Bạn đọc viết:
Cơ chế tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp
(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những hạn chế và bất cập trong giáo dục, nhưng cháu còn muốn đề đạt thêm về cơ chế tuyển dụng cần thiết cho sinh viên tốt nghiệp, làm sao để không lãng phí nguồn kinh phí vẫn đầu tư cho giáo dục lâu nay.
Cháu là một sinh viên đang theo học ngành Quản lý Giáo dục, cũng phấn khởi và cảm ơn tới Thủ tướng vì sự quan tâm tới ngành giáo dục. Đồng thời, cháu còn có thêm một số ý kiến như sau:
Giáo dục ở nước ta tuy được xem là quốc sách hàng đầu, ngân sách nhà nước cũng đã đầu tư cho giáo dục khoảng trên 20% tổng ngân sách nhà nước. Cháu thấy tỉ lệ đầu tư đó so với GDP và tổng ngân sách nhà nước là lớn, nhưng với thực tế cuộc sống của những người đang công tác trong ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên, cùng đại đa số cán bộ quản lý và những sinh viên học ngành sư phạm hay có liên quan trong ngành giáo dục như chúng cháu thì chỉ là rất nhỏ.
Bởi cái chính là chỉ với đồng lương của ngành giáo dục thì không thể sống nổi, dù chúng cháu đã phải qua bao nhiêu cố gắng để phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng bản thân thành người dạy dỗ hoặc quản lý các thế hệ học sinh cho tương lai.
Trong ngành giáo dục cũng vẫn còn nhiều bất cập khác nữa. Cháu lấy ví dụ cụ thể như Chính phủ cho phép nâng cấp Trường Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục thành Học viện Quản lý giáo dục để tuyển sinh. Song khi sinh viên tốt nghiệp lại không có một ngạch bậc hay cơ chế nào để tuyển dụng chúng cháu. Mà với tấm bằng quản lý giáo dục thì rất khó xin được việc trái nghành, bởi các nhà tuyển dụng cứ nghĩ chúng cháu chỉ làm được việc trong ngành giáo dục.
Thực tế theo cháu biết thì Bộ Nội vụ cũng chưa có một ngạch bậc tuyển dụng cụ thể nào. Vì vậy Học viện cứ tuyển theo chỉ tiêu sinh viên để nhận ngân sách, còn khi sinh viên ra trường thất nghiệp, tạo thêm gánh nặng cho gia đình bởi nợ nần cho con đi học, rồi sinh ra tâm lý chán nản có thể dẫn tới những việc làm tiêu cực… thì sao?
Như vậy rõ ràng ngân sách nhà nước đầu tư rồi lại không được sử dụng hiệu quả, bởi vì cơ chế làm quản lý ở nước ta thường ưu tiên người lớn tuổi, người có kinh nghiệm mới được đưa lên làm quản lý và chủ yếu là lấy từ những người đi dạy đã có nhiều kinh nghiệm. Vậy cháu xin hỏi: đã thế thì tại sao phải mở mã ngành tuyển sinh quản lý giáo dục làm gì, để khi ra trường họ không có bất cứ một chỗ đứng nào trong xã hội nếu gia đình họ không có quan hệ và có tiền chạy việc cho con?
Cháu mong Bác Thủ tướng, Chính phủ, các bộ ngành chức năng, các nhà khoa học tâm huyết với nền giáo dục nước nhà cùng các báo đài cùng bớt chút thời gian suy ngẫm và xem xét thêm vấn đề này.
Đây cũng là tâm tư dù chưa đầy đủ, nhưng là lời đề đạt của sinh viên chúng cháu. Mong được báo Dân trí chuyển những lời này tới bác Thủ tướng, tới Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT cùng tất cả độc giả quan tâm tới giáo dục. Để sinh viên chúng cháu sớm nhận được những phản hồi cần thiết, nhất là lời hứa sẽ có ngạch tuyển dụng với sinh viên được đào tạo. Để đỡ gánh nặng cho nhiều gia đình, đồng thời xã hội và nhà nước cũng không phải chịu thêm những thiệt hại về hiệu quả kinh tế. Tránh cho sinh viên những tâm lý tiêu cực trong cả thời gian học và ra đi làm, nhất là sinh viên Sư phạm.
Chân thành cảm ơn báo Dân trí.
Nguyễn Văn Tiệp
email: nguyentiep605@gmail.com