Bạn đọc viết

Cơ chế của mình lạ lắm!

Lạ là bởi, như tướng Võ Trọng Việt nói: “…cho phép tồn tại 2 loại sổ sách, 2 hệ thống chi tiêu mà các loại thanh tra, kiểm toán chỉ tiếp cận một hệ thống “sạch sẽ”. 2 hệ thống đó tồn tại song song, giống như ngoài hệ thống lương còn có… lậu, ngoài luật còn có… lệ mà chính các loại “lậu”, “lệ” đó làm vô hiệu hoá luật.”

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Thực sự, chả hệ thống tài chính nào cho phép tồn tại hai hệ thống sổ sách như vậy. Nhưng mọi người đều hiểu đúng như tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc Phòng An ninh của Quốc hội - nói: ngoài lương còn có lậu, và vì vậy, dù có biết, nhưng mọi người mặc nhiên thừa nhận vì… cơ chế. Nhưng vấn đề là có ai nói ra không mà thôi. Và nếu tôi không nhầm, tướng Võ Trọng Việt là người đầu tiên có trọng trách đã nói thẳng ở một diễn đàn quan trọng như vậy - diễn đàn ở Thường vụ QH họp bàn về kế hoạch kiểm toán 2017.

Chính vì vậy, theo tướng Việt, mới có chuyện đến hơn 10 đoàn kiểm tra, kiểm toán vào tập đoàn Vinashin nhưng chẳng thấy dấu hiệu của sự sai phạm nào đáng kể. Mà đến nay, ai cũng biết, tập đoàn này đã xảy ra những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng tới mức nào, mà cho đến nay, việc khắc phục hậu quả của nó vẫn chưa biết khi nào mới xong.

Vẫn theo tướng Việt, “Mà cơ chế của ta lạ lắm. Họp 3 ngày thì khai 5 ngày, nhưng thanh tra, kiểm toán không làm gì được, không trách gì anh em, mà do cơ chế.” Vẫn là một cách nói rất thẳng của một ông tướng.

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Vậy tại sao như năm nay, kiểm toán làm rất nhiều cuộc mà không có vụ việc nào chuyển sang điều tra xem xét để xử lý tham nhũng? Ông Hồ Đức Phớc trả lời thẳng: Thời gian trước, Kiểm toán nhà nước đã chuyển một số vụ việc sang CQĐT nhưng khi đó, CQĐT coi kiểm toán như một đối tượng điều tra, triệu tập, mời cán bộ kiểm toán lên liên tục, mất công mất việc nên “anh em cũng… chán”. Câu hỏi thẳng và trả lời cũng rất thẳng mang tới quá … bất ngờ cho nhiều người.

Không chỉ có vậy. Khi có kiến nghị truy thu, kiểm toán lại thường bị các đơn vị liên quan phản pháo bằng nhiều cách. Tổng kiểm toán lấy dẫn chứng từ 2 “ông lớn” Sabeco, Habeco bị đề nghị truy thu lần lượt là 408 tỉ và 938 tỉ đồng nhưng không chịu nộp ngay mà nhờ các vị có thẩm quyền, rồi mở các cuộc hội thảo để các chuyên gia phản pháo. Từ đó, báo chí lại quay sang chất vấn kiểm toán.

Chỉ vậy thôi đã cho thấy, cơ quan kiểm toán trực thuộc QH với mục đích xây dựng một chế định độc lập trong Hiến pháp nhằm chống tham nhũng nhưng vẫn không dễ làm, không đạt được như kỳ vọng. Có một chế định độc lập nhiều khi còn khó như vậy, thì hỏi, các cơ quan chức năng khác trực thuộc Chính phủ thì liệu có dễ làm hơn?

Chính nó phần nào đã giải đáp cho câu hỏi, dù các án điểm liên tục được đưa ra nhưng cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta vẫn chưa có kết quả như mong muốn.

Đã đến lúc không thể để tham nhũng tiếp tục cấu kết thành các nhóm lợi ich, và “các loại “lậu”, “lệ” đó làm vô hiệu hoá luật” như tướng Võ Văn Việt phải lên tiếng.

Vì vậy, điều dễ hiểu là tại sao dư luận hiện nay rất quan tâm đến vụ án Trịnh Xuân Thanh. Việc Tcty PVC bị lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng đã biết từ lâu, nhưng vì sao ông Thanh vẫn được thăng quan tiến chức? Rõ ràng, trong vụ việc này, những dấu hiệu chạy tội, chạy thành tích, chạy chức là khá rõ. Do đó, việc điều tra làm rõ những cái ô, những lợi ích nhóm ở đây là rất cần thiết. Việc vạch mặt chỉ tên “bộ phận không nhỏ” cấu kết với nhau để tàn phá đất nước gây bức xúc cho xã hội là việc rất cần thiết, rất cấp bách để lấy lại lòng tin của nhân dân.

Tuy nhiên, cũng vì lợi ích nhóm, các nhóm lợi ích này tung lên các trang mạng xã hội không ít thông tin hỏa mù, hư hư, thực thực. Điều đó cho thấy, công cuộc chống tham nhũng là cực kỳ khó khăn, phức tạp, vì vậy, càng đòi hỏi sự tỉnh táo, quyết tâm cao của Ban chỉ đạo, các lực lượng chuyên chính, đặc biệt, phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, của công luận.

“Ở nước ta, trong lãnh đạo, người đầu tiên công khai hóa và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.” ( bài viết của Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng trên Tạp chí Cộng sản, tháng 6.2015). Nay, cũng chính ông là người đứng đầu chiến tuyến chống lại những thế lực này, dư luận có quyền tin tưởng, cuộc chiến của công lý, của nhân dân do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu nhất định sẽ thắng lợi.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm