Còn có ai trên ông Trần Xuân Yến tham gia không?

Tổ công tác của Bộ GDĐT đã cung cấp thông tin ban đầu, ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La - vi phạm quy chế thi THPT quốc gia tại tỉnh này. Cùng với ông Trần Xuân Yến, còn có 4 cán bộ khác tham gia nâng sửa điểm thi.


Tổ công tác làm nhiệm vụ xác minh điểm thi tại Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Tổ công tác làm nhiệm vụ xác minh điểm thi tại Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ít nhất là xác định được một cán bộ cấp phó giám đốc sở vi phạm, còn vi phạm như thế nào sẽ được công bố cụ thể sau khi điều tra rõ ràng. Nhưng vấn đề đặt ra là trên ông Trần Xuân Yến còn có ai tham gia không? Những người có kinh nghiệm trong ngành giáo dục không tin rằng, tầm của phó giám đốc sở lại đủ để “điều hành” vụ vi phạm rất nghiêm trọng này.

Trong buổi cung cấp thông tin trên, không có mặt của ông Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La, nhưng ông giám đốc đương nhiên phải chịu trách nhiệm về vụ gian lận thi cử rất nghiêm trọng xảy ra tại địa phương.

Không suy diễn để gây hoang mang, nhưng cũng không bao che cho bất cứ ai sai phạm. Đối với những người đã xác định có hành vi vi phạm, dứt khoát phải xử lý theo pháp luật. Đồng thời, phải điều tra cho ra được sự thật rằng họ đã nâng điểm vì tiền hay vì áp lực của quyền lực?

Báo Lao Động ngày 23.7 có bài “Nhiều thí sinh có điểm thi cao vượt trội ở Sơn La là con cháu của ai?”. Tít bài là một câu hỏi nhưng bài báo là một câu trả lời, vì trong bài báo đã có danh sách cụ thể thí sinh điểm thi cao bất thường và được đánh giá là không tương xứng so với sức học của các em.

Chắc chắn Tổ công tác của Bộ GDĐT đã có danh sách thí sinh được nâng điểm, kể cả trường hợp là con ai, cháu ai thì cũng nên công bố công khai, minh bạch. Không nên vì sợ “tổn thương đến các thí sinh và các đồng chí lãnh đạo” mà không công khai danh sách. Hay nói đúng hơn, vì để không tổn thương những người công chính thì phải cho ra ánh sáng những người bất chính. Con lãnh đạo to trong tỉnh cũng công khai.

Những cán bộ có con được nâng điểm không thể nói rằng không biết, chẳng lẽ cán bộ chấm thi cố tình “gắp điểm bỏ tay người?”.

Và cho dù họ có chối thì cơ quan điều tra cũng phải làm cho rõ sự thật. Cán bộ lãnh đạo cậy thế cậy quyền để mua điểm cho con mình dứt khoát không thể không kỷ luật.

Làm cho tới, có thể tìm ra đường dây gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La và nhiều địa phương khác, không chỉ năm nay mà có thể đã xảy ra từ nhiều năm trước.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động