong đại dịch đã được Chính phủ sớm tính đến. Giải pháp chính là gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ, với hơn một nửa từ ngân sách Nhà nước.
Sức khỏe và tính mạng người dân rất quan trọng, nhưng các biện pháp để duy trì chỉ số an toàn lại tạo ra một cuộc khủng hoảng khác. Không quá lời nếu nói rằng đây là một cuộc "khủng hoảng kép" đối với những người chịu trách nhiệm về y tế - an sinh xã hội nói riêng, và các cấp chính quyền nói chung. Lo chống dịch, và lo cả bài toán kinh tế cho hàng triệu người lao động mất việc, sự lao đao của các doanh nghiệp hay những đối tượng yếu thế trong xã hội chắc chắn là điều không dễ dàng.
Nguyên lý “bình thông nhau” trong đại dịch không phải là một nguy cơ, mà là điều sẽ bắt buộc xảy ra khi câu chuyện về COVID-19 vẫn còn ở phía trước. Những thử thách về y tế sẽ qua đi cùng với vòng đời hữu hạn của con virus. Nhưng cơn bão khủng hoảng về kinh tế đã hiển hiện nhãn tiền. Việt Nam đã từng bước đối phó hiệu quả với nguy cơ lan rộng dịch bệnh, và bây giờ là lúc chúng ta phải tính đến những chiến lược khác. Hỗ trợ và đảm bảo sinh kế cho người dân, đó cũng chính là cách mà Nhà nước góp phần cùng nhân dân tiếp tục cuộc chiến với COVID-19. Rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã đánh giá cao cách tổ chức hệ thống y tế của nước ta trong đại dịch toàn cầu. Gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ được đưa ra là bước đi thứ 2, dù còn nhiều gian khó, nhưng hoàn toàn hợp lý và kịp thời.
Tới thời điểm này, người dân vẫn đang vững tin vào cách Chính phủ xử lý khủng hoảng trên diện rộng, từ y tế đến an ninh trật tự, từ tuyên truyền đến xử lý các vi phạm khác nhau. Nhưng ở tầm vĩ mô, tất cả đều hiểu rằng, Việt Nam sẽ còn đứng trước rất nhiều thử thách khi nguyên lý “bình thông nhau” tiếp tục hiện hữu ở các quan hệ đối tác. Trong kỷ nguyên hiện tại, Việt Nam cũng như đa số quốc gia khác khó thể phát triển đơn lẻ mà quên đi những sự hỗ trợ giao thương.
Nếu hàng triệu công nhân mất việc, hàng trăm ngàn doanh nghiệp mất nguồn sản xuất hay xuất khẩu, đó sẽ là một bài toán khó nữa với Nhà nước khi nền kinh tế đang đi vào ổn định. Trong bối cảnh này, những viên gạch đầu tiên để sẵn sàng ứng phó cũng như sẵn sàng hồi phục chính là sự hỗ trợ kịp lúc cho người lao động và doanh nghiệp. Gói hỗ trợ của Chính phủ có thể chưa đáp ứng được nhu cầu cho mọi tầng lớp, nhưng nó sẽ phần nào kích thích được cả nguồn cung và cầu. Các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, nhân công thu nhập thấp, hay cả những người nghèo, cận nghèo mưu sinh bám phố luôn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chung tay giúp họ đứng vững trong thời gian này, đó cũng là cách để chúng ta ổn định được nền tảng xã hội – điều cơ bản nhất để vượt qua cơn bão COVID-19.
Như chính trị gia lừng danh Benjamin Franklin từng nói: “Thất bại trong chuẩn bị cũng có nghĩa là chuẩn bị thất bại”, Việt Nam đã chứng tỏ có sự tính toán toàn diện và đi trước một bước khi đại dịch ập đến. Lúc này, chúng ta cũng hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự chuẩn bị chủ động tiếp theo của Chính phủ để bình ổn nền kinh tế, an sinh xã hội. Hãy tin chúng ta sẽ làm được, như đã từng vượt qua những gì khó khăn nhất ở giai đoạn đầu COVID-19!
Theo HC
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam