Công đoàn và con tàu 4.0

Ngày này 89 năm trước, ngày 28.7.1929, Hội nghị đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ I được tổ chức đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn đã tập hợp được lực lượng đông đảo công nhân ở nhiều nhà máy, xí nghiệp tạo thành phong trào mạnh mẽ chống áp bức, bóc lột.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN sáng 25.7. Ảnh: Hải Nguyễn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN sáng 25.7. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngay từ những buổi ban sơ ấy, tổ chức Công đoàn đã là nơi gửi gắm niềm tin, tạo thành chỗ dựa vững chắc đối với người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc gặp gần nhất với lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, hôm 25.7, đã nhắc lại điều này: “Công đoàn phải là niềm tin, chỗ dựa vững chắc của công nhân lao động”.

Niềm tin của người lao động không thay đổi, bằng chứng là số lượng hơn 10 triệu đoàn viên đã khẳng định về sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn.

Song với thời gian, thực tế lao động sản xuất đã thay đổi. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt người lao động trước cả cơ hội lẫn thách thức. Cơ hội là sức lao động dần được giải phóng, nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời với sự phát triển của công nghệ. Nhưng thách thức lại vẫn là câu chuyện mất việc làm, máy móc thay thế con người… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Việt Nam sẽ không nằm ngoài cuộc chơi của cách mạng công nghệ 4.0. Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, nắm cơ hội để sớm bước lên con tàu này. Đây là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh”.

Vấn đề là tổ chức Công đoàn cần phải làm gì để các đoàn viên, người lao động không “lỡ chuyến chuyến tàu 4.0”?

Đã và sẽ tiếp tục có những giải pháp. Đó là vấn đề đào tạo lại nguồn nhân lực để những người lao động bị mất việc có thể chủ động đáp ứng hoặc chuyển nhanh sang các lĩnh vực có yếu tố công nghệ. Đó là những chính sách bảo trợ xã hội mà hành động cụ thể nhất là những cố gắng xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu chế xuất - khu công nghiệp mà Tổng LĐLĐVN đang và tiếp tục thực hiện…

Còn nhiều vấn đề khác nữa cần phải làm. Bản thân tổ chức Công đoàn cũng đã tự “chuyển động” để thay đổi và thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, gần nhất là việc ứng dụng công nghệ hiện đại quản lý đoàn viên. Bằng công nghệ, các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đoàn viên.

“Để không ai bị bỏ lại phía sau con tàu 4.0” là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, để tiếp tục trở thành niềm tin, chỗ dựa vững chắc của công nhân lao động.

Theo Hoàng Lâm

Báo Lao động