Có quá đà trong văn hóa PR?

(Dân trí) - Để nổi tiếng hơn nữa, có lẽ ông Đặng Lê Nguyên Vũ – chủ tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã quá đà trong văn hóa PR.

Chỉ riêng việc tái xuất sau 5 năm ẩn dật trên “núi thiêng M’Drak”, với bao tình tiết hư hư thực thực đồn thổi, việc ông Vũ luôn im hơi lặng tiếng dù vợ ông có nói gì đi nữa, khiến dư luận thực sự chú ý, nhưng cách ông xuất hiện và những bài “thuyết giảng” như đối tượng được Đấng Tối Cao truyền trao khả năng tiên tri mới thực sự khiến dư luận thấy có gì đó không ổn.

Có quá đà trong văn hóa PR? - 1

Trong bài nói chuyện 6 phút này, ông Vũ hầu như chỉ nói về những việc Trung Nguyên phải làm “những người anh chị em phải làm cuộc cách mạng, cách mạng gần như toàn diện, đổi thay gần như tất cả.” để “ thống ngự toàn diện trên toàn cầu được thì nó phải có sắc lực, nó khác biệt, phải đặc biệt.

Rõ ràng, tham vọng của ông Vũ là rất lớn. Không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà là thống ngự toàn cầu với “cách mạng gần như toàn diện”.

Là doanh nhân, phải có tham vọng, còn thực hiện được đến đâu là việc ông chủ có đủ tài, đủ tầm và đủ quyết tâm thực hiện hay không mà thôi.

So sánh có thể rất khập khiễng, nhưng ai có thể nghĩ, Mark Zuckerberg - một sinh viên trường Harvard - sẵn sàng bỏ làm bài tập để đi chơi với người yêu, từng bỏ ngang đại học để chú tâm phần mềm - lại có thể trở thành ông chủ Facebook và nhanh chóng thành một trong những tỉ phú giầu nhất thế giới. Hoặc như, Bill Gates bỏ dở việc học ở Harvard để theo đuổi giấc mơ mang tên Microsoft và trở thành tỉ phú giàu nhất thế giới. Những tỉ phú này không chỉ giầu nhất thế giới, mà họ đang thống trị thế giới về lĩnh vực họ đang theo đuổi.

Mọi chuyện đều có thể. Trên thế giới, không ít người có tham vọng lớn, rất lớn, nhưng để đạt ước mơ của mình lại vô cùng khó. Tuy nhiên, chúng ta nên ủng hộ tất cả những người có hoài bão, có ước mơ lớn, kể cả có vẻ như viển vông.

Những ngày đầu lập nghiệp, trực tiếp đi bỏ mối hàng, mấy ai có thể nghĩ ông Vũ có ngày có gia sản, doanh nghiệp nổi tiếng như hiện nay.

Nhưng khi đã thành tập đoàn hùng mạnh, hoặc thành những người nổi tiếng, nhiều người tự huyễn hoặc mình, thậm chi hoang tưởng, không biết mình là ai để quá lố, dần tự đánh mất mình.

Ông Vũ cũng vậy, tham vọng là một chuyện, còn đạt được hay không là chuyện hoàn toàn khác.

Với dư luận, vấn đề là thể hiện tham vọng đó như thế nào?

Nếu trong buổi nói chuyện trong khách sạn lớn, khán phòng chủ yếu là nhân viên của mình, ông nói rõ mục tiêu, phương châm thực hiện của tập đoàn thì trong buổi tiếp chuyện các nhà báo ở quán cafe lại hoàn toàn khác.

Ông nói rất nhiều đến Trời, đến mặc khải, thông linh. Là chủ tập đoàn cafe nhưng ông nói với một niềm đam mê vô tận về vũ trụ, về lịch sử văn minh, về quốc gia, về thế giới suy tàn hay thịnh vượng. Phải chăng 5 năm ẩn dật ở núi thiêng, ông đã thông linh được với đấng thần linh?

Mặt khác, dù đã xin lỗi trước, nhưng cách ông Vũ ngồi xếp chân lên ghế khiến những nhà báo ngồi ở tư thế rất nghiêm chỉnh như vậy, còn ông Vũ ngồi khoanh chân khoảng 3 tiếng trên ghế, người nghe sẽ có cảm giác thế nào? Chưa nói văn hóa châu Á, ngay cả với các nước được cho là thoải mái nhất, chắc không có ai đủ dũng cảm tiếp khách kiểu ngồi khoanh chân trên ghế như ông Vũ. Liệu có phải, việc ở ẩn 5 năm, cách thể hiện ngôn từ siêu thực, hay cách ngồi nói chuyện xếp bằng chân trên ghế nói chuyện với các nhà báo cũng là cách để ông Vũ PR cho chính mình?

Là doanh nhân, chuyện PR cũng là điều dễ hiểu và bình thường. Thực tế, Tập đoàn Trung Nguyên nổi tiếng như ngày nay một phần quan trọng là họ rất biết cách PR.

Do đó, để nổi tiếng hơn nữa và để thống ngự toàn cầu, là doanh nhân ông Vũ PR, nhưng vấn đề là, làm thế nào để đừng quá lố lại là chuyện khác.

Chính vì vậy, cách đề cập tham vọng có vẻ không tưởng, khẩu khí khác người, cách nhìn nhận vũ trụ như thánh sống, ông Vũ hình như đã quá đà trong PR , gây nên phản cảm trong công chúng.

Vương Hà