Chúng tôi đã ra trận như thế
(Dân trí) - ... Lập tức ra chiến trường. Không kịp để lại gì. “Không một tấm hình. Không một dòng địa chỉ”… Chúng tôi đã ra trận như thế: giữa sắc thắm đỏ của hoa phượng và màu tím nồng nàn của hoa bằng lăng, trong nắng chói chang, dưới bầu trời xanh cẩm thạch của Hà Nội.
Đầu mùa hè năm 1972, giữa cái nắng cái nóng của đất trời và nóng bỏng của chiến trường, sau một đêm, nhiều nghìn sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối và nhiều trăm cán bộ giảng dạy trở thành “anh bộ đội”. Và ngay lập tức, ra chiến trường.
Không kịp để lại gì. “Không một tấm hình. Không một dòng địa chỉ”… Chúng tôi đã ra trận như thế. Ra trận giữa sắc thắm đỏ của hoa phượng, và màu tím nồng nàn của hoa bằng lăng, trong nắng chói chang, dưới bầu trời xanh cẩm thạch của Hà Nội.
Hà Nội xa dần, xa dần theo không gian nhưng cứ quay quắt mãi trong tâm trí. Một Hà Nội yêu thương. Một Hà Nội đẹp như chưa bao giờ đẹp thế.
Dọc theo đường Nam Bộ (đường Lê Duẩn bây giờ) đoàn quân sinh viên hành quân về phía Nam.
Đến Thanh Hóa, trong một khu rừng còn nham nhở hố bom, vết tích của nhiều trận không kích của Không lực Hoa Kỳ. Cả một vùng xác xơ. Càng xơ xác dưới nắng rát và gió Lào. Sau hai ngày hai đêm đi bộ, tất cả đã thực sự là lính. Mặt sắt đen sì. Dũng mãnh như đoàn quân Tây tiến năm nào.
Ở đây, chúng tôi tập luyện ngày đêm để trở thành người lính thực thụ. Rồi một đêm, được lệnh hành quân. Cả đoàn quân im phăng phắc chờ lệnh. Hồi hộp đến nghẹn thở.
- Nghiêm! Các đồng chí có tên sau đây được phiên chế về Quân chủng Phòng không Không quân. Người chỉ huy phát lệnh sắc gọn như tia lửa điện. - Các đồng chí có tên từ…đến… về nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 361 bảo vệ Thủ đô. - Các đồng chí có tên từ…đến…về nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 363 bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng và vùng Đông Bắc. Tất cả nghe rõ chưa?
- Rõ.
- Lên xe!
Đoàn quân sinh viên chúng tôi như vỡ òa. Không ai ngờ được trở lại bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Hải Phòng. Lại được trở về bằng ô tô nhà binh.
Tôi về 1 đơn vị pháo cao xạ 57 ly thuộc trung đoàn 252, sư đoàn 363 bảo vệ Hải Phòng. Hầu hết cánh sinh viên bọn tôi được phân công làm khẩu đội trưởng, khẩu đội phó. Vừa tập luyện, vừa chiến đấu. Những trận địa Bến Bính, Xi Măng, Sở Dầu, Cầu Tre, Thủy Tinh…hầu như tất cả địa danh Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, nơi chúng tôi đã gắn bó với cả mồ hôi, nước mắt, máu thịt của mình.
Nhiều trận với Không quân Mỹ từ Hạm đội 7 vào đánh phá Hải Phòng, Quảng Ninh trước tháng 12/1972 đã thử thách chúng tôi. Nhiều đồng đội tuổi 20, những cử nhân Toán, Văn, Ngoại ngữ…của nhiều trường đại học Hà Nội đã hy sinh. Nhưng khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” bao giờ cũng thẳng như đường đạn.
Đến đầu tháng 12, lính Phòng Không Hà Nội, Hải Phòng căng như dây đàn, không một phút rời mâm pháo, bệ phóng.
Và cái gì đến đã phải đến.
Tối 18/12/1972, cả Hà Nội, Hải Phòng rùng rùng, đất trời rung chuyển. Máy bay B52 và các loại của Không quân Mỹ ồ ạt tấn công. Một trận mà sau đó chúng ta gọi là Điện Biên Phủ trên không. Báo chí nước ngoài gọi là “un coup mortel” (một đòn chí tử)…
36 năm sau, gặp lại Bích Lê tại 1 cuộc giao lưu giữa thầy trò nhà trường với một doanh nghiệp Nhà nước đang được nói đến nhiều …Hóa ra, vị nữ lãnh đạo doanh nghiệp chính là cô bé Hải Phòng của 12 ngày đêm cuối 1972, từ hầm trú ẩn bị sập.
Sau buổi tình cờ gặp lại ấy, được biết cùng trang lứa với Bích Lê và đàn em sinh ra trong và sau 1972 rất nhiều em thành đạt, nhiều giám đốc, tổng giám đốc, nhà khoa học… những người may mắn không biết chiến tranh.
Bốn mươi năm đã qua. Cuộc sống đã hơn một lần hồi sinh trên đất nước hôm nay. Và những bông hoa biển ngày nào... Dù nỗi buồn chiến tranh vẫn chưa hết nguôi ngoai, và nhiều nỗi buồn mới lại đang đến, nhưng sức mạnh dân tộc sẽ đẩy lùi tất cả.
Phía trước đang chờ đón một Việt Nam, không phải Điện Biên Phủ trên không, mà một Việt Nam của hòa bình, thịnh vượng, văn minh. Một Việt Nam của thế hệ sinh ra trong những ngày mùa đông 1972 bom đạn, đang cất cao tiếng hát hòa bình. Một Việt Nam yêu thương, trìu mến, hấp dẫn bên bờ biển Đông đầy thách thức.
Giang Sơn