Chuyện “Bệnh nhân người Anh” như cổ tích, như phim truyện LĐO | 17/05/2020 | 06:45
“Việt Nam đã dốc hết nỗ lực để cứu sống bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới nguy kịch nhất tại nước này - một phi công người Anh làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines”, hãng tin Reuters cho biết.
“Việt Nam đã dốc hết nỗ lực để cứu sống bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới nguy kịch nhất tại nước này - một phi công người Anh làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines”, hãng tin Reuters cho biết.
Các thầy thuốc Việt Nam đã điều trị cho nhiều bệnh nhân nước ngoài, tận tụy, tận lực như bệnh nhân người Việt, không hề phân biệt. Trước đây, đã có một số bệnh nhân người Anh nhiễm COVID-19 được chữa khỏi và đã về nước.
Còn nhớ, khi ông Dixong John Garth, 74 tuổi, được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị lành bệnh, trước khi trở về Anh, bà Dixong nói: “Cảm ơn các bác sĩ Việt Nam, nếu ở nơi khác, chắc chúng tôi sẽ không còn sống. Thật may mắn chúng tôi được điều trị ở Việt Nam”.
“Ở đây tôi được chăm sóc, điều trị hơn cả sự mong đợi của mình, tôi thấy thực sự hạnh phúc và biết ơn điều này”, đó là chia sẻ của ông C.P.S, một bệnh nhân người Anh được điều trị khỏi tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Các thầy thuốc Việt Nam thì sao? Chỉ làm việc với tất cả lương tâm nghề nghiệp, với một trái tim yêu thương con người và một ý chí chiến thắng virus SARS-CoV-2, góp phần cho cộng đồng thế giới vượt qua đại dịch.
Trong suốt hơn 2 tháng qua, các y - bác sĩ, điều dưỡng viên vật lộn với ca bệnh 91, quyết tâm cứu sống bằng được, không phải vì lý do gì ngoài tấm lòng từ mẫu của lương y, một giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Các bác sĩ đều cho rằng, phải cứu sống một mạng người khi còn có thể, đơn giản chỉ vậy thôi.
Cùng với đội ngũ y bác sĩ, là tấm lòng của người Việt Nam với bệnh nhân người Anh.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, đến sáng 15.5, đã có 40 người xin hiến một thuỳ phổi của mình để cứu bệnh nhân số 91 - nam phi công người Anh mắc COVID-19 đang trong tình trạng rất nguy kịch.
40 người Việt xin hiến thùy phổi để cứu bệnh nhân người Anh, một người không quen biết. Truyện cổ tích giữa đời thường.
Hy sinh công sức, hy sinh tiền bạc đã là quý giá, hy sinh một phần xương thịt cơ thể của mình giá nào so sánh được.
Để hiến tạng và tiếp nhận còn nhiều thủ tục, liên quan đến pháp lý, y lý, nhưng rõ ràng, tấm lòng người Việt Nam là vậy, “thương người như thể thương thân”.
Và như câu nói của một phụ nữ ngoài 40 tuổi, còn khỏe mạnh, muốn hiến một phần lá phổi của mình ghép cho bệnh nhân 91: “Để tình thương lan tỏa tình thương”.
Theo Lê Thanh Phong
Báo Lao độngNguyễn Đoàn