Bạn đọc viết:

Có nên đẩy giải pháp “tình thế” lên Thủ tướng?

(Dân trí) - Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa trình lên Thủ tướng phương án thay đổi giờ làm việc của người lao động Thủ đô. Đây được nhiều người coi là giải pháp “tình thế” chứ chưa phải hữu hiệu chống ùn tắc giao thông.

Theo tôi, thực tế có những giải pháp khác thấu đáo hơn để giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô.

Phân nhóm làm việc vào ba khung giờ khác nhau là lợi bất cập hại

Đối với nhóm các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, mầm non làm việc từ 7 giờ và kết thúc vào lúc 18 giờ. Thực tế, các em học sinh và sinh viên hiện nay đều đến trường từ 7 giờ. Vì học theo ca, các em có thể về theo những khung giờ khác nhau.

Trẻ em thuộc các lớp mầm non công lập nếu sau 17 giờ phải phụ huynh trả tiền trông coi dịch vụ. Đây là sự giàn xếp hợp lý giữa gia đình và nhà trường mà không cần chỉ đạo của thành phố.
 
Có nên đẩy giải pháp “tình thế” lên Thủ tướng? - 1
(nguồn ảnh: internet)
 
Với sinh viên, để đến lớp kịp giờ học, không bị nhỡ xe buýt, các em đều lên xe buýt trước 7 giờ. Sau giờ học, các em có thể đi học theo ca, kíp nhằm nâng cao trình độ thì không kể thời gian nào. Trong khi đó, nếu thành phố đề nghị làm việc từ 7 giờ đến 18 giờ thì các giảng viên phải đến trường từ 6 giờ 30 và về nhà khoảng 18 giờ 30.
 
Một số trường đại học đang chấm công bằng vân tay đối với giảng viên như áp dụng đối với chấm công cho công nhân trong các doanh nghiệp. Như vậy, giảng viên bị ở ngoài nhà của mình suốt 12 giờ. Điều này là bất hợp lý, ảnh hưởng tới sinh hoạt cá nhân, đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Theo ý kiến của nhiều người thuộc nhóm này, thà rằng họ chấp nhận tắc đường cũng chỉ mất từ 9 – 10 giờ ở ngoài nhà còn hơn.

Đối với nhóm hai là nhóm tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Do hầu hết ngành này là nữ nên họ đưa con đưa cháu tới trường, đi chợ búa mua sắm cho gia đình. Vì vậy, từ 6 giờ 30 họ đã có mặt ở ngoài đường  -  tức là họ luôn có mặt ở ngoài đường vào giờ cao điểm. Hơn nữa, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 18 giờ đa số nhân viên mới được nghỉ làm việc. Do đó, khung giờ do lãnh đạo Hà Nội đề xuất đối với hai nhóm này, theo tôi là không hợp lý.

Nên thay đổi giờ làm của công chức Thủ đô

Lật lại vấn đề, tại sao Hà Nội không xung phong thay đổi giờ làm việc của công chức thủ đô? Số lượng công chức của thủ đô tới hàng chục ngàn người. Hà Nội yêu cầu họ đến công sở làm việc từ 7 giờ sáng và tan tầm lúc 18 giờ chiều. Điều này hợp lý hơn và nằm trong tay điều hành của lãnh đạo Hà Nội, không phiền hà tới Chính phủ.
 
Đơn cử, ngay các phòng chức năng của công an như phòng hộ khẩu, phòng làm chứng minh thư, phòng tiếp dân v.v… đến làm việc sớm hay về muộn rất có lợi cho người dân có nhu cầu. Như vậy, người dân có thể giải quyết được nhiều việc của mình với chính quyền.

Tôi nghĩ, Hà Nội cần đưa ra giải pháp khác hợp lý hơn, nằm trong quyền hạn của mình, đừng đẩy các giải pháp mang tính “tình thế” và ít giá trị lên Thủ tướng và Chính phủ, để rồi hiệu quả thực thi mang lại có thể không như mong đợi.