Bạn đọc viết:
“Cò” bệnh viện sống nhờ "lỗ hổng" trong khâu tiếp đón người bệnh
(Dân trí) - Với vấn nạn “cò” BV, theo tôi, những người điều hành BV cần nhận thức rõ đây là trách nhiệm của BV. Để tình trạng nhức nhối đó xảy ra lỗi trước tiên là của BV, không thể nói là khi người dân phản ánh mới nhờ công an giải quyết…
Chúng ta vẫn cứ giải quyết vấn đề bằng cách nhìn ở ngọn, mà chưa có cách nhìn vào bản chất của vấn nạn này ở các bệnh viện (BV) tuyến trung ương, thậm chí cả ở một số BV chuyên khoa tuyến tỉnh.
Trước hết phải thấy rõ đây là hậu quả của quá tải, hậu quả của cách ứng xử với người bệnh chưa đúng với nghĩa của cách ứng xử giữa con người với nhau. Ở rất nhiều bệnh viện chưa chú trọng tới việc tiếp nhận bệnh nhân sao cho thật sự khoa học và nhanh chóng. Nói cách khác là chưa chú ý tới việc giao tiếp với người bệnh ngay từ khâu đầu tiên này.
Với vấn nạn “cò” BV, theo tôi nghĩ, quan trọng là những người điều hành bệnh viện cần nhận thức rõ đây là trách nhiệm của BV. Để tình trạng nhức nhối đó xảy ra lỗi trước tiên là của BV, không thể nói là khi người dân phản ánh mới nhờ công an giải quyết được. Mà BV cần nhận trách nhiệm đó thuộc về khâu tiếp đón người bệnh của mình.
Một điều quan trọng nữa là việc bố trí nhân lực ở nhiều BV chưa hợp lý, chưa chú trọng tập trung nguồn lực. Hiện nay ngay từ khâu bác sĩ khám, phát hiện và sàng lọc bệnh nhân cũng chưa được thuận tiện, thường để bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu. Đồng thời không tạo được cơ chế liên hoàn trong chẩn đoán ban đầu để có thể phối hợp nhịp nhàng giữa khám lâm sàng với cận lâm sàng, để có được những chẩn đoán chính xác, thuận tiện và nhanh nhất. Không giảm được cho bệnh nhân thời gian phải chờ đợi xem có nhập viện hay không, hoặc có thể điều trị ngoại trú hay giải thích để bệnh nhân về tuyến dưới điều trị.
Một điểm cơ bản nữa là cần tập trung để giải quyết các biện pháp giảm quá tải một cách đồng bộ, với sự phối hợp từ tuyến cơ sở. Làm được vậy sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh của người dân, đồng thời nâng cao năng lực của y tế tuyến tỉnh, huyện. Thậm chí ở cả tuyến y tế cơ sở cũng nâng cao được lăng lực trong khám và điều trị tại nhà, để giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Chú trọng công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu để mỗi người dân, gia đình chú trọng việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe là biện pháp tốt nhất để giảm tải bệnh viện tuyến trung ương. Có vậy thì "cò" bệnh viện cả nội và ngoại sẽ đều biến mất như nạn "phe vé và tem phiếu thời kì bao cấp" trước đây.
Chúng tôi hy vọng sẽ được chứng kiến một chiến lược toàn diện, mạnh mẽ của ngành Y tế để thực sự là ngành "Phục vụ" sức khỏe người dân thuận tiện và tốt hơn, như một số ngành dịch vụ khác đã thực hiện được.
Chúc ngành Y tế thực thi những biện pháp cần thiết sớm hơn trong thời gian tới, để đạt được thành công như mong đợi của nhân dân.
Phạm Duy Tường
email: pdtuong@yahoo.com